Sách quên Hoàng Sa, Trường Sa: Bộ trưởng Luận trần tình
Trong buổi chất vấn chiều 22/3 của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải trả lời về các cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc hay quên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong buổi chất vấn chiều 22/3, đại biểu Lê Minh Thông - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi để sách giáo khoa có bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, sách mầm non lại vẽ cờ Trung Quốc…
Quan điểm trên cũng được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) hết sức tán thành khi nhớ lại thời ông còn cắp sách đến trường cũng chưa bao giờ có hiện tượng sách tập đánh vần cho trẻ lại in cờ Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời đại biểu và cử tri về những cuốn sách tham khảo in cờ Trung Quốc và sách giáo khoa "quên" Hoàng Sa, Trường Sa. |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết trong số các sách in cờ Trung Quốc chỉ có một cuốn do nhà xuất bản thuộc hệ thống của Bộ Giáo dục ấn hành. Ngoài ra, một số cuốn dạy trẻ đánh vần hay kể chuyện cho trẻ có vẽ cờ Trung Quốc… không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vì những sách này do các nhà xuất bản bên ngoài sản xuất.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ thêm: “Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các NXB nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của bộ. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ cùng nghiên cứu để ra văn bản quy định quản lý các dạng sách này một cách cụ thể”.
Đối với cuốn sách Tiếng Việt 1 tập Hai do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành được dư luận cho rằng hình ảnh bản đồ không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bộ trưởng Luận lý giải trên cuốn này có in đảo, nhưng chú thích nhỏ. Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam đã báo cáo với Bộ GD-ĐT sẽ sửa chữa lỗi này. Được biết, sau khi báo chí phản ánh ngay trong ngày 22/3, NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã hoàn thành việc in lại cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập Hai có hình ảnh rõ nét kèm theo chú thích rõ ràng về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hình ảnh bản đồ đã thể hiện và chú thích rõ tên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 bản vừa hoàn tất in sáng 22/3. |
Xung quanh câu chuyện về sách giáo khoa, sách tham khảo xuất hiện nhiều lỗi như thời gian vừa qua đại biểu Huỳnh Nghĩa đặt câu về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi chậm trễ trong việc đưa kiến thức lịch sử xác lập chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào dạy học trong nhà trường.
Ông Nghĩa không quên nhấn mạnh: “Trong khi đó ngày càng xuất hiện nhiều sai sót khó có thể chấp nhận trong việc giáo dục ý thức chủ quyền đất nước trong một số sách do ngành Giáo dục biên soạn và xuất bản như vừa qua?".
Tuy nhiên, câu trả lời của người lãnh đạo Bộ GD-ĐT không khiến đại biểu quốc hội thỏa mãn khi những thắc mắc vẫn chưa được giải đáp thấu đáo. Cũng liên quan đến những vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa băn khoăn đặt câu hỏi về trình độ của những người viết sách cho trẻ tại Việt Nam.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi tại sao những cuốn sách như sách đánh vần tại sao Việt Nam không viết được mà phải nhập từ Trung Quốc. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Luận khẳng định những người viết sách ở Việt Nam hoàn toàn đủ trình độ viết sách cho trẻ. Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều đầu sách chất lượng cho trẻ do tác giả Việt Nam viết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Luận cũng cho rằng những sách tốt vẫn được khuyến khích dịch. Việc để xảy ra những lỗi trong thời gian vừa qua là do các nhà xuất bản đã dịch một cách tràn lan, thiếu sự kiểm định chặt chẽ. Người đứng đầu Bộ GD-ĐT cho rằng việc quản lý các nhà xuất bản không thuộc thẩm quyền của Bộ.
Ông Luận cũng hứa trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông để quản lý tốt hơn việc xuất bản sách tham khảo của những nhà xuất bản này.
"Sách lưu hành trong nhà trường, bộ có danh mục rất đầy đủ. Nhưng đây là sách của các NXB nằm ngoài quyền quản lý của Bộ GD-ĐT, không còn thuộc trách nhiệm quản lý của bộ", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. |
Theo VTCNews