Theo kế hoạch từ tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, từ ngày 15/12 tòa sẽ bắt đầu phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu của cơ quan nhà nước, cho vay nặng lãi, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng do Huỳnh Thị Huyền Như cầm đầu đã chiếm đoạt của 15 ngân hàng, công ty và cá nhân với tổng số tiền lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như bị dẫn giải trong phiên tòa sơ thẩm. |
Ngoài bản án được tuyên với 23 bị cáo, HĐXX sơ thẩm TAND TP.HCM cũng:
- Kiến nghị đến cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để xử lý đối với tám đối tượng có hành vi tương tự như Huỳnh Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Lành, Đào Thị Tuyết Dung... trong việc giúp Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 180 tỷ đồng tại VIB mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung đối với Trần Thị Tố Quyên về hành vi giúp sức Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của VIB 15 tỷ đồng;
- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng là các phó giám đốc VietinBank chi nhánh TP.HCM đã ký các hợp đồng tiền gửi với ACB;
- Kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố Vũ Hồng Hạnh - nguyên tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông - vì đã có hành vi giúp sức Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông 380 tỷ đồng khi ký bảy lệnh chi khống cho Huỳnh Thị Huyền Như;
- Kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, nếu đủ căn cứ thì khởi tố điều tra, xử lý đối với hành vi của một số đối tượng cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần nhưng chưa bị truy tố, xử lý trong vụ án này.
Trước đó, bản án sơ thẩm được HĐXX TAND TP.HCM ngày 27/1 đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như mức án chung thân và tuyên buộc bị cáo này phải hoàn trả toàn bộ số tiền gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các nguyên đơn dân sự và bị hại.
Đồng thời 22 bị cáo khác trong vụ án nhận mức án từ 1 năm án treo đến mức án chung thân.
Sau khi bản án được tuyên, 20 bị cáo, 11 nguyên đơn dân sự, bị hại và 28 cá nhân, đơn vị là người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo bản án.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo về phần hình phạt hay bồi thường dân sự mà kháng cáo đòi lại một bất động sản nằm trong tổng số 12 bất động sản đang bị kê biên. Bất động sản này được định giá là 43 tỷ đồng. Theo đơn kháng cáo, Huyền Như đòi lại bất động sản này cho mẹ.
Dự kiến, phiên xét xử phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 15 đến hết 31/12, do ông Quảng Đức Tuyên làm thẩm phán chủ tọa. Hai thẩm phán là Phan Thanh Tùng và Mai Thị Tú Anh.