Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao tài xế Mercedes không bị truy cứu tội dùng bằng lái giả?

Luật sư đề nghị tòa xem xét trách nhiệm bị cáo khi sử dụng giấy tờ giả, nhưng VKS cho rằng cơ quan điều tra không thu hồi được giấy tờ giả nên không có cơ sở xem xét tội danh này.

Chiều 15/12, tại buổi xét xử vụ án tài xế Mercedes tông chết người, 8 luật sư phía bị hại và đại diện VKSND quận Phú Nhuận (TP.HCM) tranh luận về tội danh của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp).

Theo đó, luật sư phía bị hại đề nghị VKS truy cứu trách nhiệm bị cáo theo điểm c và e, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự. Trong khi đó, VKS cho rằng không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm theo hai quy định này.

Tranh luận về việc bị cáo bỏ đi

Luật sư phía bị hại không đồng ý với mức án đề nghị 6-7 năm tù cho bị cáo và đề nghị VKS cần truy cứu trách nhiệm bị cáo theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể là điểm c khoản 2 (gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn) và điểm e khoản 2 (gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên).

Tranh luận về đề nghị của luật sư phía bị hại, đại diện VKS cho rằng cơ quan công tố không áp dụng tình tiết bỏ chạy vì căn cứ theo điểm b, khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ, không có cơ sở xác định bị cáo không cứu giúp.

xet xu tai xe Mercedes tong chet nguoi anh 1

Đại diện VKS thông cảm với việc bị cáo rời khỏi hiện trường do hoảng loạn. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thực tế, sau khi xảy ra tai nạn, căn cứ vào hình ảnh từ camera hành trình của ôtô, lời khai của các nhân chứng và xác minh với Trung tâm Cấp cứu 115, VKS xác định bị cáo có gọi điện thoại đến 115.

"Bị cáo gây ra tai nạn, tâm lý hoảng loạn, có người sẽ xử lý theo hướng này hướng khác. Xem camera thì thấy bị cáo có đi tới đi lui tại hiện trường và có gọi điện cho 115. VKS cũng thông cảm là có thể bị cáo đã không xê dịch nạn nhân để giữ nguyên hiện trường vụ án", đại diện VKS nói.

Tiếp tục tranh luận với VKS về vấn đề này, luật sư phía bị hại cho rằng nhận định của đại diện VKS là cảm tính. "Ý thức chủ quan của bị cáo đã biết hành vi của mình là sai nhưng sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên bỏ trốn", luật sư tranh luận.

Luật sư của bị hại cũng cho rằng việc bị cáo rời khỏi hiện trường quá 24 giờ có thể là để phi tang chứng cứ.

Không có cơ sở xem xét tội sử dụng giấy tờ giả?

Trong phiên tranh tụng, luật sư cũng đặt câu hỏi về việc tại sao VKS không áp dụng tình tiết sử dụng ma túy và chất kích thích.

Trả lời vấn đề này, VKS cho biết ngoài lời khai của bị cáo, không có bất cứ bằng chứng nào xác định bị cáo có sử dụng ma túy trước khi gây tai nạn.

Tương tự, với kiến nghị của luật sư về việc xem xét trách nhiệm bị cáo khi sử dụng giấy tờ giả, quan điểm của VKS là không thu hồi được giấy tờ giả nên không có cơ sở xem xét tội danh này.

xet xu tai xe Mercedes tong chet nguoi anh 2

Bị hại trao đổi với luật sư tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tranh luận thêm về hành vi sử dụng ma túy và giấy tờ giả, luật sư của bị hại tiếp tục cho rằng giải thích của VKS là không xác đáng. "Kết quả dương tính với ma túy của bị cáo có được sử dụng làm chứng cứ không? Nếu không xem kết quả này là chứng cứ thì cho vào hồ sơ làm gì?", luật sư đặt câu hỏi.

Luật sư cũng đặt câu hỏi rằng toàn bộ lời khai của bị cáo khẳng định mình sử dụng giấy tờ giả. "Vậy lời khai này có ý nghĩa như thế nào? Cần phải đánh giá hết mới xác định đúng người, đúng tội được", luật sư tranh luận.

Giải thích lý do không áp dụng điểm e, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự, đại diện VKS nói vụ án khiến một người chết và một người thương tích 79%; không thể coi người chết là thương tích 100% nên không truy tố điểm này.

Về trách nhiệm liên đới của bên cho thuê xe, đại diện VKS bày tỏ sự thông cảm với phía công ty khi không phát hiện ra giấy tờ xe và chứng minh nhân dân của bị cáo Phong là giả. Riêng đối với những sai sót trong cách thức hoạt động của công ty, VKS sẽ xem xét tách phần này ra để giải quyết, tránh kéo dài vụ án.

Cuối phiên tranh tụng, 8 luật sư phía bị hại tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ và điều tra bổ sung các điểm mà luật sư đã tranh luận.

xet xu tai xe Mercedes tong chet nguoi anh 3

HĐXX chất vấn bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sau khi nghe tranh tụng của VKS và các luật sư, bị cáo Phong gửi lời xin lỗi về hành vi của mình và xin hứa sẽ trả toàn bộ số tiền bồi thường cho gia đình bị hại.

Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h ngày 16/12.

Theo cáo trạng, rạng sáng 30/1, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes nhưng không làm chủ tốc độ, lao xe sang làn đường ngược chiều.

Chiếc ôtô tông vào xe máy của ông Thường đang chở chị Hường. Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong tại bệnh viện, chị Hường bị thương tật 79%.

Nữ tiếp viên hàng không yêu cầu bồi thường 1,4 tỷ Bị tài xế Mercedes tông trọng thương, nữ tiếp viên hàng không yêu cầu được bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng.

'Tôi vẫn còn cảm giác chiếc Mercedes đè mình, đau đớn ra sao'

"Tôi không bất tỉnh sau vụ tai nạn, nên tôi cảm giác được chiếc xe đó đè qua mình như thế nào, tôi đau đớn ra sao. Cảm giác đó vẫn còn nguyên", Hường kể.

Tài xế Mercedes bị đề nghị 6-7 năm tù

VKS đề nghị tài xế Mercedes mức án 6-7 năm tù và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như yêu cầu của gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, luật sư phía bị hại không đồng ý với mức án này.

Tài xế Mercedes tẩu tán tài sản trong khi bị tạm giam?

Trong thời gian tạm giam, bị cáo Phong đã ký giấy tờ sang tên một căn nhà chung cư cho mẹ mình. Luật sư nhận định đây là hành vi tẩu tán tài sản và đề nghị không giảm nhẹ án.

Thu Hằng - An Huy

Bạn có thể quan tâm