Việc không lấy cao răng định kỳ có thể dẫn đến một số ảnh hưởng như viêm lợi, đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Ảnh: Belmontdentistry. |
Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu màng này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, gọi là mảng bám.
Khi mảng bám còn mềm, có thể làm sạch khỏi bề mặt răng bằng bàn chải hoặc chỉ nha khoa. Nhưng khi tồn tại lâu, mảng bám vôi hoá bởi hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và cặn mềm (mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong môi trường miệng), xác tế bào biểu mô, sự lắng đọng sắt của huyết thanh… trở nên cứng, bám rất chắc vào bề mặt răng hoặc dưới mép lợi, gọi là cao răng (vôi răng). Đến lúc này chỉ có nha sĩ mới có thể làm sạch bằng các dụng cụ chuyên dùng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh (Bệnh viện Răng Hàm Mặt TW Hà Nội) cho biết, cao răng có hai loại: Cao răng thường và cao răng huyết thanh.
Cao răng thường như đã mô tả ở trên. Khi cao răng thường gây viêm lợi, lợi ở vùng viêm sẽ tiết dịch viêm và chảy máu, máu ngấm vào cao răng thường tạo nên màu nâu đỏ, lúc này mảng cao răng đó được gọi là cao răng huyết thanh.
Bạn biết cao răng nguy hiểm thế nào chưa?
Khi cao răng bám dính trên bề mặt răng và kẽ răng lâu ngày không được làm sạch nó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động và gây ra các bệnh lý răng miệng.
Nếu không lấy cao răng, độc tố của vi khuẩn trong cao răng sẽ gây ra viêm lợi với các biểu hiện răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Hoặc cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể lung lay và rụng.
Cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng, gây ảnh hưởng tới chức năng răng và làm tổn thương tới cấu trúc bên trong răng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng: viêm niêm mạc miệng, lở miệng, viêm amidan, viêm họng…
Những triệu chứng bệnh lý của răng miệng bắt nguồn từ cao răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng ăn nhai của răng và mặt khác sẽ gây mất thẩm mỹ với miệng, hàm răng.
Cao răng bám trên bề mặt răng sẽ gây các khó chịu như: Những cơn đau ê buốt, tình trạng răng bị ố vàng, nhiễm màu và miệng bắt đầu có mùi hôi khó chịu…
Tại sao chúng ta cần phải lấy cao răng?
Do những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cao răng cần được lấy sạch. Tốt nhất nên kiểm tra các mảng bám răng định kỳ 3- 6 tháng/lần. Không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi cao răng hình thành thì đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả.
Độc tố của vi khuẩn trong mảng cao răng gây ra viêm. Từ phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ở răng làm cho lợi mất chỗ bám khiến cho càng ngày răng càng dài, để lộ ra vùng xương răng không được tổ chức quanh răng bảo vệ. Bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện cảm giác ê buốt khó chịu.
Chiều dài chân răng là không thay đổi, nên khi xương càng tiêu nhiều thì độ dài chân răng nằm trong xương càng ngắn lại dẫn đến răng lung lay và quá trình tiêu xương càng diễn ra nhanh hơn.
Tiêu xương sinh lý là quá trình không thể tránh khỏi theo thời gian và việc làm cho xương không bị tiêu là một việc không tưởng. Do đó, duy trì xương ở mức độ ổn định là vô cùng quan trọng.
Việc làm sạch cao răng cần được thực hiện định kỳ. Ảnh: Freepik. |
Lấy cao răng chưa chắc đã xong
Trong khi lấy cao răng bạn sẽ có cảm giác ê buốt (không đến mức đau), chảy máu nhiều hay ít tùy thuộc tình trạng cao răng và mức độ nhạy cảm của từng người.
Sau khi lấy cao răng xong, sẽ có cảm giác ê buốt khi uống nước nóng lạnh… Cảm giác này sẽ hết sau vài ngày. Sau khi lấy cao răng, men răng vẫn còn yếu và đang trong quá trình phục hồi, do đó việc chăm răng lúc này là rất cần thiết.
Sau khi lấy cao răng, men răng và nướu thường rất yếu, dễ bị tấn công bởi vi khuẩn cũng như các tác động khác từ bên ngoài. Đó là lý do sau khi lấy cao răng, răng rất dễ bị ố vàng trở lại hay có cảm giác ê buốt.
Nói "không" với cà phê và các đồ uống, thực phẩm... có chất tạo màu khi vừa lấy cao răng. |
Để tránh gặp phải những trường hợp này, hãy lưu ý đến những điều "chống chỉ định" sau khi lấy cao răng như: Tránh ăn các loại đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, làm tổn hại cho men răng; Không nên ăn các loại thực phẩm, đồ uống có chất tạo màu, nhiều axit như café, trà, rượu vang đỏ, nước ngọt, nước tương, socola…;
Tuyệt đối không được hút thuốc lá vì răng lúc này càng dễ bị ám màu thuốc lá hơn bình thường, khiến răng dễ ố vàng. Hạn chế ăn các loại đồ ăn quá mềm và dính vì chúng dễ bám vào răng, khó vệ sinh, khiến các vi khuẩn và vụn thức ăn khác bám vào, hình thành nên cao răng. Với phụ nữ, tránh để cho son môi hoặc các chất tạo màu khác dính vào răng.
Bác sĩ nhắc bạn cách chăm sóc răng khoa học sau khi lấy cao răng:
Đánh răng 2 lần/ngày, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
Đánh răng đúng cách: Đánh răng theo chiều dọc hoặc xoay tròn, tránh chải theo chiều ngang vì sẽ khiến men răng bị mài mòn và ngày càng yếu đi. Bên cạnh đó, nên nhớ rằng không phải chải răng càng mạnh càng tốt, vì có thể làm mài mòn men răng đồng thời khiến nướu cũng bị tổn thương và chảy máu. Tốt nhất, chỉ nên dùng lực vừa phải, khi chải răng nếu thấy đau thì nên giảm bớt.
Sử dụng kết hợp chỉ nha khoa, máy tăm nước để làm sạch các thức ăn còn mắc trong kẽ răng.
Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch y tế chuyên dụng để đảm bảo khoang miệng sạch sẽ hoàn toàn.
Khám và lấy cao răng định kỳ để đảm bảo cho răng luôn được khỏe mạnh và kịp thời xử lý những vấn đề mới bắt đầu.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.