Trung Quốc đang xem xét quy định mới yêu cầu các nhà hàng phải cử "người thuyết phục" nhằm nhắc nhở thực khách không gọi món quá nhiều, tránh để thừa thức ăn, theo Sixth Tone.
Dựa trên bản dự thảo của luật chống lãng phí thực phẩm của Trung Quốc được công bố vào tháng 12/2020, Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân thành phố Bắc Kinh đã công bố dự thảo quy định riêng hôm 15/3.
Theo đó, trách nhiệm chống lãng phí thực phẩm chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp, bao gồm nhà hàng, nền tảng giao hàng, trang web livestream - nơi phổ biến trào lưu ăn thùng uống vại mukbang.
Các nhà hàng phải chịu trách nhiệm nếu thực khách lãng phí thức ăn. |
Nếu dự thảo được thông qua, các doanh nghiệp vi phạm, chẳng hạn như tích cực khuyến khích khách gọi quá nhiều món, sẽ bị cơ quan giám sát thị trường cảnh cáo trong lần đầu, nếu tái phạm sẽ bị phạt 10.000 NDT (1.540 USD).
Các quy định mới làm dấy lên cuộc thảo luận trên mạng xã hội Weibo. Nhiều người cho rằng thay vì chỉ tập trung vào vấn đề lãng phí, các nhà hoạch định chính sách cũng nên quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm.
"Thịt giả, hải sản giả thường được phục vụ tại các nhà hàng buffet, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe thực khách. Chính phủ nên áp đặt các quy định chặt chẽ hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm thay vì chỉ chống lãng phí", một người bình luận.
Trong khi đó, số khác nhận xét rằng có nhiều biện pháp giảm lãng phí thực phẩm trong những năm gần đây, nhưng vấn đề này dường như vẫn không được giải quyết.
Tháng 10/2020, “chống lãng phí và trân trọng thực phẩm” được viết trong bản sửa đổi luật bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc.
Còn theo dự thảo luật chống lãng phí thực phẩm được đệ trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc vào ngày 22/12, "các video quay cảnh con người ăn nhiều thức ăn một cách vô lý" có thể sớm bị coi là bất hợp pháp.
Không lâu trước đó, chính phủ Trung Quốc công bố chiến dịch "Clean Plate 2.0" trên toàn quốc. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chiến dịch một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm và hạn chế lãng phí.
Một hiệp hội ăn uống ở thành phố Vũ Hán đã đề xuất quy tắc "N-1", theo đó các nhóm khách chỉ được phép đặt món bằng số thực khách trừ đi một.
Theo Chen Shaofen, nhà nghiên cứu chiến lược phát triển bền vững tại Học viện Khoa học Trung Quốc, đất nước tỷ dân tạo ra gần 1/3 lượng rác thải thực phẩm trên thế giới, tương đương khoảng 135 triệu tấn/năm.