7h sáng 28/3, chất lượng không khí ở Hà Nội được cảnh báo ở mức rất xấu thông qua chỉ số AQI là 277. Trước đó, 10h sáng 27/3, chỉ số AQI ở Hà Nội được cảnh báo là 310 - mức nguy hại. Từ 26/3, chỉ số này liên tục ở mức không tốt cho sức khỏe.
AQI là chỉ số để báo cáo chất lượng không khí hàng ngày đối với 5 chất ô nhiễm cơ bản gồm bụi PM10, SO2, NO2, CO và O3.
Theo bảng quy đổi giá trị AQI, chỉ số chất lượng không khí gồm các mức:
- Mức tốt (0- 50) không ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Mức trung bình (51-100) khuyến cáo nhóm nhạy cảm (trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp) nên hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức kém (101-200) nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài.
- Mức xấu (201-300) nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
- Mức nguy hại (trên 300) khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở mức báo động. Ảnh: Việt Linh |
Hiện tại thời tiết Hà Nội lạnh, nhiệt độ và độ ẩm thấp, gây mù, tầm nhìn hạn chế. Về điều này, trao đổi với Zing.vn, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cảnh báo thời tiết ẩm, nhiều hơi nước sẽ gây bất lợi đối với một số người mắc bệnh mạn tính, người già, trẻ em, bệnh phổi,…
Đặc biệt, chuyên gia khẳng định: “Bụi mịn được ghi nhận có trong không khí, chắc chắn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, người dân cần đề phòng”.
Loại bụi có đường kính 10 μm gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM 2.5. Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Khi nồng độ bụi mịn trong không khí ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Những tình trạng này tương tự như khi độ ẩm cao hoặc sương mù.
“Không khí ô nhiễm có nhiều hạt bụi nhỏ, hạt càng nhỏ sẽ càng vào sâu. Những hạt bụi có kích thước nhỏ, đặc biệt PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi, đường hô hấp trên, gây nên bệnh hô hấp. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ, viêm phổi, viêm phế quản mạn tính”, TS Cường cảnh báo.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng cho biết bụi trong không khí có nhiều loại bao gồm cả bụi vô cơ và bụi hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với các tạp chất khác như nitơ, lưu huỳnh rất độc hại.
Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học có thể gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở. Đặc biệt, bệnh nhân có nền bệnh sẵn như hô hấp, phổi mạn tính, tim mạch, ô nhiễm không khí sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng, biến chứng nguy hiểm hơn.
Về biện pháp đề phòng, TS Cường cho rằng người dân tốt nhất nên hạn chế ra ngoài trong thời điểm không khí không tốt, chỉ ra khi cần thiết. Ngoài ra, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt khi phải ra ngoài trời.