Có con năm nay vào lớp 1 tại trường tư thục ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chị Nguyễn Minh Thùy cho biết công việc bận rộn không có thời gian hỗ trợ trang hoàng, hoạt động lớp học cho con nhưng nhiều phụ huynh khác rất nhiệt tình.
Một số người sốt sắng đến sớm, về trễ đứng ra lo hậu cần từ việc lau dọn bàn ghế, đặt cây hoa trang trí, đặt tủ gỗ, làm thư viện lớp học đến mua đồ ăn cho học sinh, quà cáp cho giáo viên chủ nhiệm đầu năm.
“Mình cảm động vì sự tận tình, chu đáo của một số phụ huynh vì họ đã bỏ thời gian, công sức để chăm lo cho hoạt động chung của lớp”, chị Thùy nói.
Tranh cãi
Nhưng điều chị Thùy không hài lòng là ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học vừa diễn ra, khi bầu xong ban phụ huynh, chính những thành viên đó đưa ra dự toán các mục cần chi trong năm học với số tiền rất lớn, lên đến hơn 100 triệu đồng/năm học, tức mỗi học sinh đóng 2 triệu đồng/học kì.
Trong khi đó, giáo viên chủ nhiệm thông báo chủ trương của nhà trường là thu quỹ lớp trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng.
Có phụ huynh bày tỏ sự bất bình khi vừa khai giảng ít ngày, “ban phụ huynh” đứng ra thông báo cô giáo chủ nhiệm mở lớp học thêm và đề nghị phụ huynh đăng ký.
Cũng chính những người này, trong cuộc họp phụ huynh, đứng dậy đề nghị cô giáo mở lớp vì nhiều phụ huynh có nhu cầu trong khi trước đó không hề hỏi ý kiến.
“Học thêm ở đâu và học hay không là nhu cầu, nguyện vọng của từng phụ huynh, tôi không mong muốn 'ban phụ huynh' là cánh tay nối dài của giáo viên chủ nhiệm buộc học sinh phải học”, vị phụ huynh này nói.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, có ý kiến cho rằng, tại sao “ban phụ huynh” của lớp phải làm thay hết việc của nhà trường, từ sửa tivi, bóng đèn điện, rèm cửa sổ, bàn tủ giáo viên đến cánh cửa lớp… Thậm chí, có lớp vào học không có điều hòa, lại phải huy động phụ huynh đóng góp.
Chị Trần Thị Hồng Quyên, người có nhiều năm làm trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh ở một trường tiểu học, tiết lộ năm ngoái, con chị vừa hoàn thành chương trình lớp 5 để lên lớp 6.
Trước khi kết thúc năm học, tất cả phụ huynh đồng tình với phương án để lại toàn bộ thiết bị trong phòng học cho các em khóa sau bao gồm: Bình nước nóng lạnh, điều hòa, tủ giáo viên…
Nhưng sau khi hỏi ý kiến các nơi được truyền thông điệp là phụ huynh khối 5 nên thanh lý hết các thiết bị kể trên để năm sau các em khối dưới được sử dụng thiết bị mới.
“Mình có ý tốt tặng lại các em khóa sau nhưng không phải muốn là được”, chị Quyên nói.
Hội chợ của học sinh tại một trường ở Hà Nội được cha mẹ học sinh góp sức tổ chức. Ảnh: Tiền Phong. |
Tránh lạm dụng, thu sai quy định
Bộ GD&ĐT đã có Thông tư Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định, mỗi lớp có một “ban đại diện cha mẹ học sinh” gồm từ 3 đến 5 thành viên có trách nhiệm phối hợp với giáo viên, nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng được trao nhiều nhiệm vụ, quyền hạn trong phối hợp tổ chức các hoạt động, đề nghị tuyên dương, kỷ luật học sinh…
Về kinh phí hoạt động, Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân”.
Trên thực tế, nhiều ý kiến cho rằng “ban đại diện cha mẹ học sinh” được thành lập chủ yếu để thu tiền và làm nhiệm vụ đối ngoại.
Nhìn danh mục chi tiền các hoạt động trong năm học có thể thấy, số tiền chi cho hoạt động của học sinh rất ít, chi “đối ngoại”, lễ tết cán bộ, giáo viên, nhân viên, sửa chữa, mua sắm thiết bị lớp học chiếm phần nhiều.
Trên diễn đàn có tên “Hội phụ huynh Hà Nội”, một thành viên đặt vấn đề Bộ GD&ĐT nên cấm các trường thành lập ban phụ huynh trường và lớp. Bởi lẽ, hoạt động chung như sinh nhật, trung thu, ngày lễ, cô trò có thể cùng nhau tổ chức và mỗi con một việc để vừa học vừa hành. Hay như trung thu, các lớp không cần trang trí riêng mà toàn trường có thể trang trí một góc chung cho học sinh vui chơi.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng cần có “ban đại diện cha mẹ học sinh” của trường, lớp vì nhà trường, gia đình, xã hội cần chung tay làm nhiệm vụ giáo dục.
Mỗi lớp hàng chục học sinh, một giáo viên không thể thông báo tình hình tới từng em thì "ban phụ huynh" phối hợp sát sao để cập nhật, trao đổi với các phụ huynh khác.
Khi xảy ra sự việc, tình huống, nhà trường, giáo viên cũng sẽ trao đổi và có ý kiến của “ban phụ huynh”. Tuy nhiên, ban này được lập ra cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không nên đi thu tiền hay “đẻ” ra các loại quỹ để thu.
“Nếu khoản thu đúng quy định, nhà trường đã có kế toán thu. Khoản không đúng quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh càng không được lạm dụng để thu. Một số nơi yêu cầu phụ huynh đóng góp là không đúng. Cần phải dẹp bỏ hiện tượng lạm thu đó”, PGS Nhĩ nói.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.