“Smart city” hay đô thị thông minh là mô hình đô thị áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất trong sinh hoạt, vận hành nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Đây cũng là mục tiêu của TP.HCM và nhiều thành phố lớn khác tại Việt Nam hiện nay.
Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Trong đó, cộng đồng sinh viên của các trường đại học - những người trẻ năng động với nhiệm vụ “kết nối” đời sống thường nhật và những nghiên cứu, sáng tạo - chính là động cơ tiềm năng.
Một trong những “biểu hiện” dễ thấy nhất ở một đô thị thông minh là tiêu chí “xanh”. Điều này thể hiện trong cách xây dựng các tòa nhà kết hợp với công viên cây xanh, sử dụng năng lượng mặt trời, vật liệu tái sử dụng, vật liệu thân thiện với môi trường... Các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng tương lai là những người đầu tiên có thể đáp ứng tiêu chí “xanh” đó.
Sinh viên Hutech thể hiện ý tưởng sáng tạo tái sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong cuộc sống. |
Tiện ích thông minh có thể đến từ những sáng tạo nhỏ nhưng thiết thực, đơn cử như máy ép rác mini dùng trong hộ gia đình của nhóm sinh viên Phan Đặng Trùng Dương, Huỳnh Tấn Long, Nguyễn Quang Nhân (ngành kiến trúc, Đại học Công nghệ TP.HCM - Hutech).
Với chiếc máy này, rác hữu cơ được ép thành dạng bánh, khô ráo, gọn gàng, có thể lưu trữ rác 2-3 ngày mà không bốc mùi, tiện lợi cho những người bận rộn với công việc mỗi ngày, phù hợp dùng trong nhà hàng, khách sạn, các chung cư… Chiếc thùng rác này được đánh giá cao và xuất sắc đạt giải ba “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2017” của Thành đoàn TP.HCM.
Cùng mối quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhiều nhóm sinh viên ngành kiến trúc, kỹ thuật xây dựng tại Hutexch nghiên cứu vật liệu tái sử dụng cho tấm trần trong các công trình kiến trúc, nghiên cứu sản xuất gạch nhẹ không nung và tấm xốp cách nhiệt, cách âm từ cát biển - loại tài nguyên dồi dào chưa được khai thác đúng mức ở Việt Nam.
Các cuộc thi học thuật là cơ sở để sinh viên phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo. |
Bên cạnh những sản phẩm hữu hình, các ứng dụng công nghệ thông tin ảo cũng góp phần quan trọng xây dựng đô thị thông minh. Các nghiên cứu về chất lượng hệ thống thông tin kế toán trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn nhân lực (ERP) tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, rút trích văn bản hành chính phục vụ công tác quản lý... là những công trình tiêu biểu của sinh viên Hutech được đánh giá cao về tính khả thi.
Các trường đại học tại TP.HCM được xem là hạt nhân tri thức đóng góp tích cực cho đô thị thông minh. Đó cũng là thước đo chất lượng đào tạo của các trường đại học. Để sinh viên có nhiều ý tưởng sáng tạo hiệu quả, các trường đại học phải tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, nghiêm túc đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong giảng viên, sinh viên.
Hành trình từ giảng đường, phòng thí nghiệm đến thực tế cần nhiều nỗ lực. Tại Hutech, những nỗ lực đầu tiên đến từ chương trình đào tạo thực tiễn, chú trọng kỹ năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề... Bên cạnh đó, trường còn chú trọng ý thức cộng đồng, năng lực và đam mê tìm tòi nghiên cứu của mỗi sinh viên.
Phạm Hữu Nhi, sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng Hutech, trưởng nhóm nghiên cứu sản xuất gạch từ cát biển, chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, mình thấy hào hứng vì có thể vận dụng những kiến thức mình đã học vào thực tiễn, từ đó học hỏi thêm nhiều kiến thức, được trải nghiệm thực tế, tự tay làm ra sản phẩm... Môi trường nghiên cứu, thiết bị ở phòng thí nghiệm của trường và sự hướng dẫn tận tình của thầy cô cũng là động lực lớn với mình”.
Trong quá trình học tập, sự hướng dẫn tận tình của thầy cô là động lực lớn cho sinh viên. |
Từ ý tưởng đến thực tế, từ giảng đường đến cuộc sống là một hành trình dài. Ở đó cần sự chung tay của cả sinh viên, trường đại học lẫn cộng đồng xã hội. Những tín hiệu tích cực từ công trình sinh viên tại Hutech được xem là khởi đầu thuận lợi cho những đô thị thông minh mà người Việt đang hướng đến.