Sau hơn 2 tuần xét xử, trải qua các phần thẩm vấn công khai tại tòa và phần tranh luận của luật sư, tự bào chữa của các bị cáo, chiều ngày 22/1, phiên tòa xét xử “đại án” lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã bước vào phần nghị án.
Tại phiên tòa hôm nay, khi nói lời sau cùng, Huyền Như khóc: “Bị cáo thấy ân hận về hành vi mà mình đã gây ra. Bị cáo muốn gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác, trong đó có chị gái Mỹ Hạnh cùng các đồng nghiệp và lãnh đạo ngân hàng VietinBank".
Huyền Như cũng xin HĐXX chiếu cố cho các đồng nghiệp, xem xét khoan hồng cho họ vì mình mà vướng vào vòng lao lý.
"Bị cáo biết mình phạm tội lỗi lớn khiến con phải theo mẹ vào trại giam từ khi còn trong bụng. Mong HĐXX cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng để sớm trở về nuôi con và làm lại cuộc đời để khắc phục lỗi lầm đã gây ra", Huyền Như lí nhí.
Bị cáo cũng gửi lời cảm ơn tới HĐXX, các luật sư bào chữa và các cán bộ trại giam đã chăm sóc cho mình suốt thời gian qua.
Huyền Như đối mặt với án tù chung thân. |
Vào sáng ngày 27/1 (27 Tết), HĐXX sẽ chính thức tuyên án với các bị cáo trong vụ án, trễ hơn 2 ngày so với dự kiến.
Phiên tòa diễn ra từ ngày 6/1 tại trụ sở TAND TP.HCM. “Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, ngụ TP.HCM) cùng 22 đồng phạm bị truy tố về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng, Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Khung hình phạt cao nhất cho các tội danh này là tù chung thân.
Đây là 1 trong 10 “đại án” tham nhũng được Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng chỉ đạo đưa ra xét xử vào cuối năm 2013.
Theo cáo trạng, vào đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (lúc này là cán bộ tín dụng của Vietinbank chi nhánh TP.HCM) có vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Do giá nhà đất và chứng khoán liên tục sụt giảm nên việc kinh doanh liên tục bị thua lỗ và cô phải gánh khoản nợ khổng lồ với lãi suất cao. Đến năm 2010 thì người phụ nữ này mất khả năng trả nợ.
Vào thời điểm này, Như vừa được thăng chức quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Cô ta liền nghĩ cách lợi dụng chức vụ và danh nghĩa Vietinbank để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiết kiệm.
Từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu của nhiều ngân hàng, giả chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng. Sau đó mang hồ sơ đi "huy động vốn" cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM. Cô ta tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào Vietinbank với mức lãi suất từ 18 - 36%/năm.
Tổng cộng, Như đã lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Số tiền này Như dùng để trả nợ gốc, lãi của khoản vay nóng và tiêu xài cá nhân.