Sóng nhiệt bao phủ Washington và Oregon (Mỹ) và năm 2021 đã khiến 600 người phải nhập viện. Đợt nắng nóng mùa hè năm ngoái ở Phoenix - với nhiệt độ lên tới mức 43 độ C trong 31 ngày liên tiếp - là nguyên nhân lớn dẫn đến 645 ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở Maricopa vào năm 2023.
Trong những năm bình thường, số người Mỹ tử vong vì nắng nóng nhiều hơn là do bão, lốc xoáy và lũ lụt cộng lại. Tuy nhiên người dân, phương tiện truyền thông và các chính trị gia nhanh chóng quên đi thảm họa do nhiệt độ, dù chúng xảy ra ngày càng thường xuyên.
Các chuyên gia cho rằng người ta dễ quên đi sự nguy hiểm của thảm họa nắng nóng một phần bởi chúng không được đặt tên riêng. Điều này khác hẳn với những cơn bão lớn khi chúng đều có tên - thông qua đó, các câu chuyện gắn liền với chúng được lan truyền và tăng mức độ quan tâm, đề phòng.
Đã đến lúc đặt tên cho các đợt nắng nóng?
Theo New York Times, dường như chúng ta muốn phớt lờ sự tàn khốc mà nhiệt độ cực cao tác động tới con người. Nhưng sự phủ nhận đó chỉ khiến con người dễ bị tổn thương hơn trước nhiều mùa hè nóng nực sắp tới.
Từ năm 1999 đến 2023, số ca tử vong do nắng nóng ở Mỹ đã tăng gấp đôi. Khi hành tinh nóng lên, các đợt nắng nóng gây tử vong trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, một nhu cầu cấp thiết là phải làm cho sự nguy hiểm của nhiệt độ cao được mọi người chú ý và quan tâm hơn.
Có một giải pháp ít tốn kém và đầy hứa hẹn được đề xuất đó là đặt tên cho các đợt nắng nóng lớn, gán biệt danh cho mỗi sự kiện có khả năng gây thảm họa và công khai thừa nhận rằng nắng nóng khắc nghiệt đang thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Các chuyên gia cho rằng đặt tên cho các đợt nắng nóng sẽ thu hút sự chú ý và nâng cao nhận thức của công chúng, chính quyền. |
Đặt tên cho các hệ thống thời tiết nguy hiểm khó có thể là một ý tưởng mang tính cách mạng.
Thế giới đã làm như vậy đối với các cơn bão nhiệt đới và cuồng phong, và biện pháp đó có hiệu quả rất lớn. Các nhà dự báo thời tiết Mỹ bắt đầu truyền thống đặt tên vào năm 1953, với hy vọng cải thiện thông tin liên lạc công cộng và giảm nguy cơ nhầm lẫn khi nhiều cơn bão xuất hiện cùng một lúc.
Đó có thể là mục tiêu ban đầu của việc đặt tên cho các cơn bão, nhưng tác động của chúng còn sâu sắc hơn nhiều. Những cái tên đã giúp tạo nên một câu chuyện xung quanh mỗi cơn bão lớn.
Nhiều thế hệ nhà nhân chủng học đã chứng minh rằng việc đặt tên không chỉ cho con người mà còn cho cả vật nuôi, địa điểm và đồ vật quý giá có thể truyền tải thông điệp cho thế giới.
Khi một đồ vật được đặt tên theo con người, hành động nhân cách hóa đó sẽ nâng cao tầm quan trọng xã hội của nó. Nó mời gọi chúng ta phát triển các mối quan hệ phức tạp hơn và có tình cảm sâu sắc hơn với những thứ vốn có thể mơ hồ và chung chung.
Hãy so sánh sự khác biệt giữa những cái tên, chẳng hạn "Bão vùng Vịnh 2005" với "Bão Katrina"; hoặc "Bão Bắc Đại Tây Dương 2012" với "Siêu bão Sandy". Một bên nghe giống như một sự liệt kê trên bảng tính, cái còn lại giống tên người lại gợi ra một sự kiện mang tính thời đại.
Việc đặt tên cho một hệ thống thời tiết khắc nghiệt cũng giúp chúng ta nhận ra nó là kẻ thù và huy động sự ủng hộ cho các dự án công cộng để chống lại các cơn bão trong tương lai.
Các cơn bão được đặt tên riêng, như Yagi. |
Ví dụ, sau cơn bão Sandy, người dân và các quan chức quan tâm đến biến đổi khí hậu đã sử dụng những câu chuyện từ cơn bão để giúp thuyết phục các nhà lập pháp đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng mới, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo và hệ thống quản lý lũ lụt đóng vai trò như cơ sở hạ tầng xã hội.
Nhưng các đợt sóng nhiệt lại hiếm khi truyền cảm hứng cho loại hành động chính sách đó, bởi vì công chúng không thể phân biệt được đợt nắng nóng này với đợt nắng nóng kia, ngay cả khi họ đã trải qua chúng.
So với các cơn bão, sóng nhiệt đã phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để được chú ý, một phần vì nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nắng nóng không phải là người giàu, mà là những người yếu thế nhất: người già, người bị cô lập, người nghèo và cư dân bị phân biệt chủng tộc ở các khu phố đô thị nghèo đói.
"Kẻ giết người" không có tên
Sóng nhiệt là kẻ giết người thầm lặng và vô hình. Nó thường không tạo ra được loại hình ảnh ngoạn mục được đưa lên truyền hình giờ vàng hoặc trang nhất của một tờ báo.
Chúng ta đều đã thấy thời sự đưa tin 24/7 về một cơn bão đang đến gần, được minh họa bằng bản đồ vệ tinh mã màu, các bản tin trực tiếp từ bờ biển có gió giật và những cảnh báo nghiêm khắc về mối nguy hiểm sắp xảy ra.
Sóng nhiệt không nhận được sự chú ý lớn như vậy. Thay vì truyền tải sự kịch tính và nguy hiểm, hầu hết câu chuyện về nhiệt độ cao đều giống như các thông báo khô khan.
Hơn nữa, sóng nhiệt không gây ra đủ thiệt hại về tài sản để khiến Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang.
Các nhóm môi trường, lao động và chăm sóc sức khỏe đã kiến nghị FEMA bắt đầu phân loại nhiệt độ cực cao là thảm họa lớn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do đó, chính quyền tiểu bang và địa phương không được hưởng các quỹ cứu trợ giúp họ chuẩn bị và ứng phó với đợt nắng nóng.
Các đợt nắng nóng ngày càng phổ biến và nguy hiểm. |
Khi một cơn bão sắp đến, các thống đốc được kỳ vọng sẽ ở lại tiểu bang của mình để chỉ đạo ứng phó. Nhưng trong đợt nắng nóng lớn ở Chicago năm 1995, ước tính có 739 người tử vong chỉ trong một tuần nắng nóng gay gắt, thị trưởng và ủy viên y tế của bang này đã đi nghỉ để thoát khỏi thời tiết ngột ngạt.
Điều tương tự đã xảy ra trên khắp châu Âu vào năm 2003, khi các quan chức từ một số quốc gia đi nghỉ trong đợt nắng nóng cực kỳ nguy hiểm. Nếu những đợt nắng nóng đó có tên và được công khai công nhận là một cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo có thể đã bị gây áp lực phải ở lại để quản lý ứng phó, và thậm chí có thể cứu sống nhiều người.
Ngày nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những mùa hè nắng nóng kỷ lục liên tiếp, đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới.
Các nhà khí tượng học vẫn đang tranh luận liệu việc đặt tên cho các đợt nắng nóng có phải là đúng đắn hay không. Tổ chức Khí tượng Thế giới, đơn vị giám sát việc đặt tên cho các cơn bão, phản đối ý tưởng này vì lo ngại rằng nó có thể không hiệu quả hoặc thậm chí phản tác dụng bằng cách chuyển hướng sự chú ý khỏi "những thông điệp quan trọng nhất, đó là: ai đang gặp nguy hiểm và cách ứng phó".
Nhưng giờ là lúc các cơ quan khí tượng và chính phủ bắt đầu tạo ra các tiêu chuẩn như vậy. Trong những năm gần đây, nhiều thành phố ở Hy Lạp và Tây Ban Nha đã thí điểm các chương trình xếp hạng các đợt nắng nóng và đặt tên cho những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất.
Một nghiên cứu cho thấy những người ở Seville, Tây Ban Nha nhớ tên một đợt nắng nóng năm 2022 có nhiều khả năng thực hiện các biện pháp an toàn trước đợt nắng nóng tiếp theo.
Mặc dù chắc chắn cần nhiều nghiên cứu hơn, các kết quả trên cho thấy rằng việc thiết kế một hệ thống đặt tên cho các đợt nắng nóng là khả thi và những rủi ro không nên cản trở việc cải thiện tình trạng hiện tại vốn đã thảm khốc.
Ít nhất, nên khuyến khích các tiểu bang và thành phố ở Mỹ thử nghiệm đặt tên cho các hệ thống thời tiết nóng nguy hiểm, để có thể đo lường cách các cơ quan chính phủ, nhà báo và người dân bình thường phản ứng.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.