Vòng chung kết cuộc thi K-Trot - "Đại nhạc hội Trot truyền thống Hàn Quốc" - diễn ra tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Chương trình nhằm mục đích tạo ra sân chơi lành mạnh, khuyến khích sinh viên ngành ngôn ngữ, văn hóa Hàn Quốc ở khu vực miền Nam thể hiện tài năng và trải nghiệm văn hóa âm nhạc truyền thống của xứ sở kim chi. |
Tham gia chương trình, sinh viên ở 13 trường đại học, cao đẳng, gồm ĐH Sư Phạm TP.HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Văn Lang, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), ĐH Lạc Hồng, ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Đông Á (Đà Nẵng), Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn, đã tạo nên nhiều tiết mục khác nhau. |
Mỗi trường đều chuẩn bị một tiết mục cá nhân và một tiết mục đội nhóm. Các tiết mục liên quan đến nhạc Trot - hay còn được gọi "bolero phiên bản Hàn Quốc" hoặc "nhạc vàng Hàn Quốc". Đây là một thể loại thuộc dòng nhạc truyền thống lâu đời nhất ở xứ sở kim chi. Một trong 3 vị giám khảo của chương trình là nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ. |
Hoàng Ánh Tuyết - sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của ĐH Mở TP.HCM - là thí sinh trình diễn phần thi cá nhân đầu tiên. Trước đây, Tuyết chưa bao giờ thử hát nhạc Trot. Vì vậy, khi đăng ký dự thi, nữ sinh đã khá chật vật trong việc học cách luyến láy của dòng nhạc này. Tuyết xem đây là cơ hội để thử sức bản thân và thoát khỏi vùng an toàn. Đồng thời, Tuyết mong có thể tự tin hơn khi đứng trước đám đông - yếu tố mà cô đang muốn rèn luyện để hỗ trợ cho công việc thông dịch tiếng Hàn hoặc giảng dạy tiếng Hàn trong tương lai. |
Đến cổ vũ các bạn cùng trường, Võ Thị Thùy Trang - sinh viên năm thứ tư ngành Hàn Quốc học của ĐH Quốc tế Hồng Bàng - chọn mặc áo có hình quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Trang, đây là chiếc áo thích hợp trong một sự kiện có người nước ngoài tham dự. Nữ sinh viên bày tỏ khi ở trường, em chỉ học các kiến thức liên quan đến văn hóa và âm nhạc Hàn Quốc trên sách vở. Nhưng tại chương trình, Trang vừa được nghe nhạc trực tiếp, vừa học hỏi nhanh hơn những câu từ có ý nghĩa ẩn dụ trong bài hát tiếng Hàn. |
Phần lớn các tiết mục trong chương trình đều có sự đầu tư chỉn chu của sinh viên. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, ĐH Quốc tế Hồng Bàng - cho biết chương trình này không chỉ mang tính chất giải trí, mà còn giúp sinh viên ngành ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc ở khu vực miền Nam có thêm kiến thức về một thể loại nhạc truyền thống của Hàn Quốc đang được "hồi sinh" trở lại trong những năm gần đây. |
Cũng muốn thử sức với dòng nhạc Trot, Trần Thị Ánh Nguyệt - sinh viên năm thứ hai khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc của ĐH Đông Á - không ngần ngại bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM để dự thi. Tối 14/4, sau khi kết thúc lịch học vào buổi sáng, Nguyệt vào TP.HCM. Sau khi kết thúc chương trình, Nguyệt trở về Đà Nẵng vào ngày hôm sau. Toàn bộ chi phí dự thi của Nguyệt đều do nhà trường hỗ trợ. |
Ở phần thi đội nhóm, Nguyễn Đoàn Phương Linh - sinh viên năm thứ tư ngành Hàn Quốc học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết 9 thành viên trong nhóm của em chuẩn bị tiết mục dự thi trong vòng 3 tuần. Mỗi ngày, Linh và các bạn đều luyện tập từ 2 đến 3 giờ. Thông qua chương trình, Linh nhận ra Trot là một thể loại nhạc thú vị và hay hơn nhiều so với tưởng tượng. |
Ngoài các thí sinh tham gia dự thi, vòng chung kết cuộc thi K-Trot - "Đại nhạc hội Trot truyền thống Hàn Quốc" còn ghi nhận sự tham gia của hơn 1.000 sinh viên đến từ nhiều trường khác nhau. Bên cạnh đó, chương trình cũng có sự tham gia của các khách mời Hàn Quốc đến từ các đơn vị: Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM, chủ tịch hội người Hàn tại TP.HCM, chủ tịch Hội Phụ nữ Hàn tại TP.HCM, viện trưởng Viện văn hóa Hàn Quốc tại TP.HCM, trưởng Văn phòng đại diện thành phố Busan tại Việt Nam... |
Kết thúc chương trình, ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhận về giải thưởng đặc biệt. ĐH Công nghệ TP.HCM (Viện công nghệ Việt - Hàn) đoạt giải nhất ở hạng mục cá nhân. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đoạt giải nhất hạng mục đội nhóm. Tổng giá trị giải thưởng của chương trình là 65 triệu đồng. |
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: "Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.