Việc một nhà giáo phản ánh sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam) không dạy đọc chữ p với âm pờ độc lập, ảnh hưởng đến việc học của trẻ nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Tuy nhiên, chia sẻ với Zing, cô Phương Mai, giáo viên có 30 năm kinh nghiệm dạy tiểu học ở Hà Nội, vừa dạy Tiếng Việt lớp 1 năm học 2020-2021 theo bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, khẳng định chữ "p" và âm "pờ" vẫn được đưa vào dạy trong cuốn sách này.
Chữ "p" và âm "pờ" không được dạy trong bài riêng. Ảnh: Tiếng Việt 1. |
Cô cho hay trong bộ sách Tiếng Việt trước đây, chữ “p”, âm “pờ” được dạy riêng, có ví dụ khi ghép với nguyên âm tạo thành các tiếng như "p-i-pi", "p-a-pa".
Ở sách mới, chữ "p", âm "pờ" không tách ra dạy riêng mà nằm trong bài học chữ "ph", âm "phờ". Dạy đến bài này, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh chữ "ph" gồm chữ "p" và chữ "h" ghép lại với nhau. Họ cũng tách riêng chữ "p", cho các con ghép với các nguyên âm để tạo thành tiếng.
Cô Phương Mai nói thêm ở bảng chữ cái được giới thiệu trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cũng có chữ "p" nên càng không thể nói sách không dạy chữ này. Ngoài ra, ở bậc mẫu giáo, khi làm quen bảng chữ cái, trẻ đã biết chữ "p".
Chữ "p" vẫn được giới thiệu trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: Tiếng Việt 1. |
Cô cũng khẳng định thực tế trong quá trình học, khi đọc đến đoạn văn ở trang 105, học sinh vẫn đọc được từ "Sa Pa" dù không được học bài riêng cho chữ "p" và âm "pờ".
Cô nói thêm thực ra, âm "pờ" ít dùng riêng nên có thể vì thế, sách Tiếng Việt bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy kỹ.
Có con học theo bộ này và đã lên lớp 2, chị Nguyễn Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết con trai vẫn nắm được chữ "p" và hoàn toàn không gặp khó khăn khi đọc, viết những từ gồm âm "pờ" ghép với một nguyên âm hay một vần.
Theo thông tin một số báo đăng tải, nhà giáo Đào Quốc Vịnh (Hà Nội) đã gửi thư ngỏ đến bộ trưởng GD&ĐT về việc sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ "p" độc lập.
Nhà giáo này cho rằng rất nhiều từ chỉ địa danh, tên người của đồng bào dân tộc thiểu số có chữ "p" đứng trước nguyên âm. Nếu sách không dạy chữ "p", ông đặt câu hỏi trẻ em các vùng này sẽ đọc như thế nào về tên người, địa danh ở nơi mình sinh sống.
Ông đề nghị bổ sung ngày chữ "p" vào bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.