Trong bối cảnh xe điện ngày càng phát triển, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đang dần chú ý hơn đến vai trò cũng như tác động của xe điện trong cuộc sống. Thách thức về mặt công nghệ đã được giải quyết, giúp chi phí pin giảm. Các nhà sản xuất ôtô hàng đầu đã giới thiệu các mẫu xe điện khác nhau ra thị trường với hệ thống pin cao cấp hơn và phạm vi hoạt động cũng được tăng cường.
Về mặt chính sách, Chính phủ Hàn Quốc đã tăng cường hỗ trợ nếu các hãng xe và công nghệ đáp ứng được các tiêu chuẩn khí thải. Điều này đang thu hút các công ty công nghệ và nhà sản xuất ôtô tham gia vào cơn sốt xe điện. Nhưng Samsung lại đưa ra một quyết định khá bất ngờ khi quyết định không sản xuất xe điện.
Samsung không còn mặn mà với xe điện
Ngoài các thương hiệu ôtô truyền thống của Mỹ và châu Âu bao gồm cả Tesla - hãng xe đi đầu trong thị trường ôtô điện, gã khổng lồ công nghệ Apple cũng tham gia vào việc thúc đẩy mảng ôtô điện bằng cách thuê các chuyên gia và giúp họ giải quyết các vấn đề liên quan đến các quy định của chính phủ.
Nhưng Samsung - gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc và cũng là đối thủ lớn nhất của Apple trong thị trường công nghệ đã quyết định không cho ra đời thương hiệu xe điện của riêng mình. Điều này được hai giám đốc điều hành cấp cao của Samsung xác nhận với The Korea Times.
Renault Samsung SM3 Z.E. - mẫu xe điện được Samsung hợp tác sản xuất với Renault và chỉ được bán tại thị trường Hàn Quốc. |
Lý do cốt lõi đằng sau quyết định này là Samsung không tin rằng việc tham gia vào phân khúc xe điện sẽ đem lại lợi nhuận bền vững và hãng muốn tránh bất kỳ xung đột nào có thể xảy ra với các khách hàng cao cấp của mình. Samsung vẫn sẽ tập trung vào kinh doanh những sản phẩm họ đang có sẵn.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng, phản hồi và thảo luận với khách hàng, ban lãnh đạo cấp cao của Samsung đã đạt được sự đồng thuận rằng việc tham gia vào phân khúc ôtô điện sẽ không phù hợp cả về quan điểm lợi nhuận và cả góc độ của khách hàng", một trong những nguồn tin giấu tên cho biết.
Không chạy theo số đông, tập trung vào khách hàng cốt lõi
Nếu muốn cải thiện chất lượng nói chung, loại bỏ các sản phẩm không hiệu quả và cắt giảm số lượng sản phẩm đại trà để chỉ bán các sản phẩm có mức độ hoàn hảo cao nhất, Samsung vẫn còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề về thiết kế khi muốn gia nhập thị trường xe điện. Điều này sẽ tốn rất nhiều chi phí và giá trị của Samsung có thể không được bảo đảm", nguồn tin cho biết.
Không giống như Samsung, Apple về cơ bản là một công ty thiết kế. Họ thiết kế các tính năng và phần mềm cho các sản phẩm hàng đầu của mình trong khi phần cứng thì lấy từ các đối tác cung cấp kinh kiện. Apple sẽ không tung ra mẫu xe cho đại đa số người tiêu dùng vì họ muốn định vị mình ở phân khúc cao cấp với những sản phẩm có thể có giá từ 100.000 USD trở lên, đắt hơn cả Tesla Model S.
Thêm vào đó, thị trường xe điện toàn cầu đã khá “đông đúc” với rất nhiều nhà sản xuất pin và phụ tùng có mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất ôtô, thông qua việc thành lập liên doanh hoặc mua cổ phần. Vì vậy Samsung sẽ có ít cơ hội hơn nếu muốn “nhảy” vào thị trường đã bùng nổ này.
Điểm đáng chú ý hơn là Samsung muốn bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đối tác của mình. Như đã thấy trong vụ kiện của Apple, một giám đốc điều hành khác cho biết Samsung đang cố gắng tránh bất kỳ xung đột lợi ích nào với khách hàng cũ và cả khách hàng tiềm năng của mình.
Samsung Electronics là nhà sản xuất tivi, thiết bị gia dụng, chip và thẻ nhớ hàng đầu thế giới. Samsung SDI bán pin xe điện cho BMW và có kế hoạch mở rộng cơ sở khách hàng pin của mình bằng việc liên doanh với Stellantis có trụ sở tại Canada. Samsung Display cung cấp màn hình cho các nhà sản xuất ôtô và công ty con Samsung Electro-Mechanics có Tesla là một trong những khách hàng của mình.
Samsung đang đặt cược nhiều hơn vào tính bền vững của mình để thúc đẩy kinh doanh. Bởi vì dịch vụ sản xuất chip cho khách hàng, giữ sự tin tưởng lẫn nhau là yếu tố cốt lõi.