Ths.BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Điều trị, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương - cho biết hiện tại số bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh sán não và sán lá gan chiếm tỷ lệ cao nhất.
Nhiều trường hợp bị nhầm lẫn sang các căn bệnh khác, đến khi phát hiện chính xác do sán lá gan gây nên, bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn với nhiều tổn thương.
Anh Nguyễn Ngọc Linh (ở Thanh Hóa) được nhận định có khối u ác trong gan nên tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1/4 lá gan, sau khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện sán làm tổ trong gan.
Bệnh nhân có tổn thương gan với kích cỡ 3,1x4,8 cm có hạch rốn gan, đầu tụy, hạch lớn có đường kính 0,5 cm. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt thùy gan trái mở rộng, cắt túi mật và nạo vét hạch cuống gan.
Giải phẫu bệnh cho thấy mảnh cắt lấy vào mô gan có các ổ hoại tử tăng sinh xơ. Bác sĩ kết luận gan bệnh nhân bị áp xe do ký sinh trùng có thể là sán lá gan hoặc toxocara.
Bác sĩ Thọ cho biết sau khi có kết quả giải phẫu bệnh, anh Linh được chuyển đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương để điều trị và có tiến triển tốt.
Các bác sĩ có thể nhìn thấy hình ảnh sán lá gan làm tổ rất rõ qua phim chiếu chụp. Ảnh: BSCC. |
Ông Nguyễn Đình Quang (Nghệ An) cũng bị sán làm tổ trong não từ rất lâu nhưng chỉ mới được phát hiện và phẫu thuật.
Bệnh nhân lên cơn co giật lần đầu tiên khi 53 tuổi. Sau đó, ông vẫn làm việc và lao động bình thường. Đến lúc hơn 60 tuổi, ông bị giật lại lần 2 và càng về già, các cơn co giật càng nhiều hơn.
Gần đây, ông lên cơn co giật và người nôn nao, đi tiểu không tự chủ. Thậm chí, ông còn nôn ra cả máu đông. Nhập viện tại bệnh viện tỉnh Nghệ An, các bác sĩ điều trị cho ông theo hướng mắc bệnh động kinh. Sau 48 ngày nằm viện, bệnh tình của ông không thuyên giảm và chuyển viện ra Hà Nội.
Tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương, sau khi xem phim chiếu chụp các bác sĩ không khỏi kinh ngạc khi thấy một ổ sán đang làm tổ trong não bệnh nhân. Đáng sợ hơn, sán làm tổ gây ổ áp xe, phát triển chèn vào não thất. Bác sĩ quyết định phải tiến hành phẫu thuật ngay cho bệnh nhân, tránh nguy hiểm đến tính mạng. Sau một tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Ông Quang chia sẻ: “Tôi nghĩ mình bị sán lên não từ rất lâu rồi và có lẽ do ăn phải sán trong tiết canh cua".
Theo bác sĩ Thọ, việc nhiễm giun sán xuất phát phần lớn từ thói quen sinh hoạt của người dân như việc ăn rau sống, tiết canh, nem chạo. Đặc biệt, bệnh giun sán chưa được coi trọng đúng mức. "Nếu nghĩ đến bệnh ngay từ đầu khi có triệu chứng, tỷ lệ khỏi sẽ cao hơn rất nhiều", bác sĩ Thọ cho hay.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi