Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Ranh giới giữa sự gắn bó và phụ thuộc trong mối quan hệ

Làm thế nào để nhận biết bản thân có đang ở trong một mối quan hệ lệ thuộc và cách để thay đổi điều này?

duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 1
duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 2
  • Giảng viên khoa Khoa học Xã hội trường Đại học Hoa Sen.
  • Tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học Tâm lý học tại Đại học Newcastle (Australia).
  • Thành viên Hội Tâm lý học Australia và Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.
  • Tham vấn viên cá nhân và cặp đôi tại Mindcare Việt Nam và Saigon Psychub.

Thật may mắn khi trong cuộc sống của bạn có một người bên cạnh để gắn bó và yêu thương. Nhưng sẽ ra sao nếu mối quan hệ này trở nên lệ thuộc, ngột ngạt và khiến bạn đánh mất sự độc lập của bản thân?

Cách để nhận biết và thay đổi nó là gì? Dưới đây là những chia sẻ của ThS. Lê Trần Hoàng Duy về vấn đề này.


Nhận diện sự lệ thuộc

Con người là một loài “sinh vật xã hội”, không ai có thể hoàn toàn độc lập theo nghĩa tách biệt khỏi người khác. Nhu cầu, giá trị, sở thích và lựa chọn của chúng ta đều bị ảnh hưởng một phần từ những người xung quanh.

Do đó, sự phụ thuộc là một thực tế hiển nhiên trong các mối quan hệ xã hội.

Khi đang yêu, việc gắn bó về tâm hồn và cuộc sống với đối phương khiến cho sự phụ thuộc là điều không thể tránh khỏi.

Điều này sẽ không xấu nếu cả hai trân trọng giá trị của sự gắn kết trong tình cảm nhưng vẫn giữ được cái tôi chân thực và rõ nét.

Các nhà tâm lý học gọi đây là sự phụ thuộc tương hỗ (interdependency). Nhà tâm lý học Robert Sternberg cho rằng, đây là một trong ba khía cạnh quan trọng của tình yêu: đam mê, sự thân mật và cam kết.

Tuy nhiên, khi sự phụ thuộc biến thành lệ thuộc sẽ là dấu hiệu đáng báo động. Thuật ngữ này theo Tâm lý học gọi là “đồng phụ thuộc” (codependency).

Điều này diễn ra khi một hoặc cả hai người bị phụ thuộc nặng nề về cảm xúc và giá trị của bản thân vào đối phương và mất dần những ranh giới cần thiết.

Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những mối quan hệ khác nhưng thường được chú ý nhiều hơn trong mối quan hệ của các đôi đang yêu.

duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 3duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 4

Mối quan hệ lệ thuộc có nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau. Dấu hiệu phổ biến nhất của sự lệ thuộc đến từ một phía là sự mất cân bằng về quyền lực.

Người lệ thuộc (the codependent) sẽ có xu hướng hy sinh mọi lúc để đáp ứng nhu cầu của người còn lại (the enabler). Họ chỉ thấy mình có giá trị khi được đối phương cần đến.

Nếu sự lệ thuộc đến từ đôi bên, việc nhìn nhận vấn đề sẽ khó khăn hơn. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy, bạn hoặc nửa kia có thể đang trong tình trạng lệ thuộc:

  • Khó dành thời gian ở một mình: Khoảng thời gian không có sự hiện diện của đối phương thật vô nghĩa và bạn luôn tìm mọi cách để gặp người kia.
  • Có thôi thúc liên lạc hay kiểm tra đối phương mọi lúc: Việc này sẽ giúp bạn tránh cảm giác bất an và để cảm thấy đối phương luôn nhớ và cần mình.
  • Cần sự cho phép của đối phương trong những hoạt động thường ngày: Bạn khó đưa ra những quyết định mà không hỏi ý kiến của người ấy, ngay cả những vấn đề riêng tư và đơn giản.
  • Cảm thấy có lỗi trong mối quan hệ dù không làm gì sai: Khi làm điều gì đó theo ý mình, bạn sẽ cảm thấy có lỗi và luôn cố gắng làm đúng những điều đối phương yêu cầu.
  • Có xu hướng cho qua hoặc biện hộ thay đối phương kể cả khi bị họ làm tổn thương: Bạn dễ dàng tha thứ, ngay cả khi họ cố ý làm tổn thương bạn nặng nề như phản bội hay bạo hành.
  • Khó từ chối yêu cầu của đối phương: Bạn hầu như không thể nói “không” với người ấy. Thậm chí điều đó có thể gây hại hoặc làm tổn thương chính mình.
  • Cảm thấy mình có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của đối phương: Bạn tự đứng ra giải quyết những rắc rối hay nhiệm vụ cá nhân của người ấy như: công việc, mâu thuẫn trong các mối quan hệ khác, tiền bạc,...
  • Cần được đối phương yêu thích hoặc công nhận: Bạn không thể tự nhận ra giá trị của chính mình và cảm thấy lạc lối nếu như đối phương không chú ý đến mình.


Những căn nguyên sâu xa của sự lệ thuộc

Sự lệ thuộc trong mối quan hệ ít khi xảy ra một cách ngẫu nhiên.

Nguyên nhân thường nằm ở khuôn mẫu hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những vấn đề xung quanh như: quá khứ, tâm lý, xã hội,...

Những nguyên nhân về mặt cá nhân thường đóng vai trò chính trong việc hình thành mối quan hệ lệ thuộc. Xu hướng gắn bó không an toàn, đặc biệt là gắn bó lo âu (anxious attachment) là một yếu tố rủi ro cao.

Những người gắn bó theo hướng lo âu có nhu cầu mạnh mẽ trong việc trở nên thân thiết với người khác. Đồng thời họ cũng liên tục lo lắng về tình cảm và sự sẵn sàng của đối phương.

Bên cạnh đó, lòng tự trọng thấp (low self-esteem) cũng là một đặc điểm tâm lý cá nhân có thể tạo điều kiện cho một mối quan hệ lệ thuộc.

Những người có lòng tự trọng thấp có xu hướng gắn chặt giá trị của bản thân với sự hài lòng và công nhận từ người khác. Họ che giấu cảm nhận cá nhân để đánh đổi lấy mối quan hệ với đối phương.

Các chiến lược thiếu trưởng thành trong tình cảm như kiểm soát ngặt nghèo đối phương cũng góp phần hình thành mối quan hệ lệ thuộc.

Nghiêm trọng hơn, sự lệ thuộc có thể đến từ một số bất ổn trong tâm lý cá nhân, chẳng hạn Rối loạn Nhân cách Phụ thuộc (Dependent Personality Disorder).

Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ hình thành mối quan hệ lệ thuộc nếu trong quá khứ đã từng trải qua những mối quan hệ không lành mạnh và cách ứng xử này được khuyến khích bởi những người xung quanh.

Các yếu tố trên khiến cán cân trong mối quan hệ dễ nghiêng hoàn toàn về một phía, gây mất cân bằng về quyền lực và tạo điều kiện cho sự lệ thuộc.

duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 5duy tri moi quan he,  interdependency,  codependency anh 6


Đi tìm lời giải cho mối quan hệ lệ thuộc

Sự lệ thuộc luôn ẩn chứa nguy cơ hủy hoại mối quan hệ , làm tổn thương bạn và đối phương nếu không sớm tìm ra cách khắc phục.

Nó sẽ tạo điều kiện cho tình trạng lạm dụng và bạo hành trong tình cảm. Về lâu về dài, bạn cũng đánh mất chính nếu ở trong mối quan hệ lệ thuộc. Từ đó, mối quan hệ lệ thuộc có khả năng trở thành mối quan hệ độc hại (toxic relationship).

Lời giải cho mối quan hệ lệ thuộc nằm ở hành động của bạn và đối phương.

Việc thay đổi này nên đến từ bên trong (sự hợp lý trong nhu cầu và chiến lược hành động của mỗi người) lẫn bên ngoài (cách ứng xử giữa cả hai trong tình yêu).

Nếu bạn cảm thấy mình có xu hướng lệ thuộc, một số hành động mà bạn có thể cân nhắc là:

  • Hiểu về xu hướng gắn bó của mình và nhận ra những yếu tố tác động đến khuôn mẫu hành vi của bản thân.
  • Tự nhận thức và ghi nhận giá trị của mình.
  • Khám phá sở thích, ước mơ và lập kế hoạch cá nhân.
  • Tập cách tự giải quyết và chịu trách nhiệm với những vấn đề riêng.
  • Phát triển thêm các mối quan hệ khác.
  • Làm quen với việc không có sự hiện diện của nửa kia trong mọi lúc, và hiểu rằng thời gian xa nhau cũng là một cơ hội để nuôi dưỡng tình yêu.
  • Không quá căng thẳng và cảm giác nguy hiểm khi thiếu sự hiện diện của đối phương.

Nếu bạn nhận ra nửa kia của mình có xu hướng lệ thuộc, điều bạn có thể làm là:

  • Thảo luận với đối phương về sự hợp lý trong nhu cầu và hành vi của họ.
  • Thiết lập những nguyên tắc và giới hạn cần thiết trong mối quan hệ.
  • Hiểu rằng đối phương có quyền được trở nên độc lập và trưởng thành hơn.
  • Hành động và ứng xử một cách tỉnh táo, nhất quán trong mối quan hệ.
  • Dành thời gian để tự chăm sóc và chỉ đề nghị sự giúp đỡ từ đối phương khi cần.

Nếu không thể tự khắc phục tình trạng này, hai bạn có thể cân nhắc tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.

Trên tất cả, chính tình yêu và nỗ lực của bạn và đối phương mới là lực đẩy giúp cả hai hóa giải được sự lệ thuộc và có được hạnh phúc bền vững hơn.

Vân Khanh

Minh họa: Hina

Bạn có thể quan tâm