Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Sexting - ở góc độ nào cũng dễ tổn thương'

Việc lưu giữ, phát tán ảnh nóng của người yêu cũ đang trở thành câu chuyện bi kịch trong giới trẻ.

Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm, giảng viên Đại học Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM, tư vấn tâm lý học đường Đại học RMIT đã có những chia sẻ về vấn đề này.

ThS Lê Thị Minh Tâm.
Thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm.

- Là một chuyên viên tư vấn học đường, theo chị, hiện nay có hiện tượng sexting trong giới học sinh, sinh viên không? Và nếu có, việc này đưa lại những vấn đề gì cho giới trẻ?

- Không phải là có hay không, mà phải nói là rất nhiều trường hợp. Thường tôi chỉ biết chuyện khi đã có vấn đề xảy ra. Như vậy chứng tỏ trào lưu sexting khá phổ biến.

Thông thường, sexting là giữa những người yêu nhau. Sự thăng hoa cảm xúc ở giới trẻ dễ dẫn đến những hành động bồng bột, ít nghĩ đến hậu quả. Họ thường xem việc tin tưởng nhau tuyệt đối là một bằng chứng của tình yêu và vì thế không ngại ngần gửi, chia sẻ những hình ảnh nhạy cảm. Mọi vấn đề chỉ xảy ra khi có tan vỡ, chia tay, cãi cọ, và thường gặp nhất là những hình ảnh hay tin nhắn thân mật bị phát tán hay bị mang ra đe dọa.

Nạn nhân thường là nữ nhiều hơn, nhưng cũng có nam giới bị người yêu cũ đe dọa. Ngoài ra, cũng có trường hợp đem hình ảnh nhạy cảm của bạn trai, bạn gái mình khoe với người khác, từ đó gây tổn thương cho đương sự.

- Những sự việc đó thường gây ra những hậu quả như thế nào?

- Nhiều trường hợp nữ giới chỉ cần chia tay thôi thì việc từng có những hình ảnh, kỷ niệm đó đã khiến họ có phản ứng lo âu, bất an, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, học hành. Nghiêm trọng hơn là những lời đe dọa phát tán hình ảnh hay gửi cho người khác xem.

Phản ứng đầu tiên của người bị đe dọa là rất lo âu, suy sụp, khủng hoảng và thường làm theo yêu cầu của người đe dọa. Ví dụ một nam sinh viên nhắn tin trong ba ngày nữa nếu cô (người yêu cũ) không đến gặp, anh ta sẽ gửi hình nhạy cảm của cô cho cha mẹ và bạn bè. Thường cô gái sẽ phải đến mà không dám trái lời. Bạn bè có thể quan sát thấy những thay đổi tâm lý bất thường ở người bị đe dọa như biến sắc, hoang mang, lo âu, tim đập nhanh, mất chú ý...

- Chị có thể lý giải nguyên nhân những hành động đe dọa này?

- Như đã nói, đe dọa thường là để điều khiển người yêu cũ phải làm theo ý mình. Cũng có trường hợp đe dọa để tống tiền nhưng ở đối tượng là học sinh, sinh viên, phần lớn tin nhắn, hình ảnh sexting được dùng để níu kéo mối quan hệ hay trả thù do tổn thương khi mối quan hệ tan vỡ, hoặc do ghen tuông khi thấy người cũ của mình có người yêu mới.

Như một số câu chuyện điển hình mà báo  đã nêu, ở mức độ nhẹ, đây là phản ứng tức thời do thiếu kiềm chế hay kiểm soát cảm xúc, người bị tổn thương trong mối quan hệ dùng hình ảnh sexting như một vũ khí để đáp trả. Tuy nhiên, đáng tiếc trong thực tế chuyện sẽ đi xa hơn khi những phản ứng tức thời này không được giải quyết thỏa đáng, có thể hình ảnh sẽ bị phát tán hay gửi đi, gây nên những tổn thương vĩnh viễn cho cả hai bên.

Ở mức độ nặng hơn, việc trả thù hay ghen tuông có ác ý, người bị dọa có thể trở thành lệ thuộc vào người đe dọa và tổn thương tâm lý sẽ ngày một nặng nề, thậm chí có trường hợp đáng tiếc xảy ra cho cả hai bên nếu không tìm được cách giải quyết, ngăn chặn.

Ở đây có thể nhắc đến những nguyên nhân sâu xa hơn trong xã hội, đó là mặc dù cùng với hội nhập, các phương tiện và hành vi truyền thông hiện đại dường như lan truyền rất nhanh giữa các quốc gia, thì tại những nước như Việt Nam chuyện hình ảnh khỏa thân bị đưa lên mạng hay phát tán là rất kinh khủng đối với đương sự, gia đình, cộng đồng. Đây là điều gây áp lực tâm lý lớn cho đối tượng bị đe dọa.

Ngoài ra, thanh thiếu niên của chúng ta phần lớn vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ bản lĩnh và thái độ ứng xử hợp lý trong các trường hợp như chia tay hay đối phó với khủng hoảng tình cảm, chính điều đó dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra.

- Chị có chia sẻ nào cho giới trẻ và phụ huynh để đối phó với sexting?

- Trước hết, sexting cũng như sex, có thể là một nhu cầu đối với những người đang yêu. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do cần thận trọng và suy xét thật kỹ trước khi quyết định làm điều này.

Thứ nhất, bạn trẻ cần cân nhắc những rủi ro nhất định, như hình ảnh qua webcam, email, điện thoại có thể dễ dàng bị rò rỉ, không bao giờ có thể đảm bảo điện thoại, máy tính của bạn không bị mất hay bị ai đó nhìn thấy, và nguy cơ phát tán luôn có thể xảy ra.

Thứ hai, khi quyết định trao gửi cho ai đó cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là bàn bạc những nguyên tắc cần có giữa hai bên để tránh rủi ro xảy ra. Theo tôi, nên hết sức hạn chế hình thức này bởi như một nạn nhân đã tâm sự, khi đã ấn nút “gửi đi” có nghĩa là không bao giờ quay lại được nữa.

Trong trường hợp đã có sexting và gặp những vấn đề như bị đe dọa phát tán, cần rất nhiều kỹ năng để tránh hay giảm nhẹ những hậu quả về sang chấn tâm lý, tâm thần.

Cách tốt nhất để phòng ngừa là hai bên cần thảo luận về cách ứng xử, như xóa hết hình ảnh hay tin nhắn để không gây tổn thương hay ảnh hưởng đến mối quan hệ và cuộc sống của nhau sau khi chia tay. Khi bị đe dọa, trước hết cần tìm những hỗ trợ tâm lý ở những người mình tin tưởng.

Cần hiểu rõ không ai có quyền làm thế, và hành động gửi hay đăng tải những hình ảnh này là vi phạm pháp luật (nhiều trường hợp chỉ là dọa chứ không hẳn đã làm, nhưng nạn nhân quá sợ hãi nên không dám có phản ứng nào).

Người bị đe dọa cần hiểu rõ nguyên nhân, mục đích hành động đe dọa và có thái độ thích hợp. Khi bình tĩnh, hiểu rõ động cơ của người đe dọa và có sự trợ giúp của người đáng tin cậy, thường họ có thể tìm được cách tương tác với người đe dọa để giải tỏa vấn đề, tránh không để xảy ra những hệ quả xấu.

Như đã nói, nhiều trường hợp chỉ vì những cơn nóng giận, ghen tuông bột phát, thiếu kiểm soát cảm xúc hay bị tổn thương mà dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì thế, học cách ứng xử hợp lý và tránh làm tổn thương nhau có thể giảm bớt những chuyện đáng tiếc.

Trong trường hợp xấu nhất, khi hình ảnh đã bị phát tán, có thể phải yêu cầu sự can thiệp của các cơ quan chức năng để gỡ bỏ hình ảnh, tránh bị phát tán rộng hơn và tìm hỗ trợ tâm lý cần thiết để đối phó với khủng hoảng.

Cần hiểu rằng ở tuổi học sinh, sinh viên không chỉ đối tượng là nam hay nữ, mà là cả hai đối tượng dù đứng ở góc độ nào cũng đều chịu sự ảnh hưởng tâm lý, sự tổn thương tâm lý nhất định một khi hành vi này xảy ra.

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/608927/sexting-o-goc-do-nao-cung-de-ton-thuong.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm