Nhiều sinh viên có 2-4 giờ rảnh rỗi mỗi ngày, các bạn dành hầu hết thời gian đó chỉ để lướt mạng xã hội. Ảnh minh họa: Freepik. |
“Thời gian rảnh, mình lướt mạng xã hội, xem phim hoặc dành phần lớn thời gian để ngủ, đi chơi cùng bạn bè. Nhiều khi mình cũng thấy bản thân sa đà vào mạng xã hội quá, khó thoát ra được".
Đó là chia sẻ của Ngọc Linh, sinh viên năm thứ 3 tại Hà Nội, khi được hỏi “làm gì trong thời gian rảnh". Không riêng Ngọc Linh, hàng nghìn sinh viên khác cũng dùng thời gian rảnh để lướt mạng, giải trí.
Mới đây, nhóm nghiên cứu ở Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã công bố khảo sát ý kiến của hơn 21.600 sinh viên.
Kết quả, 66,7% sinh viên nói có 2-4 giờ rảnh rỗi mỗi ngày, số còn lại có ít hơn (dưới 2 giờ). Trong khoảng thời gian này, các em chủ yếu nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng cách xem phim, nghe nhạc, dùng mạng xã hội, với điểm đánh giá trung bình là 3,9/5.
Sinh viên cũng quan tâm đến phát triển bản thân, tuy nhiên, mức độ quan tâm này khá khiêm tốn so với các hoạt động khác.
Sinh viên có ít thời gian rảnh rỗi?
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Ngọc Linh cho biết một ngày có 24 giờ, nữ sinh giành khoảng 13-14 giờ để học tập. Như vậy, Linh còn lại 10 giờ cho việc ăn, ngủ và nghỉ ngơi. Những ngày trong tuần, Linh rảnh rỗi khoảng 1-2 giờ, ngày cuối tuần nhiều hơn, khoảng 5-6 giờ.
Nếu ở năm nhất hoặc năm 2, thời gian rảnh sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, thay vì học hỏi kỹ năng để phát triển bản thân, nữ sinh cho biết phần đa thời gian rảnh rỗi, cô dùng để lướt mạng xã hội vì có tới 4 ứng dụng. Ngoài ra, thi thoảng, Linh cũng đọc truyện hoặc xem phim. Cuối tuần rảnh hơn, nữ sinh dành để ngủ hoặc đi chơi cùng bạn bè.
“Đôi khi, mình cũng muốn đi tập thể dục hoặc tham gia hoạt động tập thể nào đó nhưng lười hoặc mệt do đi học, thực tập, nên chọn ở nhà lướt mạng xã hội, xem phim để nghỉ ngơi", Linh nói.
Tương tự, Vũ Nam (sinh viên năm 2 tại Hà Nội) cũng chỉ rảnh rỗi khoảng 2 giờ mỗi ngày. Nam cho rằng thời gian rảnh như vậy là không quá nhiều. Do đó, nam sinh muốn dành thời gian đó để nghỉ ngơi, giải trí như lướt mạng xã hội, chơi game, thể thao, giao lưu cùng bạn bè hoặc đi ngủ.
Nam cho hay bản thân cũng quan tâm đến việc học các kỹ năng mềm hoặc ngoại ngữ để phát triển bản thân, song không có nhiều thời gian.
“Ngoài giờ học trên lớp, mình dành hầu hết thời gian để tự học. Bài vở trên lớp khá nhiều, nếu dành thêm thời gian rảnh rỗi để học thêm kỹ năng khác, mình e sẽ quá tải", Nam nhìn nhận.
Uyển Nhi phải dành thời gian rảnh để lướt mạng do khu làng đại học thiếu không gian vui chơi phù hợp với sinh viên. Ảnh: NVCC. |
Uyển Nhi, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) lại đưa ra một góc nhìn khá khác. Nữ sinh cho biết cô không tham gia khảo sát của trường, nhưng khi đọc thông tin trên các trang báo, cô thấy câu trả lời của các bạn khá khớp với tình trạng hiện tại của bản thân.
Ngoài giờ đi học, làm thêm, sinh hoạt cá nhân, nữ sinh có khoảng 2-4 tiếng đồng hồ rảnh rỗi. Với thời gian này, cô thường dành để nằm ở ký túc xá chơi điện thoại, lướt mạng xã hội.
Về việc dành toàn bộ thời gian rảnh để lướt mạng, Nhi cho biết vấn đề không phải do lười biếng hay mệt đến mức không muốn làm gì, mà vì sinh viên nói chung và sinh viên ở làng đại học nói riêng đang thiếu đi không gian, cơ hội để nghỉ ngơi, giải trí.
Nữ sinh lấy ví dụ khu làng đại học rất ít nơi để sinh viên vui chơi, tụ họp, chỉ có hàng ăn và một số quán cà phê, trà sữa. Trong khi đó, thư viện trung tâm chỉ mở đến 18h30, sinh viên muốn ở lại đọc sách hoặc học bài đến tối muộn cũng không thể.
“Sinh viên làng đại học như bọn mình muốn đi chơi phải lên trung tâm thành phố, đi xa hơn, tốn kém hơn. Đó là lý do mình và nhiều bạn chỉ lướt mạng xã hội vì nó miễn phí, dù biết không tốt”, Nhi nói với Tri Thức - Znews.
Muốn có thêm không gian để giải trí
Dành nhiều thời gian để lướt mạng xã hội, Linh thừa nhận bản thân cũng đang lãng phí thời gian vì dùng khá nhiều nền tảng. Nhiều khi, nữ sinh chỉ có ý định lướt mạng khoảng 30 phút, song có thể kéo dài cả tiếng, chiếm hết thời gian cho dự định khác. Bên cạnh đó, Linh cũng cảm nhận bản thân dễ mất tập trung, ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng tư duy.
Vì vậy, thời gian này, Linh bắt đầu chú trọng lập kế hoạch cụ thể dù hiểu việc sử dụng thời gian rảnh rỗi hiệu quả.
“Thi thoảng, mình vẫn không kiểm soát được thời gian nhưng cũng đỡ hơn đợt trước. Chắc chỉ còn cách xóa bớt ứng dụng hoặc cách ly với điện thoại mới khắc phục triệt để được", Linh chia sẻ.
Lướt mạng xã hội quá nhiều khiến sinh viên cảm thấy mệt, giảm khả năng tập trung. Ảnh minh họa: Freepik. |
Tương tự, ngày ngày nằm ở ký túc xá lướt mạng xã hội, Uyển Nhi nhận thấy sức khỏe tinh thần của bản thân cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Các nền tảng video ngắn cũng khiến cô khó tập trung hơn, nhiều khi không thể tập trung quá 30 phút.
Nhận thấy việc nằm nhà lướt mạng không mang lại giá trị giải trí và học hỏi cho bản thân, Nhi quyết định thay đổi lối sống bằng cách đọc sách, đi cà phê tán gẫu với bạn bè hoặc tham gia các hội thảo, talkshow liên quan ngành học.
Là sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, Nhi thường tham gia các talkshow có nội dung về truyền thông, quảng cáo. Dù chưa tạo được những mối quan hệ lớn, nữ sinh vẫn cảm thấy hoạt động này giúp bản thân mở mang đầu óc, bớt mụ mị vì mạng xã hội như trước đây.
Nói thêm về đời sống sinh hoạt của sinh viên khi rảnh rỗi, Uyển Nhi bày tỏ mong muốn Đại học Quốc gia TP.HCM có thể tạo điều kiện cho sinh viên vui chơi, giải trí, ví dụ như mở cửa thư viện muộn hơn, hoặc mở thêm những không gian chung phù hợp cho sinh viên…
“Nhu cầu tiếp nhận tri thức của mình khá lớn, nên ngoài những đề xuất trên, mình cũng mong trường có thể tổ chức thêm nhiều hội thảo, talkshow và mời chuyên gia trong ngành để sinh viên chúng mình có thêm không gian và cơ hội học tập”, nữ sinh đề xuất.
Trong khi đó, Vũ Nam xác định nếu học thêm kỹ năng hoặc ngoại ngữ để phát triển bản thân, cậu sẽ sắp xếp vào dịp hè. Khi đó, nam sinh sẽ có nhiều thời gian để tập trung hơn thay vì dồn vào trong năm.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.