Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Trần Hoàng Phong (tài xế Mercedes tông chết tài xế GrabBike và khiến nữ tiếp viên hàng không thương tật 79%), luật sư của bị hại chất vấn bị cáo về việc ký giấy tờ công chứng sang tên căn chung cư cho mẹ đẻ trong thời gian bị tạm giam.
Phong thừa nhận việc này và cho biết khi đang bị tạm giam, người của phòng công chứng đã mang giấy tờ chuyển nhượng đến. Theo lời khai, tài xế Mercedes "chỉ biết ký chứ không biết giấy tờ đó có nội dung gì".
Nhiều người thắc mắc giao dịch này ảnh hưởng như thế nào đến việc bồi thường dân sự khi căn chung cư là tài sản duy nhất của Phong.
Giao dịch nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự?
Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo khoản 2 Điều 124 và khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp các bên xác lập giao dịch hoặc hợp đồng dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch, hợp đồng dân sự đó vô hiệu dù hình thức bảo đảm đúng pháp luật.
Theo khoản 3 Điều 132 và khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự, đối với giao dịch, hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố vô hiệu không bị khống chế.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đối chiếu quy định trên với việc chuyển quyền sở hữu căn hộ chung cư, luật sư nói rằng bị cáo là người có lỗi gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho 2 nạn nhân và đã bị khởi tố, truy tố trước pháp luật. Trong quá trình điều tra, truy tố, bị hại đã có yêu cầu bồi thường thiệt hại. Và trước khi thực hiện giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho mẹ, Phong chưa tự nguyện bồi thường thiệt hại.
Như vậy, tại thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản duy nhất, đã có cơ sở và căn cứ pháp lý xác định Phong phải có trách nhiệm bồi thường cho bị hại. Tức là Phong được xác định phải có nghĩa vụ dân sự với người thứ ba (Phong là người thứ nhất, mẹ Phong là người thứ hai, người bị hại là người thứ ba trong giao dịch chuyển quyền sở hữu căn hộ chung cư).
Từ diễn biến sự việc, luật sư Dũ nhận định giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản giữa Phong với mẹ của bị cáo thỏa mãn trường hợp giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, quy định tại khoản 2 Điều 124 và khoản 1 Điều 407. Và nhiều khả năng nội dung hợp đồng giữa Phong với mẹ là hợp đồng tặng cho tài sản. Nếu là mua bán, tiền bị cáo nhận được sẽ bị tạm giữ ngay tại trại tạm giam.
Có bị tuyên vô hiệu?
Vậy giao dịch chuyển nhượng căn hộ giữa mẹ của Phong với người tiếp theo (nếu có) thì có được pháp luật bảo vệ hay không?
Luật sư Dũ nhận định theo quy định tại khoản 2 Điều 133 và khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp giao dịch thứ nhất vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác (giao dịch thứ hai) cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập thì giao dịch thứ hai không bị vô hiệu.
Nếu tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch với người thứ ba giữa mẹ Phong và người khác bị vô hiệu.
Chị Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79% sau vụ tai nạn. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo luật sư Dũ, để kịp thời ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản, nhằm bảo đảm quyền được bồi thường thực tế của bị hại, theo quy định tại Điều 128 và khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, HĐXX có quyền ra lệnh kê biên tài sản là căn hộ nêu trên để bảo đảm khả năng bồi thường thiệt hại, hoặc có thể linh hoạt vận dụng cách thức ban hành văn bản gửi đến cơ quan, tổ chức liên quan đề nghị tạm dừng biến động liên quan đến căn hộ.
Để có thể giải quyết dứt điểm các giao dịch liên quan đến căn hộ trong cùng vụ án này, luật sư cho rằng cần thiết phải triệu tập các bên liên quan giao dịch đến tòa để xét hỏi, làm rõ bản chất, hình thức của giao dịch.
Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm không thể làm rõ được thì cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung những vấn đề liên quan trách nhiệm bồi thường, giao dịch chuyển quyền sở hữu căn hộ.