Sáng 15/10, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam đã có thông tin trả lời báo chí xung quanh phản ánh về những “hạt sạn” trong Sách giáo khoa Tiếng Việt 1.
Về những nội dung được phản ánh trong các bài báo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xin được trả lời như sau:
Hình ảnh trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. |
Câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, chữ “Tuổi thơ” trong nguyên tác được sửa thành chữ “Chiều chiều” như văn bản in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, là do câu thơ đã được “biên tập” lại cho phù hợp với nội dung bài học.
Trang cuối sách người biên soạn có ghi chú điều ấy với tính chất xin phép các nhà văn, nhà thơ như sau: “Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập một đã trích nguyên văn hoặc có biên tập cho phù hợp với yêu cầu từng loại bài học - tác phẩm của các tác giả sau đây: Võ Thanh An, Hoàng Minh Châu, Định Hải, Xuân Hoài, Phạm Hổ, Ngô Văn Phú, Đỗ Trung Quân, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hồng Thắng, Lê Xuân Thọ, Tạ Hữu Yên. Trân trọng cảm ơn các tác giả”.
Từ bài 1 đến bài 27 không viết hoa đầu câu và tên người, lý do: lúc này học sinh chưa được học chữ Hoa. Các em chưa có khái niệm về chữ Hoa thì không nên viết hoa, bởi nếu viết hoa, các em chưa biết mẫu chữ sẽ không đọc được.
Bài báo nói, từ bài 28 trở đi việc viết hoa không nhất quán. Ví dụ được dẫn ra ở trang 87: “Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ ra bờ suối. Nó thấy bầy hươu nai đã ở đấy rồi”.
Ban biên tập trả lời sách viết như vậy là hợp lý. Lý do: Cừu là số ít, được hiểu là tên một nhân vật. Hươu nai là số nhiều “bầy hươu nai”, với nghĩa chỉ giống loài, nên không viết hoa.
Ví dụ nữa tác giả bài báo nêu trang 115 “Trai gái bản mường cùng vui vào hội”. Tác giả bài báo cho rằng phải viết hoa chữ mường. Ban biên tập trả lời: bản và mường đều là cách gọi những cộng đồng dân cư ở miền núi.
Thứ tự không phù hợp với hình ảnh . |
Bài báo cho rằng các em học sinh chưa có nhiều khái niệm về cuộc sống xung quanh nhưng nội dung lại được đánh đố bằng những câu chữ như “Nhà Dế Mèn ở gần bãi cỏ non, còn nhà Sên thì ở ngay trên tàu lá chuối”. Viết như thế rất dễ khiến học sinh nhầm “Sên” là tên người, nếu như không nhìn bức tranh minh hoạ ở trên.
Ban biên tập có ý kiến trả lời: giai đoạn này học sinh chưa được học vần “ôc” nên chưa thể đưa chữ ốc. Thêm nữa, để hiểu nội dung câu văn này, học sinh đã có tranh minh hoạ màu, rất rõ nét ngay ở bên trên câu văn.
Về cụm từ “y tế xã”, theo tác giả bài báo là chưa đủ thành phần cần phải viết đủ là “trạm y tế xã”, Ban biên tập đã kiểm tra và thấy rằng: Dù cụm từ có bị lược bỏ thành phần, nhưng theo cách nói thông dụng, học sinh vẫn có thể hiểu được.
Nếu thêm từ cho đủ thành phần cụm từ, học sinh lại không đọc được, vì giai đoạn này, các em chưa được học vần am (trạm). Cụm từ này cũng có tranh minh hoạ rất rõ nét.
“Thổi xôi” là gì? Theo tác giả bài báo là một số giáo viên và phụ huynh học sinh không hiểu từ thổi, cần phải diễn đạt là nấu cơm, nấu xôi. Ban biên tập có ý kiến: thổi là một động từ rất quen thuộc với người Việt Nam.
Từ điển Tiếng Việt 2010 của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng) có viết: “Thổi: Động từ [ph] nấu [cơm, xôi]. Ví dụ: thổi cơm, thổi xôi”.