Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng. Ảnh: Vietnamnet. |
Ngay sau khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành đại học, nhiều ý kiến cho rằng sẽ có tình trạng trường đại học "ồ ạt" chuyển thành đại học. Thông tin một số trường đại học khác như Cần Thơ, Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp TP.HCM, Kinh tế Quốc dân... cũng đang trong lộ trình phê duyệt để lên đại học càng khiến dư luận lo ngại về một "cuộc đua" lên đại học sắp thành hiện thực.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn có trao đổi với VietNamNet về những băn khoăn này.
Đẳng cấp của đại học không thể hiện ở cái tên
- Thưa thứ trưởng, liệu sẽ có một cuộc chạy đua “lên đại học” không, bởi không loại trừ khả năng một số trường muốn chuyển thành đại học chỉ vì cái tên?
- Dù luật khuyến khích các trường mở rộng quy mô, không phải trường nào cũng có khả năng trở thành đại học. Các trường mong muốn phát triển thành đại học đều phải đáp ứng điều kiện căn bản là có quy mô lớn và đạt các điều kiện theo luật. Bên cạnh đó, bộ cũng phải xem xét và thẩm định đề án của các trường…
Ví dụ, bộ cần xem xét trường đó đã thực sự phân cấp, phân quyền hay chưa; điều kiện đào tạo tiến sĩ có thực chất không.
Cụ thể, trường đó phải có năng lực, có đội ngũ GS, PGS, TS đạt số lượng theo yêu cầu. Khi mở ngành, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thẩm duyệt kỹ càng dựa vào nhu cầu, năng lực chứ không thể mở ồ ạt 2-3 chương trình mỗi năm. Một ngành không tuyển sinh được một vài năm theo quy định cũng sẽ phải đóng cửa.
Do vậy, các trường phải tự xác định mô hình, cấu trúc tổ chức để phù hợp nhất với mình thay vì chạy theo quan niệm “phải trở thành đại học”. Đó không phải là cách thức phát triển bền vững.
Thực tế là vẫn sẽ có một số trường theo đuổi đơn ngành và thể hiện xuất sắc vai trò của mình. Ví dụ, các trường nghệ thuật, thể thao - vốn là trường đặc thù - chắc chắn họ sẽ không có ý định phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
- Có ý kiến cho rằng, nhiều trường mong muốn chuyển thành đại học để có vị thế cao hơn, tuyển sinh tốt hơn ?
- Cần khẳng định sự thay đổi từ trường thành đại học không phải chỉ ở tên gọi. Thực chất, đây là sự thay đổi về mô hình tổ chức, xuất phát từ nhu cầu phát triển bên trong của từng cơ sở đào tạo.
Một trường khi lên đại học không có nghĩa vị thế sẽ lên cao hơn. Ví dụ, hiện tại, chúng ta có 3 đại học vùng, nhưng không ai nói đại học vùng có vị thế, đẳng cấp cao hơn cả. Mặt khác, cũng không có gì ưu ái hơn giữa trường đại học và đại học ngoài quyền tự chủ học thuật cao hơn - vốn do năng lực tự chủ của cơ sở đã cao sẵn rồi.
Thực tế cũng cho thấy nhiều cơ sở không phải đại học nhưng quy mô tuyển sinh còn lớn hơn đại học. Các em cũng không lựa chọn vào trường vì đó là đại học hay không.
Do đó, đẳng cấp của một trường không thể hiện ở cái tên mà phải do chính trường đó khẳng định. Và đẳng cấp này phải thể hiện mạnh mẽ ở các kết quả nghiên cứu, kết quả đào tạo, kết quả đóng góp cho cộng đồng, xã hội…
Có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện
- Sẽ có khoảng bao nhiêu trường đạt điều kiện trở thành đại học trong 2-3 năm tới và phương thức hình thành đại học sẽ như thế nào, thưa thứ trưởng?
- Trước hết cần khẳng định nhu cầu chuyển từ trường lên đại học của một số cơ sở đào tạo là có thật và thời gian tới sẽ có 2 phương thức hình thành đại học.
Phương thức thứ nhất là phát huy năng lực nội tại. Theo đó, các trường đại học mạnh, quy mô lớn, đã có sự chuẩn bị sẽ thành lập các trường thành viên để thiết lập hệ thống trường trực thuộc.
Phương thức còn lại là các trường đơn ngành, quy mô nhỏ sẽ tự liên kết sáp nhập với nhau thành một trường lớn, xuất phát từ mục tiêu sứ mệnh chung. Hoặc các tập đoàn giáo dục lớn sẽ "thâu tóm" những trường nhỏ lẻ để gom thành một "tổ hợp" trường để lên đại học.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học vẫn phổ biến các trường đào tạo đơn ngành, quy mô nhỏ, cần khuyến khích các trường liên kết thành đại học. Việc liên kết sẽ giúp giảm đầu mối, tập trung tìm được đội ngũ lãnh đạo quản lý phù hợp; tránh trường hợp một số trường cùng mục tiêu, sứ mệnh nhưng cạnh tranh với nhau không cần thiết.
Tuy nhiên, việc liên kết này phải dựa trên sự tự nguyện thay vì cơ học. Và việc liên kết như thế nào, liên kết có thực sự mang lại hiệu quả không cũng phải được bộ thẩm định rất kỹ.
Thời gian tới, tôi cho rằng sẽ không nhiều trường đại học có khả năng và mong muốn trở thành đại học. Từ nay đến năm 2025, có thể khoảng 5-7 trường đạt điều kiện. Và Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định rất kỹ càng.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên