Đây là ngày thi thứ ba trong kỳ thi THPT quốc gia với hai môn thi: Địa lý (180 phút) và Hóa học (90 phút). Địa lý cũng là môn thi có số lượng thí sinh đứng thứ ba trong số năm môn tự chọn.
Môn Địa Lý được học sinh đánh giá là khá dễ “ăn” điểm hơn các môn học khác, hơn nữa quyết định thí sinh được đem Atlat vào phòng thi của Bộ GD&ĐT lại càng làm học sinh có thêm động lực để chọn môn Địa Lý. Phần thực hành của môn thi này khá dễ ghi điểm.
Năm 2014, Hoàng Sa - Trường Sa làm "nóng" đề thi Địa lý. Theo đó, câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc đánh bắt hải sản của ngư dân nước ta ở ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa có ý nghĩa như thế nào về an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, đề thi cũng nhấn mạnh tới chủ đề biển đảo, khi câu 3 tiếp tục nêu yêu cầu: Trình bày việc phát triển nghề cá và du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ. Vì sao đánh bắt hải sản xa bờ đang được đẩy mạnh ở vùng này?
Đó là thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đề thi Địa lý kỳ thi THPT quốc gia năm nay, nhiều người dự tính sẽ gần gũi đời sống, cập nhật tình hình thời sự, xã hội.
Thí sinh dự thi tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn. |
Thí sinh bị đình chỉ tăng trong ngày thứ hai
Kết thúc ngày thi thứ hai (2/7), tỷ lệ thí sinh bị đình chỉ tăng vọt, chủ yếu mang điện thoại di động và phao thi, cao đột biến so với ngày thi đầu tiên. Cụ thể, 312 người bị đình chỉ, khiển trách: 9; cảnh cáo: 13. Trong khi đó, ngày đầu tiên chỉ có 22 thí sinh bị kỷ luật.
Tại chủ tịch Hội đồng thi Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, môn thi Ngữ văn, 3 thí sinh vi phạm quy chế. Một trường hợp làm bài được nửa thời gian, xin đi vệ sinh. Giám thị đi theo thì phát hiện em này dùng điện thoại di động nên đã lập biên bản, đình chỉ thi.
Trường hợp thí sinh sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh cũng xảy ra tương tự tại trường Đại học Sư phạm TP HCM.
Tại cụm thi Tôn Đức thắng, có thí sinh đi muộn 30 phút vì tưởng môn Ngữ văn thi buổi chiều.
Đề thi mang tính phân loại cao
Đối với môn Ngữ văn, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên THPT Chu Văn An nhận định, đề thi có khả năng phân hóa cao, vì thế sẽ đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, đó là xét tốt nghiệp và tuyển chọn vào các trường đại học cao đẳng.
Học sinh trung bình có thể trả lời được những câu 1, 2, 5, 6 phần đọc hiểu; có thể lý giải được ở mức độ nhận biết và thông hiểu đối với câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Học sinh khá và giỏi, ngoài mức độ nhận biết và thông hiểu, có thể trả lời sâu sắc ở mức độ vận dụng và vận dụng cao với cả 2 phần đọc hiểu và làm văn. Như vậy, đề bài đã đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPTquốc gia 2015.
Đối với đề thi môn Vật lý, học sinh khá ấn tượng khi đề bài mang hình ảnh Trường Sa.
Tăng Hải Tuân – đại diện nhóm thủ khoa giải đề thi Lovebook chia sẻ: “Ở một mã đề, từ câu 1-30, học sinh trung bình dễ dàng làm được, sau câu 30 mức độ đề khó đã tăng dần lên”.
Đặng Thùy Trang (Vĩnh Phúc) cho rằng, đề thi có phần lý thuyết khá dễ. Những câu hỏi này để gỡ điểm cho thí sinh. Tuy nhiên, những câu bài tập về phần điện “làm khó” thí sinh. "Đề bài phân hóa tốt hai dạng khó và dễ, sắp xếp dễ trước, khó sau theo thứ tự để học sinh dễ dàng làm bài".
Đón xem bài giải gợi ý môn Địa lý, Hóa học
Ngay khi thí sinh kết thúc thời gian làm bài, Zing.vn sẽ cập nhật nhanh nhất bài giải gợi ý hai môn thi trong ngày, do nhóm thủ khoa thực hiện.