Bị thủ môn Jan Oblak đánh bại trên chấm 11 m, Cristiano Ronaldo ôm mặt, gần như chết lặng. Hình ảnh suy sụp của siêu sao Bồ Đào Nha lúc đó tưởng như đã đặt dấu chấm hết cho giấc mơ vô địch EURO 2024 của Selecao châu Âu.
Thế nhưng, chỉ khoảng 30 phút sau đó, Ronaldo đã vực dậy tinh thần. Với trách nhiệm của người đội trưởng dẫn dắt tinh thần cả đội, anh dũng cảm bước lên thực hiện cú sút đầu tiên trong loạt đá luân lưu của Bồ Đào Nha. Lần này, Ronaldo đã đánh bại thủ thành Slovenia và có lẽ quan trọng hơn cả là chiến thắng nỗi sợ của chính mình.
Trong bóng đá, loạt sút luân lưu là "trò chơi tâm lý tàn bạo" nhất đối với các cầu thủ. Đi bộ lên vị trí đá, nắn chỉnh quả bóng, đối mặt thủ môn, chờ tiếng còi của trọng tài, những bước chạy đà... đều là khoảnh khắc mà cầu thủ có thể cảm nhận rõ thứ áp lực đang dồn nén và đè nặng lên mình.
Cảm giác như "thoát xác"
"Tôi đã sẵn sàng nhưng Elizondo thì không. Thổi còi và hãy di chuyển đi trọng tài! Tại sao phải chờ đợi? Tôi đã đặt bóng vào vị trí, Ricardo đã ở vạch vôi. Tại sao tôi phải chờ tiếng còi chết tiệt đó? Vài giây đó dường như là cả thế kỷ và nó chắc chắn khiến tôi mất tập trung. Ông ta không biết là tôi đang căng thẳng sao? Chúa ơi! Tôi đang gào hét trong lòng".
Đó là những gì Steven Gerrard viết trong cuốn tự truyện của mình về thất bại của đội tuyển Anh trong loạt sút luân lưu trước Bồ Đào Nha tại World Cup 2006. Đoạn văn ghi lại sự căng thẳng tột độ và phần nào trả lời cho câu hỏi: Cảm giác thực hiện một quả phạt đền trong loạt sút luân lưu ở giải đấu danh giá nhất là như thế nào?
Giáo sư về bóng đá và tâm lý học Geir Jordet đã phân tích mọi loạt sút luân lưu tại World Cup, EURO và Champions League kể từ năm 1976 để viết nên cuốn sách Pressure: Lessons from the psychology of the penalty shoot-out (Áp lực: Bài học tâm lý từ loạt sút luân lưu).
Trong hai thập kỷ, Jordet đã nghiên cứu mọi khía cạnh của loạt sút luân lưu và phỏng vấn hàng trăm cầu thủ. Ông nêu chi tiết về những tổn thất về mặt tâm lý, cảm xúc và thể chất mà những sự kiện này có thể gây ra cho một cầu thủ bóng đá. Đối với nhiều người, đây là trải nghiệm tàn khốc nhất, không giống bất kỳ điều gì khác mà họ phải chịu đựng trên sân cỏ.
Căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, áp lực, không có gì có thể so sánh được.
Steven Gerrard "gào thét trong lòng" khi chờ trọng tài thổi còi trước khi đá hỏng quả phạt đền trong trận thua của đội tuyển Anh trước Bồ Đào Nha tại World Cup 2006. Ảnh: Youri Kochetkov/Shutterstock. |
Đối với một số người, phản ứng sinh học khi bị áp lực có thể gần như làm tê liệt về cường độ. Nhịp thở tăng nhanh, nhịp tim dồn dập, cortisol được bơm vào máu, thị lực mờ đi, nhận thức thu hẹp, trí nhớ giảm dần, chân tay run rẩy. "Căng thẳng là quá trình rất toàn diện. Đó là một chuỗi các quá trình tâm sinh lý", Jordet, giáo sư tại Trường Khoa học Thể thao Na Uy, nói.
Trong một số trường hợp, cơ chế ứng phó của cơ thể có thể tạo ra hiệu ứng phi thường. Nhiều cầu thủ thậm chí nói rằng họ như trải qua cảm giác "thoát xác".
"Đây là trải nghiệm khi đang ở ranh giới của một trạng thái ý thức thay đổi. Tôi đã nghe những người chơi nói về việc cơ thể không thực sự thuộc về họ nữa, giống như họ chẳng còn mối liên hệ nào với bàn chân của mình. Họ gần như tách ra, đừng ngoài và nhìn vào cơ thể vô tri của mình".
Không phải tất cả những thay đổi về mặt tâm lý này đều là tiêu cực. Ví dụ, trong cuốn sách của Jordet, cầu thủ Maren Mjelde của Na Uy tiết lộ rằng cô thực sự đã mất khả năng nghe trong khi chờ đợi để thực hiện một quả phạt đền quan trọng. Phản ứng như vậy cho phép cô tránh mọi sự xao nhãng.
"Tôi không nghe thấy bất kỳ ai khác ngoài giọng nói của chính mình. Tôi gần như không nghe thấy trọng tài, không nghe thấy đám đông. Giọng nói của tôi là to nhất. Đó là một tình huống kỳ lạ và vô lý", Mjelde kể.
Như Gerrard đã nói, phần tồi tệ nhất thường là sự chờ đợi. Cựu tiền vệ của đội tuyển Anh đã chờ đợi tiếng còi của trọng tài. Nhưng với nhiều người khác, đó là việc đứng quanh vòng tròn trung tâm, khi những cầu thủ khác bước lên trước. Số khác lại rất sợ cảm giác đi bộ tới vị trí đá.
Chris Waddle và Gareth Southgate, những người đều đã đá hỏng trong loạt sút luân lưu cho đội tuyển Anh, cho biết cảm xúc dâng trào là mong muốn "kết thúc mọi chuyện". Stuart Pearce, người cũng đá hỏng trong màu áo đội tuyển Anh, nói rằng việc đi bộ đến chấm phạt đền "làm tăng sự căng thẳng lên mức không thể tin được".
Lựa chọn của huấn luyện viên
Mong muốn đẩy nhanh quá trình là phản ứng bình thường của con người khi đối diện với căng thẳng, lo sợ. Nghiên cứu cho thấy 70% người tham gia muốn nhận thêm đau đớn ngay lập tức (dưới dạng sốc điện) thay vì chờ đợi cơn đau ít hơn trong tương lai gần.
Cảm giác chịu đựng đau đớn ngay bây giờ vẫn tốt hơn là trải nghiệm từ từ gặm nhấm nỗi sợ hãi khi chờ đợi.
"Chính sự chờ đợi đã làm chúng ta bối rối. Khi chúng tôi phỏng vấn các cầu thủ trước loạt sút luân lưu, giai đoạn được mô tả sống động và kịch tính nhất luôn là khi họ ở vòng tròn trung tâm. Đó là sự chờ đợi, nỗi sợ hãi. Bạn cảm thấy khó khăn khi chỉ đứng đó và không thể làm gì cả", Jordet nói.
Đối với thủ môn, kinh nghiệm được rút ra là trì hoãn đối thủ càng lâu thì khả năng họ sút trượt càng cao. Jordet đã phát hiện ra rằng khi một cầu thủ phải chờ hơn 8 giây trong một loạt sút luân lưu - chẳng hạn như do trò hề của thủ môn hoặc trọng tài thổi còi chậm - thì khả năng sút hỏng là rất cao. "Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗi sợ hãi của họ", Jordet giải thích.
Nhưng nếu sự chờ đợi đó là mong muốn chủ động của cầu thủ thực hiện cú sút thì kết quả của họ thường tích cực. Thực tế là người chơi thường được khuyến khích không vội vàng sút ngay, mà hãy chậm một nhịp sau tiếng còi của trọng tài, vì khi đó họ sẽ kiểm soát được tình hình.
Stuart Pearce bước trở lại sau khi quả phạt đền của ông bị thủ môn cản phá trong trận bán kết World Cup 1990. Ảnh: Simon Bruty/Allsport. |
Ngoài ra, Jordet cũng tiết lộ tác động đáng chú ý của loạt sút luân lưu lên khán giả và các huấn luyện viên. Ở Hà Lan trong EURO 1996, có thêm 14 người tử vong do đau tim hoặc đột quỵ khi đội nhà thua trong loạt sút luân lưu, Jordet viết trong sách. Còn tại Đức, trong World Cup 2006, số người nhập viện vì các vấn đề về tim mạch tăng gấp 3 lần vào ngày Đức đối đầu với Argentina trong loạt sút luân lưu ở tứ kết.
"Khi đọc những nghiên cứu như vậy, bạn bắt đầu tự hỏi liệu việc xem loạt sút luân lưu có nên được xếp vào loại thể thao mạo hiểm hay không", Jordet viết.
HLV Deschamps của tuyển Pháp không tham gia luyện tập sút luân lưu cùng các cầu thủ. Trong trận chung kết World Cup 2022, ông dường như không biết ai sẽ sút. Ngược lại, HLV Scaloni của Argentina có quan điểm khác: "Chúng tôi luôn thực hành đá phạt đền". Trước loạt sút luân lưu với Hà Lan ở bán kết, Scaloni mất chưa đầy 15 giây để chọn 5 cầu thủ đá phạt đền (Messi là một trong số đó).
Theo Jordet, các HLV càng mất nhiều thời gian lựa chọn và truyền đạt thì đội càng dễ thua trong loạt sút luân lưu. Ông lấy ví dụ về việc Gareth Southgate dành 3 phút 30 giây trao đổi với tuyển thủ Anh trước loạt đá nhưng cuối cùng Tam sư vẫn thua ở chung kết EURO 2020. "Quá trình lựa chọn nhanh chóng thể hiện sự tự tin và HLV đã có sẵn kế hoạch. Quá tỉ mỉ, suy nghĩ quá nhiều lại không tốt vì nó làm mất đi sự hiệu quả trong giao tiếp", Jordet nhận định.