Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên học doanh nghiệp cách phát triển bền vững

Sau một ngày tham quan thực tế tại nhà máy giấy Vina Kraft, hơn 40 đại sứ “Chung ước mơ xanh” đã có những bài học quí giá về quy trình sản xuất xanh và phát triển bền vững.

Tìm hiểu khái niệm phát triển bền vững

Với chủ đề biến đổi khí hậu, Chung ước mơ xanh lần 3 - một trong những dự án trách nhiệm xã hội của tập đoàn hàng đầu khu vực Đông Nam Á SCG - đã và đang dẫn dắt nhóm 40 đại sứ sinh viên xuất sắc tìm hiểu những kiến thức quý giá về biến đổi khí hậu, và trải nghiệm nhiều bài học thực tế trong việc bảo vệ môi trường từ chính tập đoàn.

Một trong những hoạt động đào tạo nổi bật của dự án là chuyến đi thực tế đến nhà máy giấy Vina Kraft (Bình Dương), nơi mà SCG đang áp dụng những công nghệ thân thiện với môi trường vào quá trình sản xuất, cũng như những tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện cam kết là một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các đại sứ chương trình Chung ước mơ xanh của SCG có mặt tại nhà máy giấy Vina Kraft (Bình Dương).

Phát triển bền vững chính là sự phát triển lâu dài phù hợp với yêu cầu của thế hệ hôm nay, mà không gây ra những khả năng nguy hại đến các thế hệ mai sau trong việc thỏa mãn nhu cầu riêng và các mức sống. Vì thế, phát triển bền vững được miêu tả như một sự biến đổi sâu sắc, trong đó việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, việc chọn cơ cấu đầu tư, áp dụng các loại hình tiến bộ kỹ thuật và cơ cấu hành chính phải phù hợp với các nhu cầu hiện tại và cả tương lai.

Thông qua chuyến đi này, hơn 40 đại sứ đã có dịp tận mắt nhìn thấy từng qui trình sản xuất xanh, và đặc biệt là hiểu biết thêm về khái niệm phát triển bền vững đang được cả thế giới quan tâm.

Từ thực tế của một doanh nghiệp

Trước khi tham quan cả một hệ thống sản xuất giấy Kraft (giấy tái sinh, tái chế) to lớn của Vina Kraft, các đại sứ đã được giới thiệu về cơ cấu tổ chức, một số giải pháp của SCG và nhà máy để duy trì sự cân bằng giữa lợi ích xã hội, môi trường và tăng trưởng kinh doanh.

40 đại sứ môi trường từ dự án SCG - Chung ước mơ xanh được các kĩ sư giới thiệu về nhà máy giấy và mô hình sản xuất xanh thân thiện với môi trường.

Theo đó, tại nhà máy giấy Vina Kraft, nguyên tắc 3G (Green Product - Sản phẩm xanh, Green Process - Qui trình xanh và Green Heart - Suy nghĩ xanh) đã được triển khai sâu rộng nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Sau đó, trong trang phục bảo hộ lao động, hơn 40 đại sứ đã háo hức đến tham quan từng nhà máy, phân xưởng.

Chăm chú lắng nghe giới thiệu từng khu vực trong mô hình sản xuất xanh của nhà máy.

Các chuyên gia của nhà máy còn tận tình giải thích từng quy trình sản xuất giấy, từ khâu chọn lọc, phân loại đến quá trình cho ra thành phẩm hoàn chỉnh. Các công nghệ hiện đại ở đây đều được sử dụng để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, có mức độ tái chế cao và quản lý hiệu quả chất thải từ sản phẩm.

Đến sự thay đổi trong suy nghĩ của giới trẻ

Bên cạnh các hoạt động tham quan nhà máy, các sinh viên còn được các chuyên viên hàng đầu của SCG huấn luyện về khái niệm “sống xanh” và “phát triển bền vững” trong mỗi hành động của bản thân. “Thông qua các bài học huấn luyện, bước đầu mình nhận thấy tầm quan trọng nhất của phát triển bền vững là không để những việc làm của chúng ta sẽ tác động tiêu cực đến thế hệ tương lai. Qua chuyến tham quan này, mình thấy việc sản xuất hoàn toàn là nguyên liệu tái chế, nước thải cũng được tái sử dụng ở mức cao nhất, như vậy góp phần bảo đám tài nguyên cho tương lai”, Ngô Đức Huy (ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ.

Các sinh viên khám phá trí tuệ cảm xúc và giá trị sống để sẵn sàng vận dụng vào thực tế.

Với những sinh viên chuyên ngành môi trường như bạn Đức Huy, chuyến tham quan tựa như hoạt động kiến tập hiếm có. Trong khi đó, bạn Phùng Thị Minh Đan (ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã phải thốt lên: “Điều mình thấy ấn tượng nhất là hóa ra đến 97% giấy được sản xuất ở đây là từ giấy đã qua sử dụng, trong khi chỉ có 3% nguyên liệu giấy nguyên thủy. Điều này khác hẳn so với suy nghĩ của mình trước kia về làm giấy”.

Huỳnh Ngọc Bảo Trân (ĐH Sài Gòn) tiếp lời: “Em nghĩ, không chỉ tại các doanh nghiệp sản xuất mới cần phát triển xanh, mà ta cần thể hiện điều này trong chính cuộc sống của mình. Nguyên tắc 3G hoàn toàn có thể áp dụng trong thực tiễn cuộc sống”.

Như vậy, không chỉ riêng các tập đoàn lớn, mà ngay cả chính những bạn trẻ hôm nay, việc áp dụng khái niệm phát triển bền vững không phải là điều quá to lớn, và việc cố gắng duy trì sẽ dần trở thành một thói quen tốt cho cả thế hệ tương lai của đất nước.

Tư liệu: SCG

Bạn có thể quan tâm