- Là nhà thiết kế Việt hiếm hoi được mời góp mặt ở các Tuần lễ thời trang ở Paris và Los Angeles, trong khi đó, showbiz Việt đã không ít lần dấy lên những tranh cãi về khái niệm Tuần lễ thời trang, dựa trên những kinh nghiệm của mình, chị có thể chia sẻ những gì?
- Trong làng thời trang quốc tế, định kỳ mỗi năm sẽ có hai mùa chính là xuân hạ và thu đông. Vì lý do đó, các thương hiệu thời trang thường cho ra mắt hai bộ sưu tập đồ ứng dụng trong một năm. Các nhà thời trang lớn như Chanel, Dior... cũng “hé lộ” các trang phục Haute Couture theo một “thời khóa biểu” như vậy. Tuần lễ thời trang là một dịp để các thương hiệu thời trang trình diễn những bộ sưu tập mới ra lò.
Thời trang là một ngành hái ra tiền khổng lồ. Do đó, những quốc gia hàng đầu trong làng thời trang không muốn bị trùng lặp các sự kiện nên họ thống nhất thay phiên nhau tổ chức các Tuần lễ thời trang. Họ lo ngại nếu hai thủ đô lớn về thời trang trùng nhau về thời gian diễn ra sẽ là một thiệt thòi cho nhiều fan thời trang cũng như thiệt hại vô cùng to lớn về mặt kinh tế cho các nước đó.
Đó là lý do tại sao chúng ta thường thấy các Tuần lễ thời trang lần lượt bắt đầu từ Mỹ đến Anh tới Ý và cuối cùng là Pháp. Điều đó giúp ích nhiều cho những người mua bán và cánh truyền thông từ khắp bốn phương tụ về để tham gia những sự kiện trọng đại này mà không bỏ lỡ bất cứ một lần nào.
Thiết kế thời trang của Quỳnh Paris tại Who's Next? |
Quỳnh Paris tại Los Angeles. |
- Ở những Tuần lễ thời trang mà chị tham gia hoặc làm khách mời, chị có thấy sự xuất hiện của các nhà thiết kế Việt Nam khác?
- Theo tôi được biết, thật sự chưa có thương hiệu thời trang nào được thành lập trong nước tham gia Tuần lễ thời trang ở nước ngoài theo đúng nghĩa của nó. Tuần lễ thời trang là những chuỗi sự kiện cho kinh doanh. Để có được một buổi trình diễn thời trang trong tuần lễ này, đó là kết quả của một dự án kinh doanh phát triển. Mục đích của buổi trình diễn nhằm giới thiệu một thương hiệu thời trang hay một nhà thiết kế tới công chúng. Thế nhưng, đó không phải là điều kiện đủ để làm nên một thương hiệu thành công. Một thương hiệu muốn phát triển ở nước ngoài chắc chắn phải có một “đội ngũ” tại nước muốn phát triển đó trước khi họ muốn “dong buồm ra khơi”.
Đồng thời, thương hiệu còn phải thuyết phục những người kinh doanh ngành này, giới báo chí và các khách hàng để chiếm được sự tin cậy và có được sự hiện diện của mình trong thời gian dài. Để làm được điều đó, bạn không chỉ trình diễn những bộ sưu tập mới một lần mà còn liên tục trong nhiều mùa tiếp theo hay nhiều năm sau đó.
Nếu có thương hiệu thời trang nào trong nước được biểu diễn trang phục ở nước ngoài duy nhất một lần, buổi trình diễn ấy chỉ nhằm phục vụ cho công tác giao lưu văn hóa. Vì vậy, họ sẽ không cạnh tranh với những thương hiệu nước ngoài cũng như không giao thương với bất cứ ai. Họ chỉ thực hiện thiên sứ được giao phó làm người đại diện cho Việt Nam trong mối quan hệ hữu nghị ấy. Buổi biểu diễn không mang tính chất của Tuần lễ thời trang, vì vậy, trang phục có độc đáo hay vô hồn, thương hiệu vẫn được tán dương và luôn nằm trong vùng an toàn trước giới báo chí nhưng có lẽ chẳng bao giờ nhận được sự thán phục thực sự cũng như những lời khen đáng có từ tài năng thực thụ của mình.
- Những khó khăn để các nhà thiết kế - thương hiệu thời trang Việt gia nhập vào các Tuần lễ thời trang lớn là gì?
- Điều đầu tiên, thương hiệu của bạn phải có một dự định vươn mình ra thời trang thế giới. Quyết định tham gia Tuần lễ thời trang phải là kết quả của một kế hoạch mang tầm chiến lược. Nó không dễ như chúng ta hay tưởng. Nếu không khéo “chống chèo” sẽ dẫn đến những hậu quả rất khó lường bởi quyết định đó đòi hỏi thời gian và sự đầu tư một cách nghiêm túc cũng như dài hạn.
Điều thứ hai, tôi muốn chia sẻ là thương hiệu phải hiểu được thị trường mục tiêu riêng và có khả năng sáng tạo cho thị trường đó. Để làm được điều đó không hề dễ dàng, bạn phải nắm rõ về làng thời trang quốc tế và thực tiễn của nó. Đồng thời, bạn phải có tài lực đủ mạnh để cạnh tranh với những thương hiệu ở trong các nước được mệnh danh là thủ phủ thời trang và với những thương hiệu của các nước đã phát triển trong lĩnh vực và văn hóa về thời trang. Vì đại đa số các nhà thiết kế sáng tạo của nước ngoài đều tốt nghiệp từ những trường thời trang, một số xuất thân từ những “ngôi nhà” thời trang nổi tiếng, và hầu hết đều có những kinh nghiệm dày dặn trước khi họ đứng trên cương vị giám đốc sáng tạo.
|
|
Show của Quỳnh Paris tại Los Angeles 2013. |
- Chị đã dự một sự kiện nào tương tự như Tuần lễ thời trang ở Việt Nam?
- Tôi mất rất nhiều thời gian cho việc tham gia các Tuần lễ thời trang quốc tế. Đó là lý do tôi chưa thể nào tham gia một sự kiện gần giống như vậy tại Việt Nam. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Tuần lễ thời trang nước ngoài tiến xa so với Tuần lễ thời trang trong nước. Thị trường nước ngoài cũng là một mục tiêu mà tôi nhắm đến. Cho nên tôi tập trung chuyên tâm cho thời trang quốc tế. Nhưng không đồng nghĩa, tôi lãng quên Việt Nam. Trái lại năm 2013, tôi sẽ đầu tư thời gian và cống hiến công sức mình nhiều hơn ở Việt Nam.
- Góp mặt nhiều lần ở các Tuần lễ thời trang tại Paris, Los Angeles, chị có kinh nghiệm gì để chia sẻ với những người đi sau mình?
- Khi tham dự các Tuần lễ thời trang nước ngoài, bạn phải hiểu và đáp ứng được những thị trường, khách hàng và yêu cầu mới. Thời gian để hiểu và có được sự tín nhiệm của một người mới rất chông gai. Bạn phải ra mắt bộ sưu tập của mình ít nhất là vài mùa trình diễn.
Bên cạnh đó, khác với một người họa sĩ, các chuyên gia thời trang được sáng tạo nghệ thuật theo gu thẩm mỹ riêng trên phom dáng cụ thể của một người. Việc tiếp xúc với thị trường, yêu cầu và nền văn hóa mới là một thử thách cho bất kỳ nhà thiết kế nào. Song song đó, bạn còn phải làm việc với các chuyên gia chuyên nghiệp của làng thời trang quốc tế như nhà các nhà tổ chức sự kiện, giới người mẫu, chuyên viên làm tóc và trang điểm, chuyên gia chụp hình, cùng giới truyền thông… Tất cả đều rất khó khăn nhưng vô cùng thú vị.