Trò chuyện với con từ lúc sơ sinh: Người có kỹ năng giao tiếp tốt thường có nhiều cơ hội để thành công. Đây cũng là tố chất cần thiết để trở thành lãnh đạo. Các nhà nghiên cứu tại ĐH Iowa, Mỹ, cho biết trẻ có thể giao tiếp từ lúc 6-8 tháng tuổi. Nghiên cứu chung của MIT, ĐH Harvard và Pennsylvania chỉ ra rằng trẻ giao tiếp thường xuyên sẽ có phần não bộ liên quan ngôn ngữ phát triển hơn so với trẻ ít nói chuyện. Do đó, việc trò chuyện với con từ lúc sơ sinh không chỉ giúp con nâng cao năng lực ngôn ngữ, mà còn phát triển não bộ. Ảnh: Getty. |
Hướng dẫn trẻ sử dụng thiết bị điện tử khoa học: Việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều ảnh hưởng đến cơ hội thành công, biểu hiện cụ thể qua kết quả học tập kém, chứng béo phì, năng lực giao tiếp hạn chế. TS Peter M. Vishton, Giám đốc chương trình Khoa học Phát triển thuộc Quỹ Khoa học Quốc gia (Mỹ), cho hay TV không độc hại nhưng nếu dành nhiều thời gian cho nó, trẻ mất đi chừng đó quỹ thời gian để làm những việc kích thích sự phát triển. Ảnh: AdobeStock. |
Đảm bảo con ngủ đủ giấc: Các nhà khoa học cho rằng số giờ ngủ cũng như việc sắp xếp thời gian ngủ ảnh hưởng thành công sau này của trẻ. Nghiên cứu của TS Tâm lý Rebecca Gomez (ĐH Arizona) phát hiện những đứa trẻ chợp mắt trong vòng 4 giờ sau khi học một từ mới hay cấu trúc ngữ pháp mới thường dễ khái quát lại kiến thức hơn vào ngày hôm sau. Ở 18 tháng tuổi, trẻ có thể áp dụng quy tắc để hình thành các câu mới nếu có giấc ngủ ngắn sau khi học, điều mà trẻ không làm được nếu vẫn thức. Nói chung, giấc ngủ là thời gian để trẻ ôn lại những gì đã học. Lúc mới đi học, trẻ cần ngủ 9-11 tiếng mỗi ngày để học tập hiệu quả nhất. Ảnh: iStock. |
Dạy con coi trọng quá trình phấn đấu: Lauren Schell, Hiệu trưởng trường Holy Redeemer Catholic (Georgia, Mỹ), nhận thấy những đứa trẻ coi trọng quá trình học tập thường dễ thành công. “Trẻ em thường thích nhanh chóng đạt điểm cao nhưng kết quả học tập tốt đòi hỏi nỗ lực bền bỉ. Phụ huynh cần giúp con trưởng thành từ quá trình phấn đấu", bà nói. Bà gợi ý cha mẹ có thể giúp con xây dựng thời gian biểu, đặt ra các mục tiêu để con hiểu giá trị của kỹ năng quản lý thời gian và tính kiên trì. Khi nhìn thấy phần thưởng cho sự nỗ lực, trẻ sẽ hình thành lòng quyết tâm để vượt qua khó khăn, theo đuổi mục tiêu. Ảnh: Scholastic. |
Khuyến khích trẻ chơi trò đóng vai: Đây là trò chơi quen thuộc của trẻ nhỏ. Các bé có thể chơi đồ hàng hay tưởng tượng ra người bạn mới. Theo TS Vishton, trò chơi này giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo, năng lực giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ảnh: iStock. |
Xây dựng hệ thống hỗ trợ tại trường: Giáo viên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ cả về mặt kiến thức lẫn lối suy nghĩ cũng như việc đặt mục tiêu cho tương lai. Do đó, nếu phụ huynh có thể xây dựng được mối quan hệ để con nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ nhà trường, họ sẽ cùng giáo viên thúc đẩy con tiến bộ qua từng lớp học, thành công hơn sau này. “Kỹ năng của giáo viên, khả năng nắm bắt tính cách, điểm mạnh của con mà phụ huynh có được là sự kết hợp tuyệt vời, mang lại lợi ích cho trẻ”, Hiệu trưởng Lauren Schell khẳng định. Ảnh: Getty. |