Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sách dạy tiếng Anh cũng dịch từ Trung Quốc

"Sách giới thiệu chi tiết lịch trình thông thường của công việc hướng dẫn du lịch. Sách rất cần thiết cho hướng dẫn viên du lịch khi đón tiếp các đoàn du lịch nước ngoài". Tại sao sách dạy tiếng Anh cho người VN lại chỉ tập trung giới thiệu tour du lịch Trung Quốc?.

Sách dạy tiếng Anh cũng dịch từ Trung Quốc

"Sách giới thiệu chi tiết lịch trình thông thường của công việc hướng dẫn du lịch. Sách rất cần thiết cho hướng dẫn viên du lịch khi đón tiếp các đoàn du lịch nước ngoài". Tại sao sách dạy tiếng Anh cho người VN lại chỉ tập trung giới thiệu tour du lịch Trung Quốc?.

Bạn đọc Hạnh Xuân - giảng viên đại học đã đặt câu hỏi như thế trong lá thư gửi đến báo chí khi mua cuốn 3600 tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch.

Các cuốn sách tiếng Anh cho ngành du lịch với nội dung trọng tâm là du lịch Trung Quốc.

Từ thư bạn đọc, ngày 25/3 phóng viên đã làm cuộc khảo sát tại các nhà sách ở quận 1, quận 5, quận 10, TP.HCM. Chỉ trong 3 giờ, chúng tôi nhận thấy có bốn đầu sách với nhan đề tiếng Anh dành cho ngành du lịch nói chung nhưng nội dung nghiêng hẳn về thông tin du lịch Trung Quốc.

Lịch trình thông thường của hướng dẫn viên du lịch

Trong các cuốn sách chúng tôi tìm đọc, mật độ "thông tin về Trung Quốc" dày đặc nhất thuộc về quyển Ðàm thoại tiếng Anh thực dụng cho ngành du lịch do tác giả Lê Huy Lâm - Phạm Văn Thuận biên soạn, Nhà xuất bản (NXB) tổng hợp TP.HCM xuất bản năm 2005, thực hiện liên doanh là nhà sách Minh Tâm, dày 478 trang. Mặc dù tựa sách là vậy nhưng toàn bộ nội dung đều nói về những vấn đề liên quan đến du lịch Trung Quốc: từ món ăn đến nhà hàng, rồi các điểm tham quan cũng là những danh thắng của nước này: Hàng Châu, Cố Cung, Vạn Lý Trường Thành, quảng trường Thiên An Môn... Tất tần tật đều là những thông tin về Trung Quốc.

Một cuốn sách cũng của hai tác giả nói trên do NXB TP.HCM xuất bản năm 2008, dày 326 trang có tên là Thực hành đàm thoại tiếng Anh ngành du lịch. Phần Danh thắng (từ trang 180-218) của quyển này chỉ đề cập đến một nước là Trung Quốc, từ tham quan nhà trẻ đến đại học, hoàng cung. Những phần còn lại tuy không có "nồng độ" đậm đặc như vậy, nhưng rải rác đều là những từ vựng liên quan đến nước này: đồ gốm sứ, tên các món ăn, danh lam, thói quen ẩm thực...

Một quyển sách khác có mật độ thông tin cũng dày đặc về Trung Quốc là sách của tác giả Tri Thức Việt, NXB Ðồng Nai liên kết với nhà sách Thành Nghĩa, xuất bản quý II năm 2012, dày 273 trang. Sách hoàn toàn có thể được xem như quyển sách dành riêng cho hướng dẫn viên hướng dẫn du khách đi du lịch Trung Quốc với toàn bộ nội dung nói về quá trình đi lại, ăn ở du lịch ở đất nước này nhưng tên sách lại là 3600 tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch. Bìa sau của sách ghi: "Sách giới thiệu chi tiết lịch trình thông thường của công việc hướng dẫn du lịch. Sách rất cần thiết cho hướng dẫn viên du lịch khi đón tiếp các đoàn du lịch nước ngoài". Hướng dẫn viên khi dẫn đoàn đi nước ngoài có nghĩa là đi du lịch Trung Quốc?

Không chỉ vậy, quyển Giao tiếp tiếng Anh trong dịch vụ văn hóa bảo tàng của tác giả Vương Hồng do NXB Hồng Ðức xuất bản quý IV năm 2008 (kèm thông tin phát hành tại nhà sách Huy Hoàng và nhà sách Thành Vinh) lại giới thiệu toàn bộ là danh lam thắng cảnh bảo tàng của Trung Quốc suốt 199 trang sách, từ bảo tàng trang phục dân tộc đến bảo tàng văn hóa Thượng Hải.

Những dấu hỏi đặt ra

Không có gì sai khi các tác giả biên soạn những quyển sách cung cấp nội dung thông tin liên quan đến du lịch, văn hóa Trung Quốc. Nhưng thay vì Ðàm thoại tiếng Anh thực dụng cho ngành du lịch, nếu như tên sách là Ðàm thoại tiếng Anh thực dụng khi đi du lịch Trung Quốc thì sẽ chẳng ai có ý kiến gì. Và cũng chẳng cần có ý kiến nếu đấy là những cuốn sách dạy tiếng Anh cho người Trung Quốc (nên tất yếu sẽ quảng bá danh lam thắng cảnh của Trung Quốc).

Thế nhưng, xem bốn quyển sách nói trên có thể thấy ngay rằng người làm sách không sòng phẳng với độc giả khi tên sách một đằng mà nội dung một nẻo. Một loạt câu hỏi theo đó cũng được đặt ra: Rằng đây là những quyển sách do người VN thực hiện hay là sách mua bản quyền và dịch sang tiếng Việt để dùng cho người Việt? Nếu sách được viết thì tại sao lại có nội dung hoàn toàn là Trung Quốc thế kia? Nếu là sách dịch thì tại sao không ghi rõ tác giả, bản quyền, tựa sách gốc? Trách nhiệm của các NXB ở đâu trong vấn đề cấp phép xuất bản cho những quyển sách này?

Khảo sát nhanh đã có bốn cuốn sách du lịch gây thắc mắc và nghi ngại trong người đọc. Còn bao nhiêu cuốn sách có chất lượng đáng ngờ tương tự, có lẽ chỉ những người làm sách mới có câu trả lời.

Sáng nay, tôi vừa mua một quyển sách 3600 tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch (3600 English use for travel guides). Phải nói là quyển sách có đề tài rất thiết thực, hấp dẫn với người yêu thích đi du lịch như tôi. Tuy nhiên, khi về nhà đọc kỹ nội dung, tôi mới ngớ ra vì sách chỉ có hai chương, ngoài chương 1 - Tiến trình tiếp đón khách du lịch (gồm 114 trang) thì chương 2 (gồm 143 trang) lại nói về Những địa điểm hấp dẫn khách du lịch ở Trung Quốc. Chương này gồm 15 bài: 1.Vạn Lý Trường Thành/ 2.Bảo tàng cung điện/ 3.Khu nghỉ mát núi Thừa Ðức/ 4.Ðội quân đất nung (tượng binh mã)/ 5. Những khu vườn ở Tô Châu/ 6. Hoàng Sơn ở tỉnh An Huy/ 7. Ba nhánh sông Dương Tử - Trường Giang/ 8. Khu bảo tồn Trương Gia Giới/ 9. Tây Hồ ở Hàn Châu/ 10. Thung lũng Cửu Trại Câu...

Tại sao một quyển sách dạy tiếng Anh cho người VN lại chỉ tập trung giới thiệu về đất nước Trung Quốc mà không phải là đất nước VN thân yêu và những đất nước khác?

- Ông Bùi Quang Huy (giám đốc NXB Ðồng Nai):

Có thể sẽ đổi tên sách

Chúng tôi vừa cho kiểm tra lại quyển sách 3600 tiếng Anh dành cho hướng dẫn viên du lịch. Quyển này do nhóm Tri Thức Việt ở TP.HCM dựa vào một bản sách gốc tiếng Trung của Trung Quốc ấn hành, có biên soạn thêm. Phần hai của cuốn sách nói về các địa điểm hấp dẫn khách du lịch ở Trung Quốc. Có điều ở đây thiếu ghi chú rõ là phần này dành riêng để hướng dẫn khách đi Trung Quốc, nên có thể người đọc thấy tên sách không đề cập gì đến Trung Quốc mà phân nửa nội dung lại "đậm đặc" các địa điểm Trung Quốc. Chúng tôi sẽ góp ý cho nhóm biên soạn bản thảo, trong lần tái bản có thể sẽ đổi tên sách, ghi rõ sách có giới thiệu các địa điểm du lịch Trung Quốc, cũng là một cách sòng phẳng với bạn đọc.

- Ông Lê Huy Lâm (đồng tác giả hai quyển sách Ðàm thoại tiếng Anh thực dụng cho ngành du lịch và Thực hành đàm thoại tiếng Anh ngành du lịch):

Chúng tôi sẽ ghi rõ nguồn nếu tái bản

Hai quyển sách này biên soạn vào lúc những người học tiếng Anh tại VN đang có xu hướng tìm đọc các sách tiếng Anh chuyên ngành. Cả hai quyển chúng tôi đều dịch từ sách gốc là sách tiếng Anh, do NXB Trung Quốc ấn hành. Ðây chính là lý do khiến trong sách có nhiều nội dung về Trung Quốc.

Vào thời điểm ấy, nhận thức của chúng tôi chưa được đầy đủ, nên cũng không ghi rõ là sách này dịch từ bản sách gốc nào, có thể như thế sẽ sòng phẳng hơn, làm cho bạn đọc không thắc mắc, không phản ứng. Hiện tại và trong tương lai, nếu tái bản hai quyển này và các sách dịch khác, chúng tôi sẽ ghi rõ nguồn, tên sách nguyên tác được dịch, điều này cũng phù hợp với quy định của các công ước bản quyền.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm