Chúng ta vẫn thường nghe đến cụm từ "tỷ lệ tiết kiệm" (savings rate) trong những chia sẻ về quản lý tiền hay gia tăng tài sản. Để giúp bạn hiểu và áp dụng dễ dàng hơn, Zing tổng hợp 5 câu hỏi xoay quanh chủ đề này, trả lời bởi chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân Đoàn Đức Minh.
Tỷ lệ tiết kiệm là gì?
Trong tài chính cá nhân, tỷ lệ tiết kiệm có thể được hiểu là phần trăm thu nhập bạn trích ra để dành dụm thay vì tiêu xài. Nói cách khác, nó là phần còn lại sau khi bạn trừ đi các khoản chi bình quân hàng tháng.
Ví dụ, bạn nhận lương cố định là 20 triệu đồng/tháng nhưng chỉ tiêu 18 triệu đồng và giữ lại 2 triệu đồng. Khi đó, tỷ lệ tiết kiệm của bạn là 10%.
Nói đến quản lý dòng tiền là nói đến 4 bước cơ bản, bao gồm kiếm tiền (make), tiêu tiền (spend), để dành (saving) và đầu tư (invest).
Tình hình tài chính của một người dễ dàng được nhìn thấy qua mục số 3. Người có sức khỏe tài chính tốt là người thực hiện khoản này thường xuyên. Hơn hết, nó nói lên rằng, họ thực sự có kế hoạch sử dụng tiền rất chặt chẽ.
Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền một tháng?
Tùy vào mục tiêu tài chính, thu nhập khả dụng và lãi kép mà tỷ lệ tiết kiệm sẽ khác ở từng trường hợp. Điều quan trọng là một khi đã đặt ra lộ trình của mình, bạn nên kiên trì góp tiền để lãi kép phát huy tác dụng.
Thông thường, tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất rơi vào khoảng 5% tổng thu nhập tháng. Đây đồng thời là lời khuyên của nhiều chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân cho người mới tập tành tích lũy.
Từ việc xác định các mốc tài chính mong muốn hoặc có thêm nguồn thu nhập, bạn có thể chủ động nâng cấp con số trên theo thời gian.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ lệ tiết kiệm?
3 yếu tố lớn nhất quyết định tỷ lệ tiết kiệm của một người là:
Lối sống
Đây là yếu tố được thể hiện rõ nhất ở thói quen ăn ở, đi lại, sinh hoạt, giải trí.
Một số người thích ăn uống bên ngoài, nhưng cũng có người thích tự nấu đồ ăn, làm thức uống tại nhà để đem đến công sở. Nhiều người giải trí bằng các món xa xỉ, trong khi vài người khác đơn giản chỉ cần đọc một cuốn sách, tập thiền.
Trong 4 bước quản lý tiền, phần "spend" ảnh hưởng trực tiếp đến khoản "saving". Vì vậy, chi tiền hợp lý là bước đầu của quá trình tiết kiệm hiệu quả.
Ngoài ra khi thu nhập tăng, bạn có thể cân nhắc tăng tỷ lệ tiết kiệm thay vì tăng nhu cầu xài tiền để tránh rơi vào lạm phát lối sống, lúc nào cũng rỗng túi dù lương cao.
Sức khỏe tài chính ở thời điểm nhất định
"Tình trạng sức khỏe" được xác định bằng cách lấy tổng tài sản của bạn trừ đi tổng nợ, gồm nợ thẻ tín dụng, vay cá nhân, khoản trả góp cho công ty tài chính, nợ bạn bè hoặc người thân,...
Nếu kết quả là số âm (nhỏ hơn 0), bạn đang không khỏe mạnh về mặt tiền bạc và do đó, ưu tiên của bạn nên là trả hết nợ rồi mới tiết kiệm.
Nếu kết quả là số dương (lớn hơn 0), bạn hoàn toàn có thể tìm cách gia tăng savings rate.
Mục tiêu tài chính
Chúng là các khoản chi tiêu lớn cần sự hoạch định nghiêm túc mới đạt được. Trong suốt thời gian trưởng thành và làm việc, ai cũng sẽ có những mục tiêu tài chính ngắn hạn (dưới một năm), trung hạn (1-3 năm) và dài hạn (trên 3 năm).
Mỗi cá nhân có mục tiêu rất khác nhau, tùy theo giai đoạn sống, độ tuổi và thời điểm bắt đầu tiết kiệm.
Dưới 30 tuổi, một số mục tiêu nhiều người hướng đến là mua xe máy, học thạc sĩ, phát triển bản thân, du lịch, kết hôn. Từ 30 tuổi trở lên, có thể bạn sẽ phải dành dụm nhiều tiền cho kế hoạch mua nhà, mua xe hơi, sinh em bé, giáo dục con cái, kinh doanh, đầu tư, nghỉ hưu.
Tỷ lệ tiết kiệm quan trọng như thế nào?
Nếu việc tiêu tiền ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiết kiệm thì chính tiết kiệm là tiền đề đưa bạn đến bước đầu tư. Dù mỗi người có cuộc sống và nhu cầu hưởng thụ riêng, hầu hết chúng ta cần tiền để chạm đến những cột mốc lớn trong đời.
Ngay cả khi bạn vay ngân hàng để mua căn hộ chung cư, phía ngân hàng cũng thường yêu cầu bạn có số tiền tối thiểu là 30% tổng giá trị căn hộ. Khi chưa thể chuẩn bị ít nhất 30%, bạn rất khó để đạt mục tiêu mua nhà.
Việc tuân thủ dành ra một phần tiền hàng tháng sẽ giúp bạn sớm sở hữu ngôi nhà đó. Nó còn giúp bạn giữ vững tâm lý trong những phút xao nhãng, quên đích đến mà chạy theo mua sắm bốc đồng hay hưởng thụ quá đà.
Làm gì để rèn luyện thói quen tiết kiệm?
Có nhiều phương pháp mà bạn có thể tham khảo như phương pháp 50/20/30, phương pháp lập ngân sách với số 0,... nhưng nếu bạn vốn đã quen tiêu pha rộng rãi, sau đây là 4 gợi ý dành cho bạn:
- Đăng ký tiết kiệm tự động: Hiện đa số ngân hàng đã có dịch vụ này. Khi bạn nhận lương tháng qua tài khoản ngân hàng, một phần tiền sẽ tự động được chuyển qua sổ tiết kiệm.
- Trích tiền trước, xài sau: Thực hiện quy tắc không bao giờ dùng tiền khi chưa để dành, áp dụng với cả các khoản thu nhập ngoài lương.
- Bỏ ống heo: Cách này cũ nhưng không lỗi thời. Sau Tết, bạn có thể bỏ ống khoảng 50.000 đồng/ngày hoặc chuyển số tiền tương tự vào ví điện tử có sinh lời.
- Nghĩ rằng khoản để dành thực ra là tiền của tương lai, bản thân bạn cần kỷ luật để mai này không khó khăn, lo lắng.
Dù tiết kiệm là phương pháp đầu tư thụ động cho người không thích rủi ro, với hiệu quả của lãi kép, tiết kiệm dài hạn sẽ luôn là một phương án tài chính tốt.
Bên cạnh đó, khoản tiết kiệm đôi khi còn được xem như quỹ khẩn cấp của gia đình. Mức quỹ được khuyến nghị là từ 3 tháng đến 6 tháng ngân sách chi tiêu. Năm mới sắp đến, bạn nên tập trung xây dựng khoản này trước khi nghĩ đến những mục tiêu khác.