Trong buổi tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm 29/11, Phạm Thị Thanh - sinh viên Học viện Kỹ thuật Mật mã - đặt câu hỏi cần học tập và làm việc như thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD/tháng.
Câu hỏi này gây ra cuộc tranh luận liệu sinh viên mới ra trường có ảo tưởng khi nêu con số trên.
Ý kiến trái chiều
Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN Media - từng nhận xét một bộ phận không nhỏ bạn trẻ non cả kiến thức lẫn nghề nhưng lại “chảnh” và ảo tưởng về bản thân khi tìm việc.
Theo ông, thay vì đòi chễm chệ trên đỉnh tháp Maslow, các bạn nên chịu khó đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo cho bản thân những nhu cầu thiết yếu hàng ngày rồi hẵng leo dần lên.
Bà Huỳnh Mai An Đông cho rằng 2.000 USD/tháng là con số "trên mây" đối với sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Bà Huỳnh Mai An Đông - Giám đốc Công ty SUN UP Media - chia sẻ là nhà tuyển dụng, bà khá mệt mỏi khi nhiều sinh viên mới ra trường thiếu kiên nhẫn. Một số bạn đòi mức lương cao vì họ học giỏi nhưng khi làm việc lại không hiệu quả.
Bà Đông nói thêm một số người mất 10 năm phấn đấu và chỉ nhận mức lương 2.000 USD khi trở thành giám đốc. Lương khởi điểm 2.000 USD/tháng cho sinh viên mới ra trường là "trên mây" với phần lớn bạn trẻ. Thay vì đòi mức lương cao, các bạn nên tự hỏi mình làm được gì cho công ty để được nhận con số đó.
Cũng theo nữ giám đốc, với mặt bằng chung hiện nay, rất ít nơi trả mức lương khởi điểm như vậy. Để nhận được 2.000 USD/tháng, người lao động phải có tố chất đặc biệt, không chỉ giỏi kiến thức, mà còn mang lại giá trị cho công ty.
Từ góc độ nhà tuyển dụng, bà Đông chấp nhận trả lương cao hơn mặt bằng chung cho những bạn có năng lực nhưng phải phù hợp đóng góp của người lao động.
Tranh luận với quan điểm của bà Đông, một số nhà tuyển dụng khác đánh giá cao nữ sinh đặt câu hỏi. Họ cho rằng đó không phải yêu cầu quá đáng.
Bà Trần Nguyễn Thiên Hương - Chủ tịch Tập đoàn Sun Flower Media - nói bà thích cách bạn trẻ đó dám ao ước và thẳng thắn bày tỏ nguyện vọng của mình.
“Người trẻ phải ước mơ mới có mục tiêu phấn đấu. Thành đạt là mơ ước chính đáng của mỗi người, vấn đề là phải làm gì để đạt được ước mơ đó”, bà Hương nêu quan điểm.
Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đồ họa: Nguyễn Sương. |
Ông Nguyễn Anh Việt - Trưởng phòng Nhân sự, Công ty cổ phần Phần mềm Citigo, đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm quản lý bán hàng KiotViet - khẳng định nhà tuyển dụng trả lương theo hiệu quả công việc. Mức lương 2.000 USD/tháng hoàn toàn không phải ảo tưởng nếu sinh viên mới ra trường có năng lực, tố chất xứng đáng.
Theo ông, ở bất cứ ngành nghề nào, để nhận được mức lương cao hơn mặt bằng chung, tân cử nhân, kỹ sư cần nắm vững, hiểu sâu kiến thức được học, biết cách ứng dụng kiến thức đó vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, bạn trẻ cần giỏi ngoại ngữ, ham học hỏi, sáng tạo và nắm được xu thế thế giới của ngành mình làm việc.
Ông nói thêm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều bạn làm việc từ xa với công ty nước ngoài từ khi còn ngồi ghế giảng đường. Họ có thu nhập hơn 2.000 USD/tháng nên việc đòi hỏi mức lương khởi điểm tương tự không phải vô lý.
Sinh viên Phạm Thị Thanh đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”. Ảnh: VietNamNet. |
'Cứ nỗ lực, tương lai sẽ trả lời'
Câu hỏi về mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Bạn Trịnh Quang Linh (sinh viên năm thứ ba, ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) nêu quan điểm sinh viên có khả năng đạt mức lương khởi điểm 2.000 USD sẽ không đặt câu hỏi như vậy.
"Người trẻ có thực lực tìm được mục tiêu, lối đi riêng và biết rõ mình cần phải làm gì chứ không phải đi hỏi người khác rằng tôi cần làm thế nào để đạt được mục tiêu của chính mình”, Linh viết trên Facebook.
Anh Tuấn (29 tuổi, kỹ sư cơ khí) kể trước đây, khi còn là sinh viên, anh và nhiều bạn hy vọng sẽ tìm được việc với mức lương 1.000 USD. Tuy nhiên, sau nhiều năm ra trường, không ít bạn anh đang chấp nhận công việc với lương 2-3 triệu đồng/tháng.
“Với sinh viên mới ra trường, để có mức lương khởi điểm 2.000 USD, bạn phải có người dẫn đường hay dựa vào mối quan hệ đặc biệt”, Anh Tuấn đưa ý kiến.
Theo nhà báo Lê Hồng Kỹ, làm giàu là ước mơ chung, nhưng không nhiều người đạt được. Anh khuyên sinh viên "cứ học đi", tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu với giới làm ăn, tìm kiếm công việc làm thêm giàu tính cạnh tranh. Ra trường, bạn trẻ có thể kiếm việc, học thêm Tiếng Anh, kỹ năng sống; apply học bổng MBA, làm tiến sĩ ở các nền giáo dục phát triển...
"Có thể, tất cả những việc em làm không giúp kiếm được lương khởi điểm 2.000 USD. Nhưng ít nhất, nó giúp em không đói, có thêm hiểu biết, hòa mình vào dòng chảy cuộc sống và biết đâu đó em sẽ tìm được những cơ hội làm giàu cho mình, điều mà không ai khuyên em được cả", nhà báo viết.
Cũng theo anh Hồng Kỹ, sinh viên mới ra trường không có lương khởi điểm 2.000 USD, nhưng năm bảy năm sau có thể kiếm được 10.000, 50.000, 100.000 USD/tháng hoặc hơn.
"Đến lúc tự biết có thể tạo ra giá trị gì cho công ty tuyển dụng, em sẽ định giá được bản thân để đưa mức lương của mình lên bàn đàm phán. Cứ nỗ lực đủ đi em, mọi thứ khác để tương lai trả lời”, anh đưa lời khuyên.
Theo VietNamNet, trả lời câu hỏi của sinh viên Phạm Thị Thanh, ông Khổng Huy Hùng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) - cho rằng con số 2.000 USD không quan trọng bằng việc em sẽ mang lại cho công ty bao nhiêu.
"Một bạn sinh viên mới ra trường, thông thường, anh không nghĩ bạn ấy sẽ mang lại được 10.000-15.000 USD/tháng để anh trả lại cho bạn ấy 2.000 USD", ông Hùng nói.
Ông Lê Minh Hưng - Giám đốc Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - cũng khuyên người trẻ nên kiên nhẫn một chút trong vấn đề lương sau khi ra trường.