Bất chấp nhiều khuyến nghị của chính phủ về chuyện làm việc tại nhà trong thời gian dịch bệnh và áp dụng lệnh phong tỏa, một số nhân viên tại Đức vẫn bị sếp, quản lý ép đến văn phòng như bình thường, theo Vice.
Họ phải lựa chọn giữa mạo hiểm sức khỏe, tính mạng của mình và nghe theo yêu cầu của sếp, cố gắng giữ vị trí công việc. Nhiều người thừa nhận họ cảm thấy lo ngại khi phải rời nhà đến công ty.
![]() |
Nhiều nhân viên tại Đức kể lại trường hợp họ bị sếp bắt đến văn phòng làm việc giữa phong tỏa, không cho làm việc tại nhà. |
Mia (24 tuổi, quản lý hồ sơ hành chính)
Mia có thể làm việc trên máy tính cả ngày, nhưng thỉnh thoảng cần đến phòng lưu trữ hồ sơ. Để tránh nguy cơ lây nhiễm, chỉ có một người trong phòng lưu trữ để tra cứu tệp theo nhu cầu của các nhân viên khác.
Dù các chồng hồ sơ này có thể số hóa song sếp của Mia không chịu thực hiện phương án này. "Cấp trên nói chúng tôi không thể làm việc ở nhà", cô nói.
Trong thời gian dịch bệnh, Mia chia sẻ văn phòng với 3 người khác. Công ty cũng không chịu cung cấp khẩu trang hay nước rửa tay khử trùng. Mất nhiều công đấu tranh, Mia mới được chuyển sang văn phòng riêng, chỉ mình cô ngồi.
Các nhân viên khác cũng không tuân theo quy tắc. Một số vẫn ăn trưa theo nhóm trong phòng họp. Nhiều người đi làm có triệu chứng ho, sốt hoặc đến bàn làm việc của Mia mà không đeo khẩu trang.
![]() |
Không gian chật chội là lý do nhiều nhân viên ái ngại khi đến công ty mùa Covid-19. |
Julian (39 tuổi, nhà tuyển dụng)
Sếp của Julian trở về từ chuyến du lịch đến Tyrol (Áo) cùng gia đình và bắt đầu ho khắp văn phòng.
Ngày hôm sau, cấp trên nghỉ việc nhưng người vợ làm cùng vẫn đến công ty như bình thường. Lo sợ, Julian muốn về nhà ngay khi đó.
"Nhưng cô ấy cảnh báo tôi sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu làm vậy", Julian kể lại.
"Nhiều ngày sau, sếp gọi tôi vào văn phòng với lý do phải thảo luận về một dự án khẩn cấp. Chúng tôi không được phép làm việc từ xa. Bàn của mỗi người giờ ở cách xa nhau và chúng tôi có ý thức giữ khoảng cách. Nhưng khi sếp muốn thảo luận điều gì đó, ông ấy lại đến bàn tôi, đứng ngay gần", cô nói.
Leo (31 tuổi, thư ký hành chính công)
Leo làm việc tại một văn phòng hành chính công lớn. Chỉ những nhân viên lớn tuổi hơn mới được phép làm việc tại nhà.
"Tôi nhận thấy nhiều người quản lý không muốn cho nhân viên làm việc từ xa. Họ cho rằng mọi người không làm được nhiều khi ở nhà", Leo cho hay.
Sau một thời gian, nhiều ca dương tính với Covid-19 xuất hiện tại công ty của anh. Từ đó, nhân viên mới được chia ra một nửa làm tại nhà, số còn lại vẫn ở văn phòng.
![]() |
Nhiều lãnh đạo công ty nghĩ làm việc tại nhà không hiệu quả, kém năng suất. |
Một lần vô tình, Leo mới biết sự thay đổi chính sách làm việc đã được đưa ra một khoảng thời gian trước đó nhưng người quản lý cố tình lơ đi.
"Văn phòng quá chật chội, tôi và đồng nghiệp thường không giữ được khoảng cách 2 m tối thiểu. Nếu bạn không muốn ra ngoài ăn trong thời tiết giá lạnh, bạn sẽ ngồi với 5-6 người đàn ông cao to khác trong căn phòng nghỉ rộng khoảng 10 m2", anh cho biết.
"Tôi thấy thật kỳ lạ khi trong thời kỳ dịch bệnh, tôi phải hủy hết mọi cuộc hẹn ăn chơi với bạn bè, hạn chế gặp nhau hết sức có thể. Nhưng ở văn phòng, tôi lại bị nhồi nhét trong không gian kín với một loạt đồng nghiệp", Leo nói.
David (21 tuổi, nhân viên bảo hiểm)
David làm việc tại một văn phòng không gian mở với khoảng 30 người. Anh luôn đeo khẩu trang, che kín gương mặt.
Nhưng người quản lý dường như không quan tâm đến chuyện che mũi, miệng. Cấp trên vẫn đến bàn làm việc của David thảo luận như bình thường.
Đội ngũ nhân viên đã phải lên tiếng yêu cầu lãnh đạo công ty cho phép những nhân viên lớn tuổi được làm việc tại nhà. Sau nhiều cuộc họp bàn, tranh cãi dài, yêu cầu mới được chấp thuận.
Nhưng nhóm nhân viên này vẫn phải có mặt tại công ty trong các cuộc họp hàng tuần - điều mà David miêu tả là khiến nỗ lực bảo vệ bản thân khỏi mầm bệnh trở nên công cốc.
"Các nhân viên đều sử dụng laptop nên có thể dễ dàng chuyển sang làm việc từ xa. Nhưng cấp trên và ban lãnh đạo công ty không nghĩ vậy. Thực tế, tôi có thể tập trung tốt hơn khi ở nhà vì không có nhiều thứ gây xao nhãng xung quanh. Thời gian rảnh rỗi, tôi cũng hiếm gặp ai vì sợ rủi ro", David bày tỏ.