Đón chúng tôi trong một buổi chiều đầy nắng không phải 2 bartender cool ngầu mà là những người trẻ dễ gần và giàu năng lượng - Nguyễn Hoàng Tú Quyên và Phan Thanh Nam. Cả hai đang quay vlog mới cho kênh TikTok Quyen & Nam Station.
“Buổi tối là bartender, ban ngày làm content creator”, cặp đôi vui vẻ giới thiệu về bản thân.
“Làm bartender giống yêu người có hình xăm”
- Cơ duyên nào đưa các bạn đến với bartender?
- Quyên: Trước khi làm bartender, mình theo học ngành Luật. Khi nhận thấy bản thân không phù hợp, mình quyết định nghỉ học và đi làm. Đây cũng là thời điểm mình gặp được thầy, bắt đầu những nấc thang đầu tiên. Sau khoảng 2 năm, mình nhận ra bản thân thật sự đam mê và muốn theo đuổi đến cùng.
- Nam: Ban đầu, mình theo học Quản trị du lịch với mong muốn trở thành hướng dẫn viên. Sau đó, mình làm nhân viên phục vụ khách sạn tại Phú Quốc. Ở đây, mình gặp gỡ các anh bartender và biết thêm nhiều điều thú vị về nghề này.
- Khi bắt đầu, phản ứng của gia đình các bạn như thế nào?
- Quyên: Không riêng mình hay anh Nam mà hầu hết bartender khi bắt đầu đều không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bởi nghề này vẫn còn nhiều định kiến như cám dỗ, hư hỏng... Thế nhưng ngày nay, nhắc đến cocktail bar là nói về những buổi trò chuyện thân mật, thưởng thức rượu ngon, giải tỏa cảm xúc chứ không phải văn hóa “ăn chơi” vũ trường, club trên các phim truyền hình cũ.
Cách duy nhất là dùng thời gian và thành tích để chứng minh cũng như thuyết phục gia đình, như vậy ba mẹ sẽ an tâm và tin tưởng hơn.
- Nam: Mình thường ví công việc bartender giống yêu một cô gái có hình xăm. Ban đầu, không ba mẹ nào thích điều đó. Nhưng khi mình có thể chứng minh sự ổn định và tương lai với cô ấy, họ sẽ yên tâm “gả” mình cho người ta.
- Điều gì khiến các bạn “dính” với bartender đến giờ?
- Nam: Mình là người vừa thích nói chuyện với khách hàng, vừa muốn tạo ra những sản phẩm có vẻ ngoài đặc biệt. Ngoài ra, các cuộc thi cũng là nơi để mình thi đấu và học hỏi từ nhiều bạn khác. 3 yếu tố đó đã giữ mình ở lại với nghề bartender.
- Quyên: Mình cũng vậy. Những cuộc thi về bartender mang đến cho mình cơ hội thi đấu quốc tế hay du lịch nước ngoài, tiếp xúc cộng đồng theo đuổi nghề nghiệp này trên thế giới và phát triển bản thân.
- Nhiều người quan niệm bartender là nghề dành cho phái mạnh. Cả hai nghĩ thế nào về điều này? Có bao giờ Quyên cảm thấy Nam có phần “lấn lướt” mình?
- Nam: Mình không hề lấn lướt Quyên, thậm chí còn ngược lại (cười).
- Quyên: Mọi người quan niệm như vậy không sai vì bartender nhìn chung vẫn là một nghề khá cực, phù hợp nam giới hơn.
Khi mới bắt đầu, mình cũng gặp không ít khó khăn nhưng khi hiểu nghề, mình nhận ra nữ giới có nhiều lợi thế riêng. Chẳng hạn, các bạn bartender nam phải thật sự xuất sắc, cạnh tranh khốc liệt để nổi bật và được khách hàng nhớ đến; thì một bartender nữ lại dễ gây ấn tượng và tạo thiện cảm hơn.
- Kỷ niệm nhớ nhất khi trở thành bartender?
- Quyên: Đó là lần vô địch châu Á - Thái Bình Dương tại cuộc thi Opihr Cocktail Competition 2019, đại diện thi đấu tại vòng chung kết toàn cầu ở Venice, Italy. Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân có cơ hội bay hơn nửa vòng Trái Đất đến đất nước hình chiếc ủng xinh đẹp đó. Đến giờ, mình vẫn nhớ như in cảm giác lâng lâng khó tả khi đặt chân xuống sân bay.
- Nam: Với mình có lẽ là chuyến đi Bali tham gia vòng chung kết Giffard West Cup 2022 hồi đầu tháng 7. Đây là lần đầu tiên mình được “xuất ngoại” nên cảm giác mọi thứ đều mới mẻ, được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và con người ở đó, đồng thời kết bạn cùng nhiều bartender quốc tế.
“Content creator là cách để mọi người hiểu đúng về văn hóa cocktail bar”
- Bên cạnh công việc bartender, hai bạn còn sở hữu kênh tiktok riêng với hơn 127.000 lượt theo dõi. Điều gì khiến cả hai muốn trở thành content creator?
- Nam: Lý do đầu tiên là do dịch Covid-19. Khi không thể đến quán bar và gặp khách hàng để chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn về đồ uống, cả hai quyết định làm điều đó thông qua mạng xã hội.
Theo mình, bartender không chỉ pha chế đồ uống mà còn giúp khách hàng hiểu hơn về văn hóa đi bar. Mình xem đó là một phần trách nhiệm của bản thân. Khi không ở quán bar, mình dùng kênh tiktok riêng với những video ngắn, dễ hiểu, sinh động để chia sẻ kiến thức của bản thân, từ đó mang giá trị thiết thực đến khách hàng.
Bartender không chỉ pha chế đồ uống mà còn phải giúp mọi người hiểu đúng về văn hóa cocktail bar.
- Content creator là thú vui hay công việc nghiêm túc?
- Nam: Công việc nào cũng cần bắt đầu từ sự thích thú và đam mê. Content creator với mình bắt đầu từ sở thích trong thời dịch và dần trở thành một công việc được thực hiện bằng tinh thần kỷ luật cao nhất.
- Quyên: Biết đâu trong 10 người xem video của chúng mình sẽ có 1 người lần đầu đi bar. Thông qua các video này, cả hai không chỉ muốn mở rộng số người tiếp cận văn hóa cocktail bar mà còn có thể nâng tầm trải nghiệm thức uống của người Việt sánh ngang những vị khách quốc tế.
- Các bạn trải qua khó khăn gì trong những ngày đầu làm content creator?
- Nam: Vì bắt đầu trong thời điểm giãn cách xã hội nên nhìn đâu cũng thấy khó khăn, từ việc chuẩn bị nguyên liệu, vật dụng pha chế, trang phục đến chi phí duy trì kênh.
Phải mất 2-3 tháng, cả hai mới học được cách thực hiện video dọc, cũng như nắm bắt mong muốn của người xem về những nội dung thú vị, hấp dẫn. Song song đó, mình cũng tìm hiểu về bố cục, ánh sáng, góc máy đẹp, cách quay và hậu kỳ video để mang đến sản phẩm chỉn chu nhất cả về nội dung lẫn hình ảnh.
- Là bartender kiêmcontent creator, đâu là 3 “must have item” của các bạn?
- Quyên: Đầu tiên là đồ cắt móng tay bởi giữ vệ sinh bàn tay là điều rất quan trọng trong nghề này. Cắt gọt nguyên liệu, pha chế, bắt tay với khách hàng, tất cả đều cần một đôi tay sạch sẽ. Tiếp theo là khăn lau để có thể dễ dàng làm sạch những mặt phẳng có thể tiếp xúc.
- Nam: Cuối cùng là smartphone. Cả hai đều cần điện thoại để tra cứu thông tin về nguyên liệu, thức uống bất cứ lúc nào. Chưa kể, chúng mình còn là content creator nên nhu cầu quay video đăng story, chụp ảnh check-in hay làm vlog khá thường xuyên. Smartphone là vật bất ly thân với cả hai.
- Thế nào là một chiếc smartphone hoàn hảo, có thể làm trợ thủ đắc lực trong công việc?
- Nam: Với mình, chiếc điện thoại lý tưởng cần hội tụ 3 yếu tố. Đầu tiên là khả năng quay đêm 4K. Điều này giúp mình dễ dàng quay lại lúc cả hai pha chế trong giờ làm việc, vừa bắt được khoảnh khắc, vừa đảm bảo cảnh quay sắc nét, giàu chi tiết.
Tiếp đến là khả năng chống rung tốt bởi video pha chế của một bartender thường diễn ra khá nhanh. Để tạo ấn tượng thị giác, mình cần di chuyển khá nhiều góc máy. Một chiếc điện thoại chống rung tốt sẽ giúp mình bắt trọn khoảnh khắc mà không cần dùng tripod hay gimbal.
Cuối cùng là khung hình tối thiểu 60 fps.
Model đáp ứng những tiêu chí này của mình là Oppo Find X5 Pro.
Máy trang bị camera góc siêu rộng 110 độ 50 MP với cảm biến IMX 766, kích thước pixel 2 um, cho khả năng chụp ảnh 1 tỷ màu, khẩu độ F/2.2, thấu kính dạng tự do. Camera góc rộng 50 MP có khẩu độ F/1.7, hệ thống chống rung hình ảnh DSLR 5 trục. Camera tele 13 MP cũng có khả năng chụp 1 tỷ màu với khẩu độ F/2.4.
Với bộ vi xử lý hình ảnh NPU MariSilicon X, flagship mới nhất của Oppo cho khả năng quay video, chụp ảnh tiệm cận thiết bị chuyên nghiệp. Khi chụp ảnh và quay video vào ban đêm, Find X5 Pro lấy nét chính xác cả khi di chuyển nhanh. Chất lượng hình ảnh và video giàu chi tiết, hiện tượng lóe sáng và nhiễu hạt được cải thiện đáng kể.
- Quyên: Chất lượng video trên Find X5 Pro gần như tiệm cận chuẩn chuyên nghiệp. Giờ đây, cả hai có thể quay clip ngắn, vlog mọi lúc mọi nơi mà không cần chuẩn bị nhiều thiết bị như máy ảnh, ống kính, micro…