Dỗ con chờ khám bệnh tại khoa Khám bệnh, chị N.M.P. (32 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết con gái 7 tuổi có biểu hiện sốt, đau bụng cách đây 3 ngày nhưng không thuyên giảm. Sáng nay, chị Phương hốt hoảng đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để cấp cứu và được yêu cầu nhập viện để theo dõi tình trạng rối loạn tiêu hóa.
Thống kê tại Bệnh nhi đồng 1 TP.HCM, mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 5.000-6.000 bệnh nhi đến khám ngoại trú. Các bệnh chủ yếu liên quan đến viêm đường hô hấp, viêm phổi và tiểu phế quản, tiêu hóa.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, gần 12h trưa, số lượng bệnh nhi đang chờ làm thủ tục khám vẫn không có dấu hiệu giảm. Anh M.V.D. (42 tuổi, quê Long An) cho biết 4 ngày trước, con trai bắt đầu ho, khò khè, nghĩ do nắng nóng nên gia đình chủ quan cho con uống nhiều nước lạnh. Đến khi bé sốt cao liên tục, gia đình mới đưa con đi khám bệnh. Trong tuần giữa tháng 4, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 3.500-7.000 bệnh nhi đến khám.
Số lượt bệnh nhi khám ngoại trú tại các bệnh viện liên tục tăng cao những ngày qua. Ảnh: Liêu Lãm |
Lý giải về tình trạng trẻ mắc bệnh gia tăng khi thời tiết nắng nóng, BSCKII Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết khi nắng nóng, cơ thể bé dễ bị thiếu nước và rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều, sức đề kháng giảm. Dưới tác động của nắng nóng và tia UV, vi khuẩn vi rút phát triển nhanh, trẻ dễ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng cho rằng đây cũng thời điểm gia tăng bệnh tay chân miệng và sởi theo chu kỳ. Do đó, phụ huynh cần lưu ý bổ sung nhiều nước, dưỡng đầy đủ, vệ sinh cá nhân cho bé.
Đặc biệt, số lượng trẻ nhập viện do sởi sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc tiêm chủng. Trẻ chưa tiêm đủ mũi cần được tiêm phòng để tạo miễn dịch, chống lại bệnh.
Trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh trong mùa nắng nóng. Ảnh: Liêu Lãm |
Không chỉ có trẻ em, người lớn tuổi cũng gia tăng lượt khám tại các bệnh viện lớn. Theo BSCKII Vũ Thị Minh Phương, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, trong những ngày nắng nóng gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa có dấu hiệu gia tăng, trong đó nhiều nhất là những người cao tuổi.
“Người cao tuổi theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới là những người trên 60 tuổi. Trong số những bệnh nhân đến khám tại khoa, 95% là những người cao tuổi. So với những tháng trước, lượng bệnh nhân tăng lên tương đối nhiều”, bác sĩ Phương cho biết.
Đây là độ tuổi không có hoặc rất hiếm khi cảm thấy khát. Do đó, nhiều người cao tuổi không bổ sung nước cho cơ thể, dẫn đến tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, tụt huyết áp đối với người có cơ địa huyết áp thấp hoặc tăng huyết áp ở những người có cơ địa huyết áp cao.
“Thời tiết nắng nóng như hiện tại khiến số lượng bệnh nhân đột quỵ não tăng lên rất nhiều”, chuyên gia này nói.
Để giữ sức khỏe cho người cao tuổi vào những ngày thời tiết nắng nóng, bác sĩ Phương cho rằng người già nên tránh ra ngoài vào thời điểm nhiệt độ cao. Nếu phải ra ngoài, người dân nên che chắn, đội mũ rộng vành, ngồi nghỉ trước khi đi vào phòng máy lạnh tránh tình trạng sốc nhiệt.
“Nhiệt độ máy lạnh chỉ nên để từ 26-28 độ, người già không nên uống nhiều nước đá nước lạnh, dễ gây viêm đường hô hấp trên. Ngoài ra, người cao tuổi cần bổ sung những thực phẩm dinh dưỡng góp phần tăng sức đề kháng cho cơ thể trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện tại”, bác sĩ Phương khuyến cáo.