Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết rau hẹ có tính ôn nên rất thích hợp trong việc ôn bổ dương khí.
Vì sao nên dùng rau hẹ?
Bác sĩ Toàn cho biết rau hẹ khá giàu chất dinh dưỡng bao gồm đường, đạm, mỡ, carotene, vitamin B, C, chất xơ, canxi, photpho, sắt…, đặc biệt còn chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, tiêu viêm.
Người ta ước tính trong mỗi 100 g rau hẹ có chứa 2,1 g protein, 0,6 g lipid, 3,2 g carbonhydrat, 48 mg Canxi, 46 mg photpho, 1,7 g sắt, 3,21 mg carotene, 0,03 mg vitamin B1, 0,09 mg vitamin B2, 0,9 mg vitamin B3, 39 mg vitamin C.
Hẹ mềm, có mùi thơm đặc biệt, vị lại hơi cay nên rất dễ ăn, được dùng làm gia vị đồng thời làm rau ăn.
Theo y học cổ truyền, rau hẹ vị ngọt cay, tính ấm, có công dụng ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương.
Rau hẹ là thực phẩm có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Ảnh: SKĐS. |
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy loại rau này chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, phòng chống bệnh táo bón và sâu răng. Chất xơ trong loại rau này còn có khả năng cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột, giảm thiểu tác động của các chất gây ung thư niêm mạc ruột, dự phòng tích cực bệnh ung thư đại tràng. Ngoài ra, rau hẹ còn có tác dụng hỗ trợ trị liệu cao huyết áp và các bệnh cơ tim.
Tuy nhiên, thạc sĩ Toàn lưu ý loại rau này khó tiêu nên mỗi lần không ăn quá nhiều. Ngoài ra, những người thể chất âm hư nội nhiệt, hay bị mụn nhọt và mắc các bệnh về mắt nên kiêng ăn hẹ. Người xưa khuyên không dùng loại rau này ăn cùng với mật ong và thịt bò.
10 cách trị bệnh bằng rau hẹ
Vẫn theo thạc sĩ Toàn, rau hẹ là loại rau "khởi dương" nên rất tốt trong việc tăng cường sinh lực phái mạnh, có thể chỉ định trong các trường hợp:
- Trị chứng dương hư thận yếu, liệt dương, di mộng tinh, lưng đau gối mỏi: lấy 250 g lá hẹ, 60 g nhân hồ đào, dùng dầu vừng xào chín, ăn trong ngày, dùng liên tục trong một tháng sẽ có công hiệu rất tốt.
- Nam giới thận hư, di mộng tinh, phụ nữ bạch đới: dùng hạt hẹ ngâm giấm, rang khô, tán bột, trộn với mật làm hoàn to bằng hạt đậu xanh, mỗi ngày uống 5 g với rượu ấm vào lúc đói.
- Tăng khả năng sinh dục của nam giới: dùng lá hẹ 200 g, con ngài tằm đực khô 1000 g, dâm dương hoắc 600 g, kỷ tử 200 g, kim anh tử 500 g, ngưu tất 300 g, ba kích 500 g, thục địa 400 g, sơn thù 300 g, đường kính 4000 g, tất cả đem ngâm trong 20 lít rượu, sau 30 ngày thì dùng dược, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10-15 ml.
Ngoài ra, rau hẹ còn có tác dụng chữa các bệnh khác như:
- Trị chứng tỳ vị hư hàn gây đi lỏng: lấy 100 g gạo nấu thành cháo loãng rồi cho 60 g lá hẹ tươi rửa sạch thái nhỏ vào quấy đều, ăn nóng mỗi ngày một thang, dùng 6 thang liên tục có thể đạt được mục đích kiện tỳ chỉ tả.
- Chứng bệnh ung thư thực quản, ung thư dạ dày, viêm loét dạ dày hành tá tràng thuộc thể tỳ vị hư hàn: lấy 250 g lá hẹ tươi, sinh khương 3 0g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, hòa với 250 ml sữa tươi, đun sôi rồi uống từ từ.
- Trị cơn đau cấp vùng thượng vị: dùng 500 g lá hẹ tươi, rửa sạch ép lấy nước, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 ml.
- Những trường hợp nôn ra máu, khái huyết, chảy máu cam, đái ra máu: dùng 500 g lá hẹ tươi rửa sạch, ép lấy nước, cô đặc rồi trộn với bột sinh địa làm hoàn, mỗi viên 3 g, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 2 viên.
- Chứng ho trẻ em: lấy lá hẹ 15 g, hoa đu đủ đực 15 g, hạt chanh 20 hạt, cho vào bát sạch, giã nát, đem hấp chín với 10 ml nước và một chút đường, để nguội, cho trẻ uống 3 lần trong ngày hoặc lấy lá hẹ 15 g phối hợp với 10 lá dâu non, cách làm tương tự như trên.
- Chứng ợ chua: dùng nước ép lá hẹ 60 ml hòa với 250 ml sữa bò và 15 ml nước gừng tươi, đun sôi, uống nóng.
- Trẻ em bị giun kim, ra mồ hôi trộm: lấy 30 g lá hẹ ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn trong ngày.