Ở Singapore, 62 giống chó nhỏ, chim và cá được phép nuôi trong nhà ở xã hội (căn hộ HDB) nhưng mèo bị cấm hoàn toàn. Động thái này bị những người cứu hộ động vật và người yêu mèo chỉ trích là "tiêu chuẩn kép".
Người vi phạm quy tắc này có nguy cơ bị xử phạt tới 4.000 SGD (tương đương USD).
Mới đây, khi chính phủ nước này quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm, nhiều người yêu mèo đã ca ngợi đây là hành động công bằng.
Một "khung quản lý mèo" cũng được đưa ra, bao gồm chương trình cấp phép và gắn vi mạch cho mèo nhà và mèo đi lạc. Những thay đổi được đề xuất sẽ cần được đóng góp thêm trước khi có hiệu lực vào cuối năm 2024, theo South China Morning Post.
Lệnh cấm vô nghĩa?
Tiền đề ban đầu để Singapore đưa ra lệnh cấm nuôi mèo là loài vật này có xu hướng đi lang thang, nhiều người sống ở nhà ở xã hội sợ rằng người nuôi sẽ để chúng đi vào nhà họ, hoặc dẫn mèo hoang về, gây ra các vấn đề phiền toái và mất vệ sinh.
Theo trang web của Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB), lệnh cấm nuôi mèo trong các căn hộ cộng đồng - nơi có khoảng 80% người Singapore cư trú - được ban hành lần đầu tiên vào năm 1989 vì mèo "thường khó nhốt trong căn hộ".
"Khi được phép đi lang thang một cách bừa bãi, mèo có xu hướng rụng lông và phóng uế hoặc tiểu tiện ở các khu vực công cộng, đồng thời phát ra những âm thanh như tiếng kêu, điều này có thể gây bất tiện cho hàng xóm", quy định này cho biết.
Lệnh cấm nuôi mèo trong căn hộ HDB đã có từ năm 1989. Ảnh: Shutterstock. |
Nhưng thực tế khá ngược đời là nhiều người nuôi mèo trong nhà ở xã hội đã quên hoặc thậm chí không biết đến sự tồn tại của lệnh cấm. Bởi từ khi họ nuôi mèo, không có cơ quan nào đến HDB để kiểm tra sự tồn tại của chúng.
Farhan Hamid (28 tuổi) đưa hai con mèo về nuôi từ năm 2019. Ban đầu, anh rất thận trọng để khỏi hàng xóm phát hiện, nhưng về sau anh mất cảnh giác và không còn giấu giếm.
"Theo tôi biết, không có cơ quan hay đơn vị chức năng nào đi kiểm tra các căn hộ HDB để tìm dấu hiệu của mèo", Farhan nói.
Thực tế, những con mèo sống trong chung cư cộng đồng thường được để yên, trừ khi hàng xóm khiếu nại lên hội đồng nhà ở. Những người nuôi mèo trò chuyện cùng This Week in Asia nói rằng họ không biết về lệnh cấm, hoặc không quan tâm lắm vì chính quyền thiếu thực thi tích cực.
Một người nuôi mèo tên Alicia (25 tuổi) cho biết nhiều đồng nghiệp của cô nuôi tới 10 con mèo trong nhà và chẳng quan tâm đến quy định cấm.
"Tôi thì biết về lệnh cấm nhưng dù sao cũng chẳng có ai thực thi nó", cô nói.
Thực tế, nhiều người nuôi mèo trong nhà ở xã hội ở Singapore không quan tâm đến lệnh cấm nuôi mèo vì không có cơ quan nào thực thi nó. Ảnh: Shutterstock. |
Một chủ sở hữu mèo khác là Ting (32 tuổi) nói rằng lệnh cấm "không liên quan" và việc bãi bỏ nó là thừa thãi.
"Tôi thậm chí không biết nuôi mèo là bất hợp pháp, cho đến gần đây khi nghe người ta tranh luận về việc hợp pháp hóa việc nuôi mèo", Ting nói, cho biết thêm rằng đa số hàng xóm của cô cũng chẳng quan tâm.
Tuy nhiên, với những người không thích mèo, việc dỡ bỏ lệnh cấm khiến họ lo ngại về vấn đề vệ sinh trong khu chung cư họ sống.
Một nhà văn 27 tuổi cho biết: "Tôi cảm thấy khá lo sợ vì sẽ thấy nhiều mèo hơn trong khu này. Ngay cả khi HDB chỉ cho phép nuôi hai con mèo, có trời mà biết người ta sẽ thực sự nuôi bao nhiêu con".
Đại diện HDB cho biết mối quan tâm hàng đầu của họ là duy trì môi trường sống dễ chịu và hài hòa tại các khu đất của HDB, cũng như duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, CNA đưa tin.
"Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi cố gắng cân bằng lợi ích của cư dân yêu thích thú cưng và những người có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất hòa do việc sở hữu thú cưng thiếu trách nhiệm".
Thenuga Vijakumar, chủ tịch Hiệp hội Phúc lợi Mèo, nói rằng: "Tôi nghĩ những người nuôi mèo cưng có trách nhiệm xứng đáng được sở hữu mèo mà không sợ bị giám sát, nếu họ tuân thủ các điều kiện về quyền sở hữu và cấp phép. Điều này đặt họ ngang hàng với những người nuôi chó được hưởng lợi từ các quy định".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.