Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Uống rượu bia vào liệu còn đủ tỉnh táo để nghĩ đến trách nhiệm?

Nhiều ý kiến cho rằng kêu gọi “uống rượu bia - không lái xe” hay “uống có trách nhiệm” liệu có thể giải quyết được vấn đề hệ lụy do rượu bia gây ra?

Liên tiếp những vụ tai nạn thương tâm có nguyên nhân từ rượu bia gần đây đã khiến dư luận bức xúc, các thông điệp như “Đã uống rượu bia - không lái xe” được mạng xã hội lan truyền và kêu gọi mạnh mẽ.

Sáng 12/5, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp cùng UBND TP. Hà Nội tổ chức sự kiện tuần hành đi bộ quanh Hồ Gươm vận động cho hành động "Đã uống rượu bia - không lái xe".

Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hàng nghìn người, cũng như giúp lan tỏa thông điệp "Đã uống rượu bia (thì) không lái xe" một cách mạnh mẽ hơn. Hành động này là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kêu gọi “Uống rượu bia - không lái xe” hay “Uống có trách nhiệm” chỉ là những hành động giải quyết "phần ngọn của vấn đề, khó có thể giải quyết được hệ lụy do rượu bia gây ra?

Vậy căn nguyên vấn đề do đâu, làm cách nào để Việt Nam không còn là đất nước "vô địch" Đông Nam Á về tỷ lệ uống rượu bia?

uong co trach nhiem anh 1
Hàng nghìn người cùng hành động kêu gọi "Đã uống rượu bia - Không lái xe". Ảnh: SKĐS.

ThS Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - bày tỏ băn khoăn: Cái gốc của rượu bia là chất cồn có trong sản phẩm đã được giới khoa học xếp vào nhóm chất gây nghiện, sẽ tác động đến hệ thần kinh ngay khi ta uống. Vậy khi đã uống vào rồi liệu còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ đến trách nhiệm không?

Bà Trang cho rằng một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ mà cần sự cộng đồng, chung tay. Trách nhiệm là thứ có thể khơi gợi, khích lệ và giáo dục nhưng mình nó thôi không đủ mà cần tạo điều kiện, môi trường để nuôi dưỡng, để nó sống được bằng cách dẹp bỏ bớt những cản trở xung quanh.

"Vấn đề là phải làm cho rượu bia trở nên khó tiếp cận hơn, không sẵn có, tràn lan như hiện nay bằng cách đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm.

    Đây mới là giải pháp gốc rễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu"- chuyên gia Pháp chế nhấn mạnh.

    uong co trach nhiem anh 2
    ThS Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: SKĐS.

    Đồng quan điểm, TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - cho rằng muốn "đánh rắn giập đầu" giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng cùng bao tác hại cấp tính và lâu dài do rượu bia gây ra phải tranh đấu cho một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo.

    "Xét hậu quả rượu bia gây tác hại cấp tính phổ rộng như vậy, chắc chắn không thể bằng câu nhắc nhở “uống đi” nhưng “nhớ là sau đó... đừng lái xe, đừng... nhìn phụ nữ, đừng tranh luận hơn thua với người khác sẽ "chắc chắn" tránh được tai nạn giao thông, xâm hại tình dục, gây gổ, phá phách, đâm chém nhau?! Bởi đã uống là bập vào chất gây nghiện! Bởi sự thật khoa học là không có ngưỡng an toàn cho rượu bia!" - ông Tuấn nói.

    uong co trach nhiem anh 3
    TS Trần Tuấn. Ảnh: SKĐS.

    TS Tuấn không khỏi bày tỏ lo ngại khi dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của cả nguồn lực trong nước và quốc tế. Vậy mà, càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế, tới độ phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn hình thức "có Luật" mà thôi. Cần thiết phải có một điều khoản cụ thể giống như quốc tế khắc chế hữu hiệu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra, đó là: "Cấm và phạt tù thật nặng".

    Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, thay vì chỉ kêu gọi giải quyết phần ngọn “Uống có trách nhiệm” hay “Uống rượu bia - Không lái xe” hay nói cách khác kêu gọi “trách nhiệm” ở phía người sử dụng, thì nhà nước cần có những biện pháp chính sách mạnh để quản lý và hạn chế việc sử dụng rượu bia tràn lan như hiện nay. 

    Tổ chức Y tế thế giới hết sức quan ngại về mô hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam. Điều tra nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm năm 2015 cho thấy, 44% người uống rượu bia ở Việt Nam uống quá độ, đây là hình thức uống rượu nguy hiểm. Việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam dẫn đến 79.000 ca tử vong năm 2016, hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị liên quan đến rượu bia.

    Ngoài gây hàng loạt bệnh tật ở người, việc sử dụng rượu bia còn làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông cho người lái xe, do cơ thể phản ứng chậm, sự phối hợp các hoạt động bị hạn chế, tầm nhìn ảnh hưởng. Việc sử dụng rượu bia gây nhiều hệ lụy hung hăng, bạo lực…

    Mức độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng (bình quân mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 6,6 lít cồn/người/năm), trong khi theo các chuyên gia y tế, rượu bia là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau và được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Các chuyên gia khuyến nghị cần thiết ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia để giảm các nguy cơ cho sức khoẻ.

    Chuyên gia hiến kế giảm tai nạn do rượu bia

    Liên tiếp thời gian gần đây, các vụ lái xe say xỉn gây tai nạn chết người xảy ra khiến dư luận phải lên tiếng. Chỉ vì uống bia, rượu, nhiều lái xe đã trở thành kẻ sát nhân.


    https://suckhoedoisong.vn/uong-co-trach-nhiem-uong-ruou-bia-vao-lieu-con-du-tinh-tao-de-nghi-den-trach-nhiem-n157265.html

    Theo Dương Hải / Sức Khỏe Đời Sống

    (Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

    Bạn có thể quan tâm