Vi khuẩn E. coli xâm nhập vào cơ thể có thể gây nhiều triệu chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Ngày 22/10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo một đợt bùng phát bệnh nhiễm vi khuẩn E. coli do ăn bánh mì kẹp thịt Quarter Pounders của McDonald's đã làm ít nhất 75 người ở 13 tiểu bang mắc bệnh.
22 người phải nhập viện và hai người mắc hội chứng tan máu tăng urê huyết, biến chứng nghiêm trọng có thể gây suy thận vĩnh viễn hoặc nguy hiểm tính mạng.
Theo các quan chức y tế liên bang, mặc dù có nhiều loại vi khuẩn E. coli vô hại, 6 loại có thể gây tiêu chảy, bao gồm O157:H7 (chủng liên quan đến vụ việc McDonald's).
Dưới đây là những điều cần biết về loại vi khuẩn nguy hiểm này và cách phòng ngừa chúng.
Triệu chứng điển hình khi nhiễm E. coli
Theo NBC, Escherichia coli là loại vi khuẩn lây lan qua phân và có thể làm ô nhiễm thực phẩm, có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng. E. coli sản sinh độc tố Shiga (STEC). Nhiễm trùng STEC ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn từ 65 tuổi trở lên, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Theo CDC, các triệu chứng của vi khuẩn E. coli thường xuất hiện 3-4 ngày sau khi ăn phải, nhưng cũng có thể lên tới 10 ngày. Khi xâm nhập cơ thể người bệnh, E. coli sẽ bám vào bên trong ruột và tạo ra chất độc giết chết các tế bào lót ruột. Điều này gây viêm ruột, dẫn đến tiêu chảy ra máu sau 1-3 ngày.
Bệnh cũng có thể gây sốt nhẹ. Tiêu chảy nặng và viêm ruột có thể dẫn đến mất nước và đau bụng. Ở những bệnh nhân dễ bị tổn thương, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Chủng O157:H7 liên quan vụ ngộ độc của McDonald's cũng có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm gọi là hội chứng tan máu tăng urê (HUS), tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, dẫn đến phá hủy hồng cầu và tổn thương thận. Các tế bào tham gia đông máu cũng bị phá hủy, dẫn đến dễ bị bầm tím. Các triệu chứng của HUS bao gồm từ máu trong nước tiểu và sưng chân cho đến co giật và nguy hiểm tính mạng.
Tiêu chảy là triệu chứng điển hình khi bị nhiễm khuẩn E. coli. Ảnh minh họa: Freepik. |
E. coli xâm nhập thực phẩm bằng cách nào?
Giáo sư Donald Schaffner, chuyên gia khuyến nông và chủ tịch khoa Khoa học Thực phẩm tại Đại học Rutgers, cho biết: "Thông thường, E. coli có liên quan đến gia súc, nhưng nó cũng được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm rau quả khác".
Theo Giáo sư Schaffner, nếu đó là một loại rau bị ô nhiễm, chẳng hạn hành tây, có thể hành tây được trồng trên cánh đồng gần nơi chăn nuôi gia súc và vi khuẩn E. coli bay vào từ nơi chăn nuôi gia súc. Hoặc, có thể trên cánh đồng đó, họ sử dụng phân gia súc làm phân bón.
Nếu trái cây và rau quả không được làm sạch đúng cách, chúng có thể bị ô nhiễm. Hoặc chúng có thể bị ô nhiễm sau này trong quá trình chế biến. Ví dụ, những người bị nhiễm bệnh không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh có thể lây lan vi khuẩn qua phân còn sót lại trên tay họ.
Tương tự, sau khi thay tã cho trẻ bị nhiễm bệnh, vi khuẩn E. coli trong phân có thể lây lan sang thực phẩm. Khi thực phẩm bị ô nhiễm vào bếp, việc lây nhiễm chéo cũng có thể xảy ra nếu các nguyên liệu được trộn hoặc xử lý không đúng cách.
Vì vi khuẩn E. coli được tìm thấy trong ruột bò, các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng cũng có thể mang vi khuẩn này. Tương tự, nước ép trái cây chưa tiệt trùng có thể mang vi khuẩn nếu chúng được sản xuất từ sản phẩm bị ô nhiễm.
Ngoài ra, còn có nhiều cách khác để bị nhiễm E. coli ngoài thực phẩm. Nước chưa được xử lý có thể mang vi khuẩn E. coli. Nước hồ bơi cũng có thể mang vi khuẩn nếu người bị nhiễm bệnh mới bơi trong hồ bơi. Những người không rửa tay sau khi đi vệ sinh cũng có thể truyền vi khuẩn sang các bề mặt hoặc trực tiếp sang người khác.
Nếu trái cây và rau quả không được làm sạch đúng cách, chúng có thể bị nhiễm E. coli và lây lan sang cho người. Ảnh minh họa: Freepik. |
Cách để tránh nhiễm khuẩn E. coli
Mặc dù việc rửa sản phẩm tươi sống giúp giảm thiểu rủi ro, không thể loại bỏ hết vi khuẩn E. coli. Đó là vì vi khuẩn có thể ẩn náu trong những kẽ hở nhỏ mà nước không thể chạm tới. Cách duy nhất để đảm bảo thực phẩm an toàn khỏi vi khuẩn E. coli là đun nóng kỹ thực phẩm đến nhiệt độ bên trong trên 71,1 độ C để tiêu diệt vi khuẩn.
Prashant Singh, nhà vi sinh vật học an toàn thực phẩm tại Đại học bang Florida, cho biết 70% các vụ bùng phát hoặc nhiễm trùng do thực phẩm xảy ra do đi ăn ngoài chứ không phải ở nhà, đồng thời khuyến nghị mọi người nên phụ thuộc vào việc nấu ăn tại nhà như một nguồn lây nhiễm ít có khả năng hơn vì họ có thể theo dõi nhiệt độ nấu nướng.
Ngoài ra, tránh dùng sữa và nước trái cây chưa tiệt trùng vì chúng có thể bị nhiễm độc. Vệ sinh tốt là nền tảng để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn E. coli. Việc rửa tay đúng cách của bất kỳ ai chuẩn bị thức ăn là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây truyền của vi khuẩn.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.