Nguyễn Văn Thanh Ngọc, (21 tuổi, từ TP.HCM) hiện là sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thông tin, ĐH FPT Greenwich. Năm nhất đại học, Ngọc từng làm công việc bán thời gian tại một cửa hàng đồ ăn với mức lương 22.000/giờ. Nếu chăm chỉ, mỗi tháng, Ngọc thu nhập cao nhất khoảng 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau gần một năm làm công việc review (trải nghiệm, đánh giá sản phẩm/dịch vụ), ngoài những trải nghiệm tích cực, Ngọc thu về khoản thu nhập 'khủng', đủ để nam sinh tự chi trả học phí 60 triệu đồng/năm.
Nguyễn Văn Thanh Ngọc hiện là một food review. Ảnh: NVCC. |
Tự do, trải nghiệm nhiều, thu nhập khủng
Thanh Ngọc cho biết cậu đã làm nghiêm túc công việc review này từ tháng 7 năm ngoái, khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, việc học trực tiếp được thay thế hoàn toàn bằng trực tuyến khiến nam sinh stress, sức khỏe thể chất và tinh thần bị ảnh hưởng nhiều.
Ngọc quyết định bảo lưu một kỳ học, thử sức với một lĩnh vực mới - food review. Với sở thích nấu nướng và ăn uống, Ngọc bắt đầu công việc. Nam sinh tự tìm tòi, xây dựng nội dung, chỉnh sửa hậu kỳ để cho ra những video đầu tiên mặc dù còn vụng về.
Hiện tại, Ngọc sở hữu một kênh review đồ ăn với hơn 400 nghìn lượt theo dõi. Công việc hàng ngày của Ngọc là làm “chuột bạch”, thử các món ăn tại nhiều địa điểm và đưa ra đánh giá khách quan nhất đến khán giả.
Để có thể liên tục mỗi ngày cập nhật 1-2 video lên kênh của mình, không để thời gian trống, bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, Ngọc đều dành thời gian vừa trải nghiệm, vừa đi quay.
“Có khi, một tuần, mình đi quay cả 7 để chuẩn bị tư liệu. Có ngày nghỉ, mình dành cả ngày đi quay đến 4-5 quán từ sớm đến tối. Vất vả một chút nhưng mình có trải nghiệm nhiều và mình vui vì điều đó”, Thanh Ngọc chia sẻ.
Ngoài việc tìm ra đam mê của bản thân, cập nhật nhiều kiến thức, được trải nghiệm nhiều địa điểm, nhiều vùng văn hóa cùng các món ăn đa dạng, công việc này cũng đem về cho Ngọc mức thu nhập tốt, gấp nhiều lần so với việc làm thêm trước đây.
Nam sinh cho biết thu nhập của cậu đa phần đến từ các booking của quán ăn, nhãn hàng. Hiện tại, Ngọc sống thoải mái mà không phụ thuộc kinh tế vào gia đình. Nam sinh tự chi trả học phí, trang trải sinh hoạt, gửi cho bố mẹ cũng như đi du lịch, mua sắm.
Giống như Thanh Ngọc, Trần He (20 tuổi), sinh viên ngành Digital Marketing, CĐ FPT Polytechnic, lựa chọn cho mình công việc review thay vì làm thêm ở vị trí content marketing tại một công ty chuyên đồ công nghệ như trước đây.
He chọn review về thời trang. Nữ sinh cho biết ngoài việc linh hoạt, không gò bó thời gian, với công việc này, cô có thể thỏa sức sáng tạo và có nhiều trải nghiệm thú vị với các nhãn hàng cùng sản phẩm của họ.
Mỗi ngày, sau giờ học trên trường, He dành thời gian buổi chiều, tối và ngày cuối tuần để lên ý tưởng, xây dựng nội dung, quay video review các sản phẩm.
“Mình có thể thử nhiều sản phẩm mới khác nhau từ các nhãn hàng và có nguồn thu nhập khá ổn, trung bình 30 triệu đồng/tháng, tháng cao nhất lên đến hơn 50 triệu đồng. So với mức thu nhập 2 triệu đồng trước đây, nó là con số lớn hơn nhiều”, He chia sẻ.
Trần He trong một buổi quay review sản phẩm. Ảnh: NVCC. |
Muốn chia sẻ nhiều hơn
Lương Hậu (22 tuổi) hiện là sinh viên năm cuối ngành Marketing, ĐH Thương mại. Gần một năm trước, khi đã hoàn thành sớm chương trình học tại trường, Hậu dành thời gian làm reviewer.
Tuy nhiên, thay vì mục đích kiếm tiền, Hậu tập trung vào những trải nghiệm mình có được, kết nối và chia sẻ nhiều hơn đến với mọi người xung quanh.
Nữ sinh chọn cho mình lĩnh vực giáo dục để xây dựng nội dung. Cô tập trung chia sẻ về các khóa học chất lượng mà bản thân đã từng tham gia, gợi ý những khóa học bổ ích và nêu quan điểm cá nhân.
Để làm công việc này, thay vì trải nghiệm được càng nhiều khóa học càng tốt để có sản phẩm review, Hậu tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi, tạo nên sự khác biệt so với những người còn lại từ chính chuyên môn của mình.
Sau hai tháng, thứ Hậu nhận lại nhiều nhất không phải là thu nhập mà chính là nhận ra bản thân mình “không giới hạn”, có thể làm mọi việc nếu quyết tâm.
Tuy nhiên, mặc dù đã xây dựng được lượng lớn người theo dõi, có nhiều nhãn hàng liên hệ hợp tác làm việc, sẵn sàng chi trả tiền, Hậu quyết định dừng lại để bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng và hoàn thiện bản thân hơn.
Mặc dù chưa tốt nghiệp, hiện tại, Hậu đã làm việc tại vị trí trưởng nhóm thương mại điện tử cho một nhãn hàng thời trang. Hậu cho biết một trong những công việc hàng ngày của cô là tìm kiếm reviewer và booking quảng cáo cho nhãn hàng của mình.
Với vị trí này, Hậu nhận định bản chất sinh viên hiện nay luôn muốn khám phá thế giới xung quanh, khám phá từ những điều nhỏ nhất. Bên cạnh đó, họ cũng luôn thích đổi mới, tự do.
Vì vậy, hiện nay, nhiều sinh viên lựa chọn làm công việc review để có thời gian tự do hơn, thoải mái làm những gì họ muốn và sáng tạo những gì họ nghĩ. Bên cạnh đó, Hậu cho biết thu nhập của các reviewer thường không thấp.
“Thu nhập của các bạn reviewer không giới hạn. Thời gian cao điểm, thu nhập có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, các bạn cũng nhận về những sản phẩm được tặng để trải nghiệm, được hưởng hoa hồng qua các khâu trung gian, đẩy mạnh thương hiệu cá nhân…”, Lương Hậu nhận định.
Hậu tập trung xây dựng những giá trị cốt lõi, tạo nên sự khác biệt so với những người còn lại từ chính chuyên môn của mình. Ảnh: NVCC. |
Reviewer chỉ nhận tiền quảng cáo?
Cả Thanh Ngọc, Trần He hay Lương Hậu đều chia sẻ nhiều người lầm tưởng công việc review rất dễ, vừa “được ăn, được nói, lại được gói mang về”. Tuy nhiên, chỉ khi “lâm trận” rồi, họ mới biết tưởng dễ mà không dễ.
Trần He nhìn nhận review đem lại cho cô nhiều mặt lợi, nhưng song song với đó cũng là việc phải sáng tạo nội dung không ngừng nghỉ để khán giả không nhàm chán, đồng thời phù hợp với yêu cầu của nhãn hàng. Nữ sinh luôn tự học, tự thay đổi bản thân để tốt lên mỗi ngày.
Lương Hậu cũng đã trải qua cảm giác các video review của bản thân không có nổi một bình luận, rất ít tương tác. Chưa kể, cô gặp trục trặc phát sinh bởi kỹ thuật quay chưa tốt, bản thân đã có lúc thiếu kỷ luật và muốn dừng lại.
Tuy nhiên, vượt qua tất cả, nữ sinh rút ra cho bản thân: “Thất bại sẽ cho kinh nghiệm, thành công sẽ cho trải nghiệm. Bạn chỉ hối hận với những gì mình chưa làm thôi. Bạn là không giới hạn”.
Với Thanh Ngọc, thời điểm nam sinh bắt đầu công việc này cũng là lúc cậu gặp nhiều vấn đề về tâm lý, sức khỏe. Đó là giai đoạn khó khăn của cậu. Ngoài ra, khi mới bắt đầu, Ngọc chưa sắp xếp được thời gian phù hợp khiến việc học, việc sinh hoạt bị đảo lộn. Chưa kể, cậu cũng chịu áp lực từ những bình luận tiêu cực.
Đã không ít lần, Thanh Ngọc nhận về nhiều ý kiến trái chiều cho rằng reviewer chỉ nhận tiền quảng cáo, chỉ khen mà không chê, làm mất đi bản chất của việc trải nghiệm và đưa ra đánh giá khách quan toàn diện của việc review.
Ngọc nhận định với việc thị trường đang dần bão hòa, không ít reviewer đặt lợi nhuận của bản thân lên hàng đầu như quan điểm trên. Tuy nhiên, Thanh Ngọc tự nhận bản thân luôn đề cao việc đưa ra cái nhìn chân thực cho khán giả.
Ngọc chia sẻ nhiều quán ăn sẵn sàng chi trả số tiền lớn để cậu review nhưng nam sinh thường tự trải nghiệm sản phẩm trước khi nhận lời hợp tác.
“Khán giả tin tưởng mới ủng hộ mình. Lương tâm nghề nghiệp không cho phép mình bỏ qua lợi ích của khán giả”, Thanh Ngọc khẳng định.
Cùng quan điểm với Ngọc, Lương Hậu hoàn toàn phản đối quan điểm “các reviewer chỉ nhận tiền quảng cáo”. Ở vị trí nhãn hàng, Hậu cho rằng những ai đưa ra nhận định này đều không có chuyên môn về đánh giá, nhìn nhận và phân tích một reviewer chân chính.
Đối với Hậu, việc khó nhất đối với một reviewer là sự tin tưởng. Nữ sinh nhận định: “Khán giả theo dõi reviewer vì họ là chính họ chứ không phải vì họ cố gắng trở thành một con người khác. Những gì mà reviewer có tiệm cận với những điều mà người tiêu dùng đặt niềm tin”.
Theo Hậu, reviewer hay nhãn hàng là mối quan hệ win-win. Tuy nhiên, lợi ích mà các reviewer đem lại là lan tỏa thông điệp một cách tự nhiên, rộng rãi, thông tin tới người dùng chính xác để họ tin tưởng và chắc chắn hơn cho quyết định mua hàng của mình.
“Tuy nhiên, để giữ được giá trị cốt lõi, các reviewer hãy thành thật với bản thân mình trước”, Hậu khẳng định.