Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm của mẹ khi mang thai khiến trẻ sơ sinh bị co giật

Trước khi nhập viện, bé trai 1,5 tháng tuổi thường xuyên khóc quên, vặn mình và co giật từng cơn.

Tối 18/1, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa cấp cứu trường hợp trẻ sơ sinh bị hạ canxi máu rất nặng.

Bệnh nhi là bé N.B., 1,5 tháng tuổi, nam, ngụ Sóc Trăng. Gia đình cho biết thời gian trước đó, bé thường quấy khóc, khóc đêm, trớ sữa, vặn mình. Ba ngày trước khi nhập viện, trẻ bị sốt nhẹ, ho, gồng giật từng cơn, mỗi cơn khoảng 30-40 giây, lặp lại 3-4 lần/ngày.

Gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện địa phương để điều trị cấp cứu chống co giật nhưng không thuyên giảm.

cuu tre so sinh bi co giat anh 1

Bé 1,5 tháng tuổi bị co giật, phải thở máy do hạ calci máu. Ảnh: BSCC.

Khi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé B. rơi vào tình trạng co giật toàn thân, tím tái, nhiều đàm nhớt, thở yếu. Các bác sĩ hỗ trợ bệnh nhi đặt nội khí quản giúp thở qua máy, chống co giật.

Các xét nghiệm siêu âm não, dịch não tủy đều cho bình thường, riêng kết quả điện giải đồ cho thấy trẻ bị hạ calci tự do máu nặng, chỉ còn 0,45 mmol/L (bình thường 1-1,12 mmol/L). Ngoài ra, nồng độ vitamin D trong máu của trẻ giảm thấp còn 9,18 ng/ml (bình thường 20-63,7 ng/ml).

Bác sĩ Tiến cho biết trẻ được điều trị bổ sung calci máu truyền tĩnh mạch cấp cứu giai đoạn đầu, sau đó bổ sung calci và vitamin D qua đường uống. Sau một tuần điều trị, tình trạng bé cải thiện dần, hết co giật, tỉnh táo, được cai máy thở, bú khá.

"Đây là trường hợp trẻ hạ calci máu biểu hiện sớm. Nguyên nhân là thiếu cung cấp calci từ trong bụng mẹ", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho hay.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo bà mẹ mang thai cần ăn uống đủ chất, trong đó có các thực phẩm giàu calci như xương hầm, tôm, cua, cá. Sau sinh, sản phụ cần tiếp tục ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu calci, để trẻ được hưởng nguồn calci từ sữa mẹ.

Phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng buổi sáng (trước 8h) khoảng 10 phút để giúp bé có đủ vitamin D cần thiết cho sự hấp thu calci ở ruột, tránh bệnh còi xương và hạ calci máu nặng. Ngoài ra, cha mẹ có thể bổ sung vitamin D và calci cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa.

Theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), một thai phụ cần 1.200 mg calci mỗi ngày. Thai phụ còn trẻ cần nhiều hơn. Thực phẩm chứa nhiều calci là sữa, lá rau xanh đậm, tôm đồng, cá ăn cả xương.

100 g thực phẩm Hàm lượng calci (mg)
Rau đền 341 mg
Sữa bột tách bơ 1.400 mg
Rau cần ta 310 mg
Tôm đồng 1.120 mg
Rau đay 182 mg
Phomat 760 mg
Rau ngót 169 mg
Lòng đỏ trứng vịt 146 mg
Rau muống 100 mg
Cua bể141 mg

Hội chứng có thể khiến trẻ sơ sinh chậm phát triển

Trẻ sơ sinh dễ mắc hội chứng đầu phẳng do phải nằm ở một tư thế trong thời gian dài. Nếu không được điều trị, trẻ có thể bị chậm phát triển, khiếm khuyết về thị giác.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm