Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Rụng móng tay, suýt mù mắt vì làm đẹp

Chứng tỏ sự sành điệu nhưng các thiếu nữ đã phải nhập viện vì những bộ móng tay phát quang hay kính áp tròng nhiều màu.

Gần đây, giới trẻ tại Hà Nội, TP.HCM... rất chuộng các kiểu làm đẹp khác thường. Không ít người đã phải trả giá cho các kiểu làm đẹp đầy đọa sức khỏe như vậy.

Rụng móng tay vì sơn phát sáng

Để chứng tỏ mình là dân chơi sành điệu, các cô gái ngoài việc chọn son môi đỏ đậm, màu mắt xám khói hút hồn, tóc nhuộm đỏ vàng chát rực rỡ… thì móng tay, móng chân phải được sơn nhung hoặc phát sáng huỳnh quang mới độc.

Sơn móng có chất huỳnh quang có thể phát sáng rực rỡ khi hấp thụ ánh nắng ban ngày, lấp lánh trong đêm với rất nhiều màu độc đáo như xanh tím than, xanh nước biển, xanh lá cây, đỏ, cam, vàng... Xu hướng làm móng nhung cũng được ưa chuộng không kém.

Chỉ cần phủ bột nhung lên móng, móng tay sẽ được sáng, mướt hoặc dày êm, mềm mại như bông. Màu sắc của bột nhung cũng khá đa dạng từ đỏ, nâu, xanh, hồng phấn, đen cho đến những loại màu nhung đã được pha trộn sẵn rất độc đáo.

Sơn móng tay phát sáng đang được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Hồng Mai - sinh viên một trường nghệ thuật chia sẻ: “Sơn móng tay phát sáng rất dễ thu hút đàn ông vì thế cứ 2-3 ngày em lại thay đổi màu móng… Nhưng không hiểu thế nào gần đây móng tay em bị gãy, có móng gần như bị rụng hết, phần da quanh móng ngứa và chảy nước vàng.

Đến khám bác sĩ mới hay em bị dị ứng với các loại hóa chất, phải điều trị 1 tháng. Bác sĩ nói không được dùng lại các loại sơn móng tay nữa, nhưng em khó mà từ bỏ sở thích này”.

Theo quảng cáo, nguồn gốc của hai loại sơn móng tay này đều là hàng nhập từ Trung Quốc, trên nhãn không ghi thành phần và hạn sử dụng mà chỉ ghi thương hiệu BK - nail. Khi mở ra dùng thử mùi hoá chất axeton nồng nặc.

Những loại bột gần như sợi vải nhung nhỏ li ti, khi hít phải rất dễ bị hắt hơi, cảm thấy khó chịu ở mũi. Các bác sĩ da liễu khuyến cáo, sơn móng tay thường chứa những hóa chất không an toàn, thậm chí độc hại sẽ gây ung thư, nếu tích lũy nhiều trong cơ thể.

Chất huỳnh quang trong sơn móng tay dạ quang là một chất độc. Khi sơn lên móng tay, móng chân lớp sơn chứa huỳnh quang đã vô tình biến móng tay thành nơi hấp thu các tia bức xạ. Móng càng phát sáng thì càng chứng tỏ nó đã hấp thu nhiều các tia bức xạ.

Trên thế giới đã cấm sử dụng một số chất huỳnh quang vào các loại giấy bao gói thực phẩm, giấy làm cốc đĩa ăn vì khiến cơ thể nhiễm độc và không ngoại trừ khả năng gây ung thư cho người tiếp xúc nhiều.

Nguy hiểm hơn là có rất nhiều chất gây ngứa mắt, mũi, họng, chóng mặt, buồn nôn, nặng hơn có thể bị động kinh, hạ huyết áp, ung thư da…

Chất bột như sợi vải nhân tạo, sợi nhung sơn lên bề mặt móng dễ gây bệnh vàng móng, móng dễ giòn, gãy. Việc sơn móng tay thường xuyên sẽ khiến móng yếu đi, dễ gãy, chân móng, kẽ móng rất dễ bị nhiễm trùng, vùng da quanh móng bị nhiễm nấm…

Mốt đeo kính áp tròng, dãn tròng màu (lens màu) cũng đang trở thành làn sóng thời trang trong giới trẻ. (Ảnh minh họa).

Suýt mù mắt vì kính áp tròng

Linh Nga (sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội) kể: “Chúng em thấy nhiều người mẫu, ca sĩ, đeo lens màu đẹp quá nên cũng muốn dùng thử. Thời gian đầu đeo thử một cặp, thấy đẹp, giờ thành mê luôn. Những buổi tối đi chơi, đi sinh nhật, dạ hội cùng bạn bè không bao giờ thiếu cặp mắt nâu, xanh hoặc hơi xám”.

Nhưng đối với bạn trẻ có tên Ngọc Mai thì phải trả cái giá quá cao cho việc “đua đòi” làm đẹp bởi kính áp tròng.

Thấy quảng cáo có loại kính mắt áp tròng khi đeo vào sẽ khiến mắt như viên ngọc long lanh, trong veo đầy cá tính, giá chỉ khoảng 400.000 đồng, cách sử dụng lại đơn giản liền mua về dùng thử. Sau một thời gian dài sử dụng, mắt bắt đầu sưng phù, nhức, ngứa, thậm chí có dịch vàng chảy ra, thị lực giảm…

Đến khám ở khoa Chấn thương BV Mắt Trung ương thì cô mới giật mình khi bác sĩ kết luận bị viêm kết mạc nặng do nấm, thị lực giảm còn 5 - 6/10, nhìn vật biến dạng, méo, cong, đáy mắt hoàng điểm sẫm màu, mất ánh sáng trung tâm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây mù mắt.

BS Hoàng Cương - Phó khoa Khám bệnh, BV Mắt Trung ương cho hay, các loại kính áp tròng thường chỉ định điều trị các tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị thay thế kính gọng thông thường, do vậy khi đeo phải có chỉ định của bác sĩ. Đeo kính áp tròng để thời trang hay thích khác người thì không được giới y khoa khuyến khích.

Giới trẻ đang sử dụng nhiều loại kính áp tròng trang trí cho mắt như thay đổi màu mắt, tạo hình ảnh đồng tử giãn to giả tạo... rất có hại cho mắt. Đeo kính tiếp xúc không đúng chỉ định, lạm dụng hay vệ sinh kém, sai sót về kỹ thuật tháo lắp có thể gây ra các tai biến xước, trượt lòng đen gây đau đớn, loạn dưỡng lòng đen, viêm nhiễm hoặc loét lòng đen do vi khuẩn, virus hay nấm.

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm