Khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2 đến 3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Ảnh: Pexels. |
Nồng độ cồn trong máu (BAC - Blood Alcohol Content) là chỉ số được dùng để đo lường lượng cồn (ethanol) có trong máu.
Theo bác sĩ Hoàng Hà Linh, Chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nồng độ cồn trong máu giảm xuống khoảng 0,015% mỗi giờ. Điều này đúng với hầu hết trường hợp, bất kể cân nặng, chiều cao, tuổi tác hay những yếu tố khác.
Hiểu một cách đơn giản, đây là tốc độ cơ thể chúng ta có thể chuyển hóa chất cồn và loại bỏ nó ra khỏi các cơ quan trong cơ thể.
Có hai phương pháp đo nồng độ cồn phổ biến gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
Đây là phương pháp có thể phát hiện rượu rất lâu sau khi chúng ta uống lần cuối. Thông qua xét nghiệm nước tiểu, các chuyên gia có thể kiểm tra dấu vết của chất chuyển hóa rượu.
Xét nghiệm nước tiểu trung bình có thể phát hiện rượu trong vòng 12 giờ sau khi uống. Tuy nhiên, thử nghiệm tiên tiến hơn có thể đo nồng độ cồn trong nước tiểu lên tới 24 giờ sau khi uống.
- Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở
Đây là phương pháp phổ biến thường được cảnh sát giao thông áp dụng. Kiểm tra qua hơi thở có thể phát hiện nồng độ cồn trong khoảng thời gian ngắn hơn, khoảng 4-6 giờ.
Cũng theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thời gian để cơ thể âm tính với nồng độ cồn sau khi uống rượu bia không chỉ phụ thuộc vào lượng tiêu thụ mà còn ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau một giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết một đơn vị cồn (tương đương với 2/3 lon bia 330 ml nồng độ 5%, 100 ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30 ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%).
Như vậy, khi uống một đơn vị cồn, người khỏe mạnh phải mất từ 2 đến 3 giờ, cơ thể mới trở về trạng thái bình thường. Những người có chức năng gan suy yếu hoặc cơ thể chuyển hóa chậm, thời gian sẽ lâu hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay thời gian từ lúc uống bia rượu đến lúc cơ thể âm tính với nồng độ cồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm:
- Lượng rượu, nồng độ rượu tiêu thụ: Người uống càng nhiều thì nồng độ cồn trong máu càng cao. Hấp thu nhanh nhất là rượu 20 độ.
- Thời điểm uống rượu: Cơ thể càng đói hấp thu rượu càng nhanh. Khi có thức ăn, quá trình hấp thu chậm hơn.
- Người uống kéo dài, triền miên, rượu tồn tại trong cơ thể lâu hơn.
- Một số trường hợp cá biệt phụ thuộc vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian chuyển hóa nồng độ cồn.
Bác sĩ Nguyên cũng nhấn mạnh thời gian chuyển hóa nồng độ cồn trong mỗi cơ thể là khác nhau. Vì vậy, không ai biết chắc chắn thời gian bao lâu thì rượu sẽ âm tính trong máu.
Người dân phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước, đến tối hôm sau vẫn còn dương tính cồn trong máu và hơi thở.
Làm thế nào để xua tan cơn giận dữ hay nỗi sợ hãi? Điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ hay nên đi ngủ vào thời gian nào? Nhằm nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho bạn đọc, Znews giới thiệu cuốn Yang sheng: Chữa lành cơ thể, làm đẹp tâm hồn của tác giả Katie Brindle.
Cuốn sách hướng dẫn bạn đọc những kỹ thuật để khai thác hiệu quả việc sử dụng hơi thở cũng như nụ cười, chiếc lược, lòng bàn chân… để thư giãn và tự chữa lành những tổn thương trong cơ thể về mặt thể chất lẫn tinh thần.