Thuật ngữ "hội nhập" có lẽ bây giờ "cổ" rồi, vì mình dùng nó suốt từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Bước sang năm 2016, Việt Nam đã là thành viên tích cực của các diễn đàn khu vực và quốc tế, vào ASEAN rồi WTO. Đến TPP là sân chơi lớn, ta cũng vừa ký kết. EVFTA cũng đã kết thúc đàm phán.
Nguyễn Bá Trường Giang. Ảnh: NVCC. |
Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức ra mắt, bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70%. Như vậy, những diễn đàn "khủng" nhất, những cuộc chơi lớn nhất, nước ta đều vào cả rồi.
Thời kỳ hội nhập sẽ yêu cầu cao hơn đối với người lao động, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo hay trình độ ngoại ngữ, tin học.
Việc đào tạo nhân lực đã thay đổi như thế nào trước vận hội này?
Thoạt nhìn, có vẻ sinh viên bây giờ năng động, nhạy bén và quan tâm tới thời sự. Các em thành lập nhóm, câu lạc bộ học tập và thảo luận những vấn đề lớn của đất nước và thế giới. Trường nào cũng vài chục câu lạc bộ, nào là nghiên cứu khoa học, nhà kinh tế trẻ, bất động sản, luật gia trẻ, rồi chuyên ngành sâu như sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế...
Tôi rất phục các em. Với định hướng sớm về ngành học như thế, cộng với đam mê nữa, các em sẽ sớm trở thành những chuyên gia, nguồn nhân sự ưu tú cho đất nước.
Nhưng có lẽ cái các em cần không phải kiến thức cụ thể vì ngày nay chỉ cần chịu khó nghiên cứu thì học liệu không thiếu. Sách, báo, Internet mênh mông. Cái các em cần là một con đường, định hướng để 4 năm ngồi ghế đại học không lãng phí vào những chuyện không đem lại kết quả gì.
Có quá nhiều môn để học, nhưng đam mê thì chưa phải ai cũng có. Nhiều sinh viên cứ học cho qua môn, đạt điểm thi là xong. Thời gian trôi qua, tốt nghiệp vẫn không biết mình làm được gì, kỹ năng thực tế mang theo là gì.
Không có gì lạ nếu nói rằng, không ít sinh viên chưa viết nổi một lá đơn, tờ trình, báo cáo chuẩn. Hay là trong trường các em không được học những kỹ năng cơ bản, như viết-nói?
Thời gian tôi còn học đại học ở Mỹ, kỹ năng viết vẫn được trường đặt lên hàng đầu. Có các lớp chuyên về viết từ, viết nghiên cứu khoa học tới viết luận án... để sinh viên đăng ký.
Cơ hội rất nhiều nhưng cạnh tranh khốc liệt. Thế hệ trẻ đã sẵn sàng vào cuộc chơi chung của thị trường lao động chưa? Các em cần chuẩn bị những gì? Những điều sinh viên học ở nhà trường đã là những gì thị trường cần chưa? Thị trường luôn có chỗ đứng cho những người giỏi nhất, những người giỏi vừa và cả những người khá. Còn lại thì sao? Sự phân bổ lao động không hợp lý giữa các tỉnh thành dẫn đến nơi thừa, chỗ thiếu. Không ai chịu về nơi mình ra đi, nơi đó có khi lại thực sự cần các em.
Trong 4 năm ngồi ghế đại học, sinh viên học được những gì để khi ra trường dùng được ngay? Những kỹ năng cơ bản nhất lại là những thứ thị trường cần nhất. Một sinh viên ngoại ngữ có tự tin bước vào bàn đàm phán của doanh nghiệp để dịch cho lãnh đạo hay không? Một sinh viên luật đã biết soạn thảo hợp đồng kinh tế chưa? Nếu câu trả lời là chưa, thì các em mất 4 năm để học cái gì? Trong khi đó, Việt Nam vào TPP rồi, đòi hỏi của doanh nghiệp với nhân lực cũng ngày càng cao, khắt khe hơn.
Nhiều em hỏi cần phải làm gì, tôi bảo rằng hãy tập viết, tập nói và tập phân tích vấn đề. Những kỹ năng cơ bản nhất là cái mà dùng nhiều nhất khi ra trường đấy.
Không chỉ các em bị cạnh tranh, mà cả nước Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt. Không chỉ các nước vốn đã mặc định là phát triển hơn Việt Nam như Singapore, Thái Lan, ngay cả các nước Mynamar, Campuchia, Lào… cũng đang ra sức đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cái mà chúng ta đang có là lực lượng lao động trong tuổi dân số vàng. Nhưng chỉ 10 năm nữa thôi, lợi thế đó của Việt Nam liệu có còn không? Cho nên lực lượng sinh viên Việt Nam hôm nay học hành cẩn thận chính là sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho 10 năm tới. Hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ sản xuất được chiếc ốc-vít cho Samsung, làm được la-zăng cho Toyota...
Một năm mới đã bắt đầu với những kỳ vọng, mong ước (và cả những lo âu) ấp ủ trong mỗi người và cho cả một dân tộc.
Nguyễn Bá Trường Giang là học giả Fulbright, tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại Học Cornell, New York và khoa Luật, Đại học Luật Boston, Mỹ.
Anh từng giảng dạy tại Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa Anh - Mỹ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; làm cố vấn pháp luật cao cấp tại Hãng luật Baker & McKenzie; Giám đốc pháp luật tại Tập đoàn Thiên Minh và hiện là Chủ nhiệm của Ivy-League Vietnam - fanpage chia sẻ thông tin về 8 đại học top đầu tại Mỹ.