Theo thống kê của GloboCan, năm 2020, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới ung thư vú. Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm đến 25,8% các loại ung thư ở phụ nữ. Hơn 9.345 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, đứng thứ ba sau ung thư gan và ung thư phổi.
Từ năm 2020, đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025” mang tầm chiến lược, chuyên biệt cho ung thư vú lần đầu tiên được triển khai ở các bệnh viện lớn trên cả nước, đem lại nhiều tác động tích cực.
Cải thiện hiệu quả chẩn đoán và điều trị
Sau một năm, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, đề án đã được triển khai nhờ sự chung tay của các vụ, cục thuộc Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các bệnh viện, quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng và Roche Việt Nam.
Đại diện Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn đánh giá những nỗ lực và thành quả trong việc thực hiện đề án. Những kết quả này đã và đang góp phần vào mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có ung thư giai đoạn 2015-2025.
GS.TS Trần Văn Thuấn phát biểu tại lễ sơ kết đề án, ngày 14/1 tại Hà Nội. |
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, cho biết: “Đây là đề án đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho bệnh ung thư vú với quy mô và số lượng đối tác lớn, lại được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhờ tinh thần hợp tác, nỗ lực tất cả vì người bệnh của đội ngũ y bác sĩ và các đối tác tham gia, đề án đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng ở cả 4 mục tiêu chính”.
Ông Lennor Carrillo, Tổng giám đốc Roche Pharma Việt Nam, chia sẻ: “Là công ty toàn cầu tiên phong trong lĩnh vực dược phẩm và chẩn đoán, Roche cam kết cùng Việt Nam giải quyết những thách thức về chăm sóc sức khỏe thông qua nhiều hoạt. Roche tự hào đồng hành cùng đề án và vui mừng trước những thành công sau một năm triển khai, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho nền y tế Việt Nam nói chung và bệnh nhân ung thư vú nói riêng”.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên và ông Lennor Carrillo chia sẻ tại sự kiện. |
Tầm soát sớm và miễn phí cho hàng nghìn người
Một trong 4 mục tiêu của đề án là nâng cao nhận thức cộng đồng, tầm soát sớm cho người có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Từ đó, chuyên mục thông tin chính thống “Góc ung thư vú” đã được quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng cùng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Quốc gia thiết lập trên website www.nci.vn, quy tụ 25 bài viết của các bác sĩ chuyên ngành. Các hội thảo, tư vấn “Nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú”, “Hiểu về bệnh ung thư vú”... cũng được triển khai, tiếp cận hàng chục nghìn người.
Bên cạnh đó, chương trình khám sàng lọc và tầm soát ung thư vú miễn phí “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” đã được thực hiện cho gần 3.000 phụ nữ ở độ tuổi trên 40. Chương trình được thực hiện tại 7 bệnh viện, gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Điều này góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng và phát hiện sớm ung thư vú, đồng thời tạo thói quen cho người dân chủ động đi khám sàng lọc định kỳ để sớm phát hiện bệnh.
Các đại biểu trong buổi họp sơ kết một năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020-2025”. |
Đào tạo năng lực y bác sĩ, xây dựng cơ sở dữ liệu
Trước nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, các hoạt động trong đề án vẫn diễn ra liên tục thông qua hình thức trực tuyến và trực tiếp. Điển hình, tại 5 bệnh viện trọng điểm gồm Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng trăm y bác sĩ đã tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao chuyên môn điều trị đa mô thức cho ung thư vú, tăng cường năng lực nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện.
Nhằm tạo hiệu quả bền vững, một mục tiêu quan trọng của đề án là xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú. Bản đồ ung thư, các tiêu chí ghi nhận ung thư đã và đang được đánh giá tổng thể để xây dựng cơ sở dữ liệu lâu dài. Bên cạnh đó, đã có 11 nghiên cứu lớn, nhỏ đánh giá gánh nặng bệnh tật, hiệu quả kinh tế y tế của tầm soát và điều trị ung thư vú được triển khai. Trong đó, 6 đề tài quan trọng đã hoàn thành, như "Tổng quan hệ thống bằng chứng về tính chi phí - hiệu quả của các chiến lược sàng lọc ung thư vú", "Tổng quan chính sách chi trả về tầm soát/điều trị ung thư vú của các nước trên thế giới"…
Bình luận