Vào một ngày mùa xuân đẹp trời tại Amsterdam, những người quan tâm đến xe hơi được mời vào trong một nhà xưởng bí mật, dưới ánh đèn lung linh cùng nhau nhâm nhi những ly cocktail của Lynk & Co, nơi họ chính thức ra mắt chiếc SUV hybrid mới.
Đây có vẻ chỉ là một màn ra mắt bình thường nếu nó không đánh dấu tham vọng khổng lồ của ngành sản xuất ôtô Trung Quốc. Lần đầu tiên, một nhãn xe Trung Quốc sẽ được sản xuất tại Tây Âu, bán tại thị trường này với tham vọng vươn tới các showroom tại Mỹ.
Mẫu xe concept của Nio - một trong 4 nhà sản xuất nuôi tham vọng gia nhập thị trường xe hơi Mỹ trong năm nay. Ảnh: Bloomberg. |
Đó là kế hoạch của tỷ phú Li Shufu, người sáng tạo ra tập đoàn Geely từ những năm 1980 khi còn là thợ sửa tủ lạnh. Hiện tại, tập đoàn của ông sở hữu Volvo Cars, Lotus, London Black Cabs và lượng cổ phần lớn nhất tại Daimler AG - công ty sáng tạo ra ôtô. Li là đại diện cho tham vọng của ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc, muốn vươn mình sánh ngang 3 ông lớn thế giới gồm Mỹ, Đức và Nhật Bản.
“Tôi muốn cả thế giới nghe thấy âm thanh tạo ra bởi Geely và những chiếc xe made-in China khác”, Li nói với Bloomberg. “Giấc mơ của Geely là trở thành một công ty toàn cầu. Để làm được điều đó, chúng tôi phải ra khỏi biên giới Trung Quốc”.
Li không đơn độc trong cuộc chơi này. Ít nhất 4 nhà sản xuất ôtô Trung Quốc và 3 start-up do người Trung Quốc sở hữu là SF Motors, NIO và Byton có kế hoạch bán xe tại Mỹ vào năm sau. Cùng thời điểm, BYD đang phát triển xe bus điện tại California, Baidu hợp tác với Microsoft, TomTom và Nvidia phát triển nền tảng xe tự lái, TuSimple thử nghiệm xe tự lái tại Arizona.
“Vị trí của họ đang tốt hơn bao giờ hết”, Anna-Marie Baisden - trưởng bộ phận nghiên cứu về ôtô của BMI Research - nói về các hãng xe hơi Trung Quốc. “Họ có nhiều thời gian làm việc với các nhà sản xuất quốc tế và trở nên trưởng thành hơn rất nhiều”.
Bên trong nhà máy của London EV, công ty sản xuất những chiếc taxi sử dụng tại London do Geely sở hữu. Ảnh: Bloomberg. |
Người ta đã thấy cảnh tượng tương tự từ Trung Quốc - trong ngành công nghiệp smartphone. Quốc gia này tận dụng giai đoạn chuyển giao công nghệ từ điện thoại cơ bản sang smartphone để thống trị ngành công nghiệp sản xuất, gây khó khăn lớn cho các công ty từ Phần Lan, Mỹ, Nhật Bản.
Năm ngoái, 3 trong số 5 hãng smartphone lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc, theo Gartner.
Với thị trường xe hơi, mọi chuyện sẽ diễn ra chậm hơn do yếu tố trung thành với thương hiệu cực kỳ nặng. Làm cách nào một hãng sản xuất Trung Quốc thuyết phục người Mỹ từ bỏ chiếc bán tải Ford F-150 hoặc người Tokyo bỏ xe Toyota?
“Các hãng xe Trung Quốc muốn đánh chiếm thế giới nhưng họ cần những gì?, Doug Betts - Phó chủ tịch tại J.D. Power đặt câu hỏi. “Đâu là lý do để mua xe hơi của họ?”
Xe hơi Trung Quốc có thể cạnh tranh trực tiếp hơn với xe Nhật và Hàn Quốc, theo Bob Lutz, Phó chủ tịch đã nghỉ hưu của GM. Người tiêu dùng Mỹ rất thích các sản phẩm châu Á.
Cách đây vài thập kỷ, Hyundai Motor bị đá khỏi Mỹ vì động cơ dễ vỡ và thân máy bị rỉ sét. Hiện tại, họ là một trong 5 nhà sản xuất lớn nhất thế giới, bán khoảng 1,25 triệu xe tại Mỹ vào năm ngoái, theo Bloomberg Intelligence. Họ cũng có nhà máy tại Alabama và Geogia.
Chủ tịch của Geely - Li Shufu - muốn biến Trung Quốc thành một cường quốc xe hơi. |
“Cần phải đánh giá chuẩn xác sự cạnh tranh từ các hãng Trung Quốc”, Matthias Mueller, cựu CEO của Volkswagen nói. “Tôi đến Trung Quốc lần đầu năm 1989 và sự phát triển ở đó thực sự ấn tượng”.
Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên ngành công nghiệp ôtô không chỉ dừng ở việc họ đặt nền móng tại châu Âu và Mỹ. Họ cũng đang thâu tóm các nhà cung cấp, sản xuất pin cho các mẫu xe điện toàn cầu.
Các công ty Trung Quốc đã công bố khoản đầu tư ít nhất 31 tỷ USD ra nước ngoài trong 5 năm qua, chủ yếu cho việc mua cổ phần của các hãng xe hơi, nhà sản xuất linh kiện, theo Bloomberg.
'Tôi muốn cả thế giới nghe thấy âm thanh tạo ra bởi Geely và những chiếc xe made-in China'
Li Shufu - Chủ tịch Geely
Nhân vật hăng máu nhất chắc chắn là Li Shufu, người bỏ ra gần 13 tỷ USD mua cổ phần của Daimler và Volvo. Tencent Holdings - công ty Internet lớn nhất châu Á - bỏ ra khoảng 1,8 tỷ USD mua 5% cổ phần của Tesla.
Nhận thức được việc phần mềm và hệ thống điện quan trọng không kém gì động cơ chiếc xe, Trung Quốc cho thấy họ không muốn bị bỏ sau ở thị trường này. Baidu, sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, công bố khoản đầu tư 1,5 tỷ USD vào Apollo Fund nhằm tạo ra 100 dự án xe tự lái trong vòng 3 năm tới.
Baidu và Tencent là 2 trong những đối thủ cạnh tranh với Waymo và Uber trong việc phát triển công nghệ tự lái, với mục tiêu đưa vào sản xuất đại trà năm 2021.
Contemporary Amperex Technology Ltd (CATL), đơn vị sản xuất pin cho động cơ điện, đang lên kế hoạch đầu tư nhà máy 1,3 tỷ USD để tạo ra sản lượng lớn hơn Tesla, nhằm giành quyền cung cấp cho GM, Nissan và Audi.
CATL đang là nhà cung cấp của Volkswagen và sở hữu 22% cổ phần của Valmet Automotive Oy, nhà sản xuất hợp đồng cho Mercedes-Benz.
“Việc Trung Quốc nuôi tham vọng về một ngành công nghiệp ôtô mạnh mẽ không có gì bí mật”, Michael Dunne - chủ tịch hãng tư vấn Dunne Automotive tại Hong Kong - nói. “Trung Quốc muốn dẫn đầu và thống trị ngành công nghiệp xe điện”.
Chính phủ Trung Quốc coi xe điện là cơ hội tốt nhất để vươn lên vị trí thống trị thị trường xe hơi. SAIC - hãng xe lớn thứ 2 tại Trung Quốc về sản lượng, đầu tư hơn 20 tỷ tệ vào các phương tiện sử dụng năng lượng mới (NEV), gồm xe điện, xe lai và xe sử dụng pin.
“NEV có thể giúp Trung Quốc trở thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp ôtô”, Hu Xingdou - Giáo sư kinh tế của Viện công nghệ Bắc Kinh - nói.