“Bây giờ, khi đã hoàn thành chương trình đại học và đi làm sớm, có tiền để chủ động chi trả, mình lại càng tham gia nhiều khóa học hơn vì mình 'thèm' cảm giác đi học”, Lương Hậu (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ với Zing.
Hậu cho biết là sinh viên ngành Marketing nhưng ngay từ năm nhất đại học, cô đã bắt đầu tìm kiếm và tham gia các khóa học về Marketing bên ngoài nhà trường. Đến nay, số lượng khóa học cô tham gia đã lên đến hàng chục, từ online cho đến offline, miễn phí hay có phí.
Lương Hậu luôn dành thời gian để tham gia các khóa học ngắn hạn, bất kể sáng hay tối, cứ có thời gian rảnh, Hậu lại tìm kiếm và học thêm kiến thức mới. Ảnh: NVCC. |
Chi tiền để học thêm bên ngoài
Lương Hậu là tân cử nhân ngành Marketing, ĐH Thương mại. Từ năm nhất, cô đã chủ động tiếp cận các khóa học về marketing ở bên ngoài trường như Brand Marketing hay Performance Marketing… Vì là sinh viên, tài chính còn hạn hẹp, Hậu tích cực tìm kiếm và tận dụng các khóa học, workshop miễn phí.
Để thuận lợi cho việc học trên trường, chủ động sắp xếp thời gian, Lương Hậu chủ yếu tham gia các khóa học bên ngoài bằng hình thức online. Thông thường, cô chỉ đăng ký học trực tiếp các khóa về kỹ năng.
Ngày nào cũng vậy, Hậu luôn dành thời gian để tham gia các khóa học ngắn hạn. Bất kể sáng hay tối, cứ có thời gian rảnh, Hậu lại tìm kiếm và học thêm kiến thức mới.
Tuy nhiên, không vì thế Hậu xao nhãng việc học trên trường. Cô nhận thấy các kiến thức trong giáo trình thực sự hay, giảng viên tại trường đều là những thầy cô có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên sâu trong ngành.
“Mình luôn tự áp lực bản thân về một ngày hoàn hảo. Vì vậy, mình tự đặt ra yêu cầu, hoàn thành việc ngày nào cũng phải học một kiến thức mới”, Hậu chia sẻ.
Nhờ đó, Lương Hậu hoàn thành chương trình đại học sớm gần một năm. Cô nhanh chóng có công việc đúng ngành, được thỏa thích sáng tạo và áp dụng những điều mình đã học vào cuộc sống.
Giống như Hậu, Hồng Ngọc (22 tuổi), tân cử nhân ngành Marketing, cũng chi tiền để tham gia một số khóa học về Marketing bên ngoài ngay từ khi còn là sinh viên.
Ngọc cho biết ngoài tự cập nhật kiến thức qua nhiều phương tiện, tham gia những khóa ngắn hạn hay những chương trình, hội thảo miễn phí, nữ sinh cũng chọn tham gia khóa học tổng quan về Digital Marketing tại một trung tâm ở Hà Nội với chi phí 5 triệu đồng cho 11 buổi học.
Ngọc cho hay ở những khóa học này, giáo viên thường giảng dạy theo cách khái quát, cô đọng theo các chủ đề, giúp người học có cái nhìn tổng quan và dễ theo dõi hơn.
Thời lượng mỗi buổi học khá ngắn, chỉ 1-1,5 tiếng mỗi buổi. Chính vì vậy, người học không bị quá tải kiến thức. Số lượng học viên cũng ít hơn trên trường nên dễ dàng đặt câu hỏi và được giáo viên giải đáp nhanh.
Thúy Ngân, sinh viên năm 3 ngành Marketing, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cũng tìm đến các khóa học bên ngoài trường để có thêm kỹ năng thực tế về nghề. Chưa có nhiều kinh phí, Ngân tận dụng khóa học miễn phí đến từ những người đi trước thay vì học ở trung tâm với chi phí đắt đỏ.
Ngân học thêm cách viết content marketing và thực chiến digital marketing. Vì đã đi làm thêm đúng chuyên ngành từ sớm, Ngân hiểu việc học và nắm rõ về công việc rất quan trọng. Ngân cho biết mỗi khóa, cô đều dung nạp nhiều kiến thức ở các mảng cụ thể hơn.
“Vì marketing rất rộng lớn, việc tìm hiểu sâu hơn kiến thức ở các mảng nhỏ khiến mình có những định hướng rõ ràng hơn cho bản thân”, Ngân chia sẻ.
Thúy Ngân nhận định để ra trường có thể làm được việc ngay, ngoài kiến thức ở trường, sinh viên phải tự trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng thực tế trong công việc. Ảnh: NVCC. |
Học trên trường chưa đủ
Chia sẻ về lý do tham gia các khóa học bên ngoài thay vì chỉ học ở trường, Thúy Ngân cho biết cô nhận thấy việc học trên trường chủ yếu tập trung vào rèn luyện tư duy, hiểu bản chất ngành, thị trường chứ không giảng dạy trực tiếp vào các nhóm kỹ năng, kiến thức cụ thể. Các kiến thức trong trường cũng thường mang tầm vĩ mô, có tính chiến lược và kế hoạch nhiều hơn.
Tuy nhiên, để ra trường có thể làm được việc ngay, ngoài kiến thức ở trường, sinh viên phải tự trang bị cho bản thân nhiều kỹ năng thực tế trong công việc như viết content, xây dựng kịch bản truyền thông, thiết kế và quản lý web, phát triển các kênh social media, thiết kế ảnh/video…
Lúc này, các khóa học ngắn hạn bên ngoài, có phí hay miễn phí, đều có thể giúp mỗi người học hoàn thiện kỹ năng trên, làm ra sản phẩm thực tế phục vụ cho công việc marketing.
“Chính vì sự khác biệt trên, mình nghĩ kết hợp giữa kiến thức trên trường để ứng dụng thêm tư duy, bản chất vào quá trình tạo ra sản phẩm thực tế nhờ các khóa học ngắn hạn là sự kết hợp khá hoàn hảo để trở thành một marketer giỏi”, Ngân khẳng định.
Cùng quan điểm với Ngân, Lương Hậu cho biết mặc dù vẫn nghiêm túc với việc học trên trường, cô cũng không thể tránh khỏi việc chỉ hứng thú với những môn học mình thích. Ngoài ra, cô đôi lần không tránh khỏi “cám dỗ” khi bạn bè rủ đi chơi, “cám dỗ” từ những cơn buồn ngủ khiến kiến thức bị rơi rớt.
Bên cạnh đó, theo Hậu, Marketing là ngành mang tính sáng tạo, đổi mới, yêu cầu thực chiến hàng ngày, hàng giờ. Trong khi đó, những kiến thức cô tiếp thu ở trường vẫn chủ yếu thiên về lý thuyết.
“Ở nhiều học phần, giảng viên còn giữ cách giảng dạy quen thuộc khiến mình cảm thấy nhàm chán, thiếu tính sáng tạo. Tiết học nào cũng như tiết học nào, đam mê đến mấy, nhiều lúc, mình cũng thấy nản”, Hậu chia sẻ.
Đây cũng là lý do Hồng Ngọc tìm đến khóa học bên ngoài sau khi thấy nhàm chán, khó tập trung học ở trường.
Tân cử nhân muốn trải nghiệm các khóa học để được cung cấp thêm kiến thức thực tế từ góc nhìn những giảng viên nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm thực chiến và mong muốn được thực hành nhiều hơn thay vì chỉ học lý thuyết.
Hồng Ngọc đánh giá khóa học bên ngoài thường sáng tạo hơn, luôn luôn được thực hành trực tiếp tại doanh nghiệp, tạo sự hào hứng cho học viên.
Theo Hồng Ngọc, trước khi tham gia bất cứ khóa học nào, mỗi học viên nên tìm hiểu kỹ giảng viên, xác định rõ mục tiêu khi đi học để chọn cho bản thân khóa học phù hợp. Ảnh: NVCC. |
Lựa chọn khóa học phù hợp
Tuy nhiên, Hồng Ngọc thừa nhận không phải khóa học nào cũng hấp dẫn. Cô từng tham gia khóa tổng quan và phát hiện phần lớn kiến thức đó, cô đã học ở trường.
Vì vậy, Ngọc nhận định những khóa học tổng quan chỉ dành cho người làm trái ngành muốn tiếp cận hoặc rẽ hướng làm marketing. Những người có nền tảng sẵn như cô nên chi tiền cho khóa học chuyên sâu hơn để đáp ứng công việc sau này.
“Đây cũng có thể được coi là góc tối ở sinh viên bởi những kiến thức cơ bản đó trên trường đều đã được dạy. Tuy nhiên, do suy nghĩ và định kiến về việc học trên trường, nhiều sinh viên không chú tâm mà kỳ vọng vào những khóa học bên ngoài nhưng không tìm hiểu kỹ”, Ngọc nhận định.
Theo Hồng Ngọc, trước khi tham gia bất cứ khóa học nào, học viên nên tìm hiểu kỹ giảng viên, xác định rõ mục tiêu khi đi học để chọn cho bản thân khóa học phù hợp. Quá trình học, họ cần nghiêm túc, chăm chỉ thực hành hơn bởi chi phí, công sức bỏ ra không hề nhỏ.
“Nếu được, mình nghĩ sinh viên nên chăm chỉ học các khóa miễn phí, theo dõi những anh chị có nhiều kinh nghiệm và thành tựu nổi bật trong ngành, tham gia một số cuộc thi chuyên môn để tích lũy kiến thức. Chúng ta không nhất thiết phải bỏ tiền học thêm”, Hồng Ngọc chia sẻ.
Đối với Thúy Ngân, cô cho rằng sinh viên ngành Marketing có thể tìm học các khóa Marketing ngắn hạn về mảng kiến thức bản thân yêu thích để hiểu sâu hơn về kiến thức được học trên trường. Từ đó, họ sớm tích được lũy nhiều kỹ năng cần thiết.
Theo Ngân, nếu có điều kiện, học viên có thể tham gia khóa học ở trung tâm để có hệ thống bài bản. Nếu kinh phí hạn hẹp, họ có thể bắt đầu bằng việc tìm kiếm, xây dựng mối quan hệ, từ đó biết đến những khóa học miễn phí nhưng chất lượng.
Ngoài ra, sinh viên có thể tham gia thực tập, đi làm thêm từ sớm nhằm va chạm thực tế, học nhiều kiến thức từ các dự án, chiến dịch marketing.
“Việc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, hiểu bản chất, ứng dụng vào thực tế sẽ là nền tảng để các bạn theo đuổi ngành marketing thành công”, Ngân khẳng định.