Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy trình bỏ phiếu ngày 23/5 diễn ra như thế nào?

Khác với kỳ bầu cử lần trước, cử tri đi bầu ngày 23/5 phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Quy trình 6Đ bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Ngày 23/5, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Trong ngày bỏ phiếu 23/5, một trong những điều được cử tri quan tâm là việc quy trình bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu sẽ diễn ra như thế nào?

Theo quy định, thời gian bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu tập trung là 7-19h ngày 23/5. Cử tri đến bỏ phiếu phải xếp hàng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m và đo thân nhiệt trước khi đến bàn tiếp đón.

Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt hoặc ho, thành viên tổ chức phụ trách bầu cử và những người có liên quan sẽ thông báo cho các cử tri khác ngừng di chuyển, đồng thời đưa ngay cử tri đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí. Sau đó, thành viên tổ bầu cử thông báo cho cơ quan y tế địa phương để điều tra dịch tễ và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Nếu không có biểu hiện bất thường, cử tri sẽ được hướng dẫn qua khu vực niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử người ứng cử. Tại đây, cử tri kiểm tra và tìm hiểu thông tin về người ứng cử.

Sau đó, cử tri trình thẻ cử tri tại bàn thu thẻ và phát phiếu bầu cử. Thành viên tổ bầu cử có nhiệm vụ kiểm tra thẻ cử tri, đối chiếu danh sách, phát phiếu bầu và hướng dẫn cử tri tới khu vực viết phiếu bầu. Cử tri được nhận 1 phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và 3 phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp tỉnh, huyện, xã.

Cử tri viết phiếu bầu cử tại khu vực viết phiếu bầu. Khi không tín nhiệm người ứng cử nào thì cử tri gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó. Khi viết phiếu bầu, cử tri cần lưu ý những điều sau:

Không ai được xem khi cử tri viết phiếu bầu, kể cả thành viên tổ bầu cử.

Không được khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử.

Không được đánh dấu những kí tự đặc biệt trên phiếu bầu.

Không được viết thêm, ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu.

Không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu, hoặc bỏ phiếu bầu trắng.

Nếu viết hỏng, cử tri có quyền được đổi phiếu bầu khác.

Sau khi viết phiếu bầu, đích thân cử tri bỏ phiếu vào hòm phiếu sau khi cử tri hoàn thành việc viết phiếu bầu cử.

Bỏ phiếu xong, cử tri đưa thẻ cử tri cho tổ bầu cử để đóng dấu "Đã bỏ phiếu" vào thẻ cử tri. Sau khi được đóng dấu, cử tri có thể ra về.

Việt kiều mang 2 quốc tịch có được tham gia bầu cử?

Pháp luật không có quy định cấm Việt kiều mang 2 quốc tịch tham gia bầu cử. Tuy nhiên, họ cần đáp ứng những yêu cầu riêng biệt để được ghi tên vào danh sách cử tri.

Khi nào ứng viên bị rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu?

Pháp luật quy định khi ứng viên vướng lao lý, mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử, họ sẽ bị rút khỏi danh sách ứng cử.

Người bị tạm giữ, tạm giam có được tham gia bầu cử?

Pháp luật quy định người đang bị tạm giam, tạm giữ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi họ đang bị tạm giam, tạm giữ.

Hoàng Linh

Bạn có thể quan tâm