Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sẽ điều chỉnh bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa

Đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới sách giáo khoa khẳng định, chương trình sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới.

Ngày 31/3/2016, UNESCO tại Việt Nam thông báo về dự án "Sáng kiến bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái ở Việt Nam: Trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn".

Bà Trần Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới của UNESCO chia sẻ: "Trong cuốn Tự nhiên xã hội lớp 1, hình vẽ đá bóng, chạy nhảy là các bạn nam, ngồi một góc hoặc quét dọn là bạn nữ. Trong tranh vẽ gia đình, người nghỉ ngơi, đọc báo là bố, còn dọn dẹp, nấu ăn là mẹ. Điều này tạo ra định kiến về giới tính trong nhận thức của học sinh, dẫn đến sự bất bình đẳng giới trong nhà trường, gia đình và xã hội".

Bà khẳng định, sách giáo khoa giữ vai trò quan trọng trong giáo dục và định hướng suy nghĩ của trẻ. Những hình ảnh mang nặng định kiến và bất bình đẳng giới tính như vậy cần có sự thay đổi.

Binh dang gioi tinh anh 1
Bà Trần Phương Nhung, Giám đốc Chương trình về Giới của UNESCO. Ảnh: Ngân Giang.

Bất bình đằng giới trong sách giáo khoa

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, giảng viên Khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, sách giáo khoa hiện nay có quá nhiều các chi tiết về bất bình đẳng giới.

Theo phân tích 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến 12, trong 8.276 nhân vật trong nội dung văn bản, nam giới chiếm tới 69%, nữ giới chỉ có 24%.

Những ví dụ trong sách giáo khoa về các nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nhân vật nam.

Nghề nghiệp các nhân vật trong sách giáo khoa cũng không có sự cân bằng khi nam giới có nghề nghiệp cụ thể, đa dạng và đều là những công việc xuất hiện ở không gian công cộng, xã hội như bác sĩ, nhà khoa học, giáo sư, kỹ sư, họa sỹ, bộ đội, công an… Trong khi đó, nữ giới đa phần làm những công việc đơn giản, xuất hiện trong không gian gia đình như nhân viên, nội trợ…

Ông đưa ví dụ, sách Ngữ văn lớp 10 có tới 2 đoạn nàng Kiều than thân, gây ra cái nhìn nặng nề, tăm tối về thân phận phụ nữ. Hình tượng Người con gái Nam Xương, Mị (Vợ chồng A Phủ), người đàn bà làng chài (Chiếc thuyền ngoài xa)... cũng có số phận buồn, thể hiện sự bất công trong xã hội.

Ngoài ra, ca dao, tục ngữ trong chương trình học cũng đề cập nhiều số phận kém may mắn, đau khổ của người phụ nữ. 

Cũng theo ông Thịnh, sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 và 3 chỉ có 9 trên tổng số 61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến,  là phụ nữ. Sách Giáo dục Công dân lớp 9, nữ nhân vật xuất hiện trong 5/20 trường hợp, nam nhân vật xuất hiện 15/20.

Nhiều môn học khác, hay thậm chí các thầy cô giáo cũng có định kiến giới, như: phụ nữ nhẹ nhàng, nhạy cảm và giỏi hơn nam giới trong chăm sóc trẻ em và nhà cửa; họ yếu hơn đàn ông, không thông minh, không có quyền hạn.

Ông Trần Kim Tự, Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT) cho rằng: "Trong giáo dục, dù không hề có quan điểm nói về phân biệt giới và luôn tôn trọng bình đẳng giới, tuy nhiên, ở đâu đó, trong tình huống nào đó vẫn có những hình ảnh phân biệt hoặc bất bình đẳng".

Sẽ điều chỉnh trong chương trình mới

Theo bà Sun Lei, cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, dự án của UNESCO sẽ lồng ghép bình đẳng giới vào học và dạy, phát hiện và loại bỏ những định kiến và và khuôn mẫu giới khỏi chương trình và sách giáo khoa, giúp giải quyết vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới và phân biệt đối xử trong trường học.

Bà Sun Lei, Cán bộ phụ trách Văn phòng UNESCO phát biểu về bình đẳng giới.

Còn bà Phương Nhung chia sẻ: "Sáng kiến giúp nâng cao năng lực của ngành giáo dục trong bình đẳng giới, tăng cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em và phụ nữ, bao gồm cả trẻ em gái và phụ nữ trong hoàn cảnh khó khăn và dễ tổn thương".

Ông Ngô Kim Khôi, đại diện Ban soạn thảo và Đổi mới Sách giáo khoa khẳng định, chương trình sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ được lồng ghép và tăng cường yếu tố nhận thức giới, bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới tính.

Nằm trong Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Bá Thịnh cho biết, các nhân vật nữ sẽ được thay đổi, không nghiêng về hình tượng người phụ nữ đau khổ, than thân trách phận nữa.

"Trích đoạn nàng Kiều than thân sẽ thay bằng nàng Kiều xử án. Các câu ca dao tục ngữ sẽ tươi sáng, thể hiện sự đóng góp của phụ nữ vào xã hội hơn.

Sắp tới, tỷ lệ nam - nữ xuất hiện trong cuốn sách giáo khoa sẽ cân bằng hơn, giảm thiểu suy nghĩ chỉ có nam giới mới làm những việc lớn. Việc này sẽ giúp tháo gỡ và giảm thiểu những sự bất công giới tính trong giáo dục", ông Thịnh nói.

Cuốn sách mới sẽ nhấn mạnh vai trò của phụ nữ như những người làm kinh tế, đồng thời khẳng định, nhấn mạnh sự đóng góp của nữ giới trong sự nghiệp, vai trò hiện tại và tương lai của họ trong xã hội; không nhấn mạnh vai trò “kép” của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Theo báo cáo của UNESCO tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh nữ tham gia ở cấp tiểu học và THCS thấp hơn tỷ lệ học sinh nam, nhất là ở các vùng nghèo và vùng dân tộc thiểu số.

Học sinh nam có nhiều cơ hội quay trở lại học tiếp hơn học sinh nữ. Tỷ lệ trẻ em gái ở các tỉnh miền núi đi học còn thấp, chủ yếu là các em phải ở nhà giúp gia đình, trường nội trú ở quá xa nhà và một vài nơi vẫn còn tục lệ lấy chồng sớm.

Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục ngay trong gia đình

Theo số liệu của Bộ Công an, 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng. Một thống kê khác cho biết có học sinh bị xâm hại tình dục 14 lần.

Ngân Giang

Bạn có thể quan tâm