Câu chuyện Brexit trong show diễn Burberry
Trong mùa mốt Thu - Đông 2019 tại London, Burberry đã tạo ra khá nhiều tranh cãi và sự chú ý. Đầu tiên là thiết kế áo hoodie nhạy cảm, đính kết nút thòng lọng như trong những vụ tự tử. Không những vậy, hãng này còn dàn dựng cảnh các diễn viên múa trèo ra khỏi bức tường rào đặt xung quanh sân khấu - màn trình diễn ám chỉ câu chuyện Brexit, một hiện thực chính trị căng thẳng của nước Anh trong năm qua. Trong bối cảnh Brexit, đông đảo người dân và các doanh nghiệp tại Anh tỏ ra lo lắng về tương lai kinh tế của đất nước. Việc nhà mốt Burberry lựa chọn cách dàn dựng sân khấu như thế, phần nào ngầm thể hiện sự mong muốn chính phủ của bà Theresa May sẽ đạt được những thỏa thuận thương mại với liên minh EU vào tháng 3 này. Lý giải về thông điệp chính trị trên sàn diễn, thương hiệu thời trang Anh lâu đời cho rằng Burberry có trách nhiệm thể hiện tiếng nói của đông đảo người dân trong xã hội.
Sự đối lập hoàn hảo
BST Thu - Đông 2019 mang đến khán giả 2 tầng không gian tách biệt với sàn diễn sang trọng giữa hàng ghế gỗ lấy cảm hứng từ Quốc hội Anh, cùng nửa còn lại nổi loạn bao bọc bởi những cột hàng rào sắt với hàng trăm người đứng xung quanh. Sự đối lập còn đến từ cách Giám đốc sáng tạo Riccardo Tisci phân chia rõ rệt các thiết kế. Một nhóm trang phục có cấu trúc truyền thống, sang trọng với áo trench coat tông màu beige, còn lại là sự phá cách không giới hạn của những thiết kế đậm chất đường phố: áo phao, sơ mi oversized, suit in nổi hoạ tiết thương hiệu theo xu hướng logomania... Về chất liệu, bộ sưu tập mang đến sự đa dạng với da lộn, len, nhung, khaki thô ráp cho đến các loại vải nhẹ nhàng như neonprene, nylon hay lụa nhân tạo được in hoạ tiết mới của Burberry, đan xen với những đường kẻ ô đặc trưng.
Quá sức với dòng thời trang streetwear?
Sự đối lập mà nhà mốt Burberry muốn truyền tải còn đến từ cách người xem nhìn nhận về bộ sưu tập. Nhiều khán giả nhận xét bộ sưu tập này khá rõ ràng, mang lại cái nhìn đa dạng hơn. Nhà mốt Anh đang chuyển mình hài hòa cùng sự cộng hưởng từ giá trị cốt lõi với tinh thần trẻ trung đường phố. Ý kiến ngược lại không ủng hộ Tisci, vì ông đang cố chạy theo những xu hướng trong khi hình ảnh của Burberry chưa thật sự phù hợp với kiểu mốt streetwear hiện đại. Giám đốc sáng tạo mới của Burberry đang cố gồng mình để chứng tỏ khả năng. Tuy nhiên, cách nhìn nhận của Tisci đã hoàn toàn sai lầm và kết quả chính là ông không thể nào thiết kế nên những sản phẩm streetwear mang tinh thần cao cấp như Virgil Abloh hay Demna Gvasalia từng làm cho Louis Vuitton và Balenciaga. Nhìn chung tham vọng của Giám đốc sáng tạo Burberry chinh phục nhiều đối tượng khách hàng là đúng, nhưng ông cần phải hiểu rằng hành động này mang lại hai thái cực lợi và hại. Người hâm mộ đang hồi hộp chờ xem những bộ sưu tập tiếp theo của nhà mốt này có điểm nào đột phá hơn không. Thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào tư duy của người dẫn dắt đoàn tàu Burberry.