Sáng 27/10, phiên xử Phạm Hải Bằng (46 tuổi, nguyên phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt – RPMU, thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam) cùng 5 đồng phạm tiếp tục diễn ra. Đại diện VKSND đã đối đáp quan điểm của các luật sư bào chữa.
Người giữ quyền công tố tại tòa cho rằng, trong đơn Chính phủ Nhật Bản gửi Công an Việt Nam đã đề nghị điều tra làm rõ sự việc “lót tay” xảy ra giữa nhà thầu JTC và Ban quản lý dự án RPMU. Trong văn bản của Thanh tra Bộ Giao thông Vận có nêu, tiến độ thực hiện dự án chậm, chưa hoàn thành nhưng phía chủ đầu tư vẫn thanh toán cho nhà thầu cho thấy ban quản lý đường sắt chưa quản lý chặt chẽ, không đảm bảo trình tự quy định.
Cụ thể, cá nhân, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu (cựu giám đốc RPMU) ký nhiều hóa đơn giải ngân cho nhà thầu JTC. Việc làm của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khiến số lượng sản phẩm hoàn thành (tính đến 31/6/2014) chậm gần 33 tháng.
Đại diện VKSND đối đáp tại tòa. Ảnh: M.Đ. |
Theo xác minh từ phía Nhật Bản, JTC đã chi ra gần 100 triệu yen trong các dự án, trong đó có Việt Nam. Sau buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải với đại sứ quán Nhật Bản cho thấy, hành vi trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước. Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là sự việc nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm. Quốc hội và Nhân dân Nhật Bản cũng rất quan tâm đến sự việc. "Chính Phủ nhật Bản đã chính thức đình chỉ vốn ODA đến khi Việt Nam làm rõ vi phạm", đại diện VKS nói.
Theo vị cán bộ này, để gây dựng lại lòng tin, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi cơ quan điều tra Bộ Công an xử lý vấn đề trên để đảm bảo mối quan hệ, chính sách vốn ODA tại Việt Nam. Đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã có được niềm tin để tiếp tục quan hệ đầu tư với Việt Nam.
Tranh luận về quan điểm của các luật sư rằng khoản hỗ trợ của JTC là có trong hợp đồng ký kết giữa nhà thầu này với RPMU, VKSND cho chop biết, trong toàn bộ hợp đồng không có nội dung nào cho thấy JTC phải chi vào các khoản lễ, tết, nghỉ mát… Ngay việc JTC giao tiền như trên là vi phạm pháp luật tại nước sở tại.
Theo người công tố, trước khi ký hợp đồng giữa JTC và RPMU, Phạm Hải Bằng thông báo cho Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu có khoản hỗ trợ của nhà thầu. Việc nhận tiền là trái công vụ. Bị cáo Phạm Quang Duy nhận 3 triệu yen tương đương 600 triệu đồng là sai trái. Sau chuyển công tác Lục vẫn nhận 100 triệu đồng từ khoản hỗ trợ. VKS khẳng định thực tế không có khoản tiền nào để các cá nhân nhận được tiền ngoài nguồn JTC hỗ trợ.
VKSND khẳng định theo quy định của Luật Công chức, hành vi của 6 bị cáo thuộc sự điều chỉnh cán bộ. Bởi lẽ, RPMU là đơn vị có tư cách pháp nhân đầy đủ, tổ chức bộ máy biên chế, tài chính của một đơn vị sự nghiệp, có quyền tự chủ, chịu trách nhiệm độc lập. Ngành đường sắt quy định, chi phí hoạt động của RPMU xuất phát từ nguồn thu của ngành, tất cả các nguồn chi từ phía nhà thầu là trái pháp luật.
Bị cáo Phạm Hải Bằng nói lời sau cùng tại phiên xử. Ảnh: Đỗ Mến. |
Về ý kiến của các luật sư cho rằng khoản chi phí từ phía JTC hỗ trợ là hợp pháp, VKSND khẳng định khoản tiền 11 tỷ đồng là bất hợp pháp. Điều này cũng được thể hiện phía nhà thầu Nhật Bản là JTC xác định là khoản chi này là trái pháp luật và đưa vụ án ra xét xử độc lập.
VKSND giữ nguyên quan điểm cho rằng hành vi của các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, bàn bạc, thống nhất từ trên xuống dưới. Nhóm bị cáo Phạm Hữu Bằng (cựu phó giám đốc RPMU), Nguyễn Nam Thái (cựu trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU, Phạm Quang Duy (cựu phó giám đốc RPMU) đã thực hiện quyết liệt và tích cự. Sau khi thực hiện trước, trong và sau, các bị cáo đều báo cáo lại cho lãnh đạo giám đốc RPMU qua các thời kỳ là Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu.
Người công tố cũng cho rằng trong vụ án này, tính chất vụ lợi được thể hiện rất rõ ràng. Các bị cáo có hành vi gợi ý nên nhà thầu nhằm được cấp tiền ngoài hợp đồng.
Tranh luận với VKS, các luật sư cho rằng cần chứng minh động cơ vụ lợi của các bị cáo, xác định nguyên đơn dân sự, vai trò đồng phạm để định tội. “Vụ án này được dư luận rất quan tâm, nhiều báo đài đưa tin nhưng nhiều người vẫn đang hiểu nhầm đây là vụ án nhận hối lộ chiếm đoạt tài sản”, luật sư nói.
Nói lời cuối cùng, bị cáo Trần Văn Lục chia sẻ bản thân là người có gần 30 năm cống hiến cho ngành đường sắt. "57 tuổi, không ngờ rơi vào tình cảnh này, bị cáo thấy không đáng", cựu giám đốc RPMU nói.
Liên quan đến hợp đồng ký kết, bị cáo này cho rằng trong quản lý dự án có rất nhiều vụ việc là công, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác lại khác nhau. Thời kỳ tổ dự án nhận khoản tiền 69,9 triệu yen, bản thân bị cáo không còn làm việc ở đó. "Sao bị cáo biết mà không chỉ đạo chấm dứt, thực sự quá tội. Tiền 100 triệu cũng thế thôi, bị cáo cũng vô tình. Bị cáo cảm thấy có sự áp đặt, chụp mũ trong vụ việc này. Mong HĐXX cân nhắc thấu tình đạt lý để minh oan", ông Lục nói.
Nói giọng nghẹn ngào, bị cáo Phạm Hải Bằng - cựu phó giám đốc RPMU nói bản thân không biết đúng hay sai. "Bị cáo rất đau lòng, bao nhiêu nỗ lực nhưng chỉ một bước đi sai là sai toàn bộ", bị cáo 49 tuổi nói.
Đúng 12h, chủ tọa Trương Việt Toàn đọc tuyên án đối với 6 bị cáo. HĐXX xét thấy lời khai của các bị cáo tại tòa phù hợp với lời khai của phía nhà thầu Nhật Bản có trong hồ sơ có căn cứ xác định Phạm Hải Bằng thỏa thuận xin hỗ trợ của JTC 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này các bị cáo nhận được từ JTC chi cho ký kết hợp đồng, nghỉ mát... trong đó có quyền lợi cá nhân.
Hành vi của các bị cáo gây hậu quả đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản vay vốn ODA. VKSND truy tố 6 bị can tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là có căn cứ. Các bị cáo có chức vụ, quyền hạn, vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, sách nhiễm hợp đồng đẻ yêu cầu nhà thầu JTC nhiều lần đưa tiền đồng thời chưa kiểm soát chặt chẽ số liệu, chất lượng... Mặc dù tiến độ hợp đồng chậm mới đạt được 47% hợp đồng nhưng các bị cáo vẫn giải ngân cho phía nhà thầu. Các hành vi thực hiện song song với phía nhà thầu “lại quả” cho các bị cáo.
Các bị cáo đã làm trái công vụ, không làm đúng quy tắc, ứng xử trong đấu thầu, vi phạm Pháp lệnh công chức và quy định của Luật phòng chống tham nhũng. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm tài sản của người khác, gây hậu quả rất nghiêm trọng về mặt kinh tế, làm chậm dự án, gây ảnh hưởng đến quan hệ của Việt Nam – Nhật Bản và các nước khác.
Tòa cũng xét thấy, trong vụ án, bị cáo Bằng chịu trách nhiệm chính trong Ban Quản lý dự án, trực tiếp đàm phán nêu khó khăn, nhiều lần gợi ý, gửi email, trực tiếp hoặc chỉ đạo Duy, Thái nhận từ nhà thầu JTC khoản tiền 11 tỷ đồng. Bị cáo hưởng phần lớn số tiền. Do không có sổ sách chi, thu, bị cáo không nắm được từng bị cáo khác chi tiêu như thế nào. Do đó, bị cáo Bằng phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Đối với các bị cáo: Nguyễn Nam Thái (38 tuổi); Phạm Quang Duy (40 tuổi); Trần Văn Lục (57 tuổi); Trần Quốc Đông (51 tuổi) và Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi) có vai trò đồng phạm tích cực.
Đối với một số quan điểm của luật sư cho rằng trong vụ án không có nguyên đơn dân sự nên không cấu thành tội phạm. Hành vi của phía nhà thầu là trái pháp luật nên không coi là nguyên đơn. Hành vi của các bị cáo xâm phạm lợi ích nhà nước nên không thể coi Nhà nước là nguyên đơn dân sự. Tuy nhiên, các bị cáo đều có chức vụ, quyền lợi, hưởng lương hoặc không hưởng lương của cơ quan nhà nước, do đó là chủ thể của tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Song, quá trình lượng hình, tòa cũng xem xét các bị cáo nhận 11 tỷ đồng nhưng không hưởng lợi cá nhân, phục vụ chung hoạt động của tập thể. Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Đông, Thái có thành tích, gia đình có công với cách mạnh, nên xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm dân sự, truy nộp số tiền 11 tỷ đồng, kê biên 1 số tài sản của bị cáo Bằng, Thái, Hiếu, Đông để thi hành án.
HĐXX tuyên:
- Phạm Hải Bằng (49 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU): 12 năm tù.
- Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, nguyên trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU): 11 năm tù.
- Phạm Quang Duy (40 tuổi, nguyên phó giám đốc RPMU): 8 năm 6 tháng tù.
- Trần Văn Lục (57 tuổi, nguyên giám đốc RPMU): 5 năm 6 tháng tù.
- Trần Quốc Đông (51 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên giám đốc RPMU): 7 năm 6 tháng tù
Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi, nguyên giám đốc RPMU): 7 năm 6 tháng tù.