“Khi nào thành phố gỡ bỏ phong tỏa, tôi sẽ về quê”, một sinh viên vừa tốt nghiệp đang bị mắc kẹt tại Thượng Hải chia sẻ. Thành phố này vốn là nơi quy tụ nhiều trường đại học cùng các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Trước đây, sau khi hoàn thành việc học, phần lớn sinh viên lựa chọn ở lại tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, làn sóng rời Thượng Hải trở thành vấn đề được nhiều người trẻ tuổi quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chiến dịch Zero Covid.
Trường học ở Thượng Hải phong tỏa, sinh viên không được ra ngoài. Ảnh: Sohu. |
Ảnh hưởng của lệnh phong tỏa
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số khu vực của Trung Quốc, trong đó có Thượng Hải. Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi chính quyền phong tỏa toàn thành phố, sinh viên đại học và người đi làm bị mắc kẹt tại đây. Họ đối mặt với vô vàn khó khăn.
Theo Tencent News, nhiều sinh viên trong thời gian học thực hành tại trường chỉ còn cách ngủ trên sàn nhà trong phòng thí nghiệm, bất lực chờ đợi các đợt tuyển dụng sau khi thành phố gỡ phong tỏa.
Bộ phận sinh viên sống trong ký túc xá cũng gặp khó khăn về sự thiếu thốn vật tư. Nhiều người cho biết bản thân đã hơn 10 ngày chưa được tắm rửa. Sinh viên nữ được cấp phát băng vệ sinh một lần duy nhất từ khi trường phong tỏa.
Vì tình trạng thiếu thốn đồ dùng sinh hoạt, nhiều người phải dùng cách thức “vật đổi vật” để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của bản thân.
Tuy nhiên, điều khiến các sinh viên ở Thượng Hải lo lắng hơn cả chính là thủ tục tốt nghiệp bị trì hoãn. Tình hình dịch bệnh khiến nhiều công ty, xí nghiệp đóng cửa, việc tìm kiếm việc làm trở nên càng khó khăn hơn đối với những người trẻ sắp ra trường này.
Phần lớn dân số Thượng Hải là người ngoại tỉnh hoặc sinh viên mới tốt nghiệp đến tìm kiếm việc làm. Việc phong tỏa thành phố trong thời gian dài khiến họ mất nguồn thu nhập nhưng vẫn phải chi trả những khoản phí như tiền nhà, tiền điện, nước đắt đỏ mỗi tháng.
Đứng trước tình trạng này, nhiều người bày tỏ sự bất lực và chán nản. Không ít người đưa ra quyết định về quê hoặc chuyển đến thành phố khác sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.
Cuộc cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm rất khốc liệt (ảnh chụp trước khi Thượng Hải phong tỏa). Ảnh: Sohu. |
Mức sống đắt đỏ, cạnh tranh khốc liệt
Là thành phố sầm uất và phát triển bậc nhất Trung Quốc, chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng ở thành phố này cũng là lý do khiến nhiều người muốn “bỏ phố về quê”.
Thời gian gần đây, câu chuyện của nam thanh niên xuất thân từ trường đại học hàng đầu Trung Quốc cùng bạn gái đến Thượng Hải lập nghiệp nhưng sắp rời bỏ thành phố thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Theo Sina, sau 6 năm cố gắng làm việc và tiết kiệm, 2 người có trong tay 2 triệu nhân dân tệ, tương đương hơn 7 tỷ đồng.
Với số tiền này, họ hoàn toàn có thể mua căn biệt thự nhỏ ở thành phố bình thường. Tuy nhiên, ở Thượng Hải, số tiền này chỉ đủ để mua một căn hộ cũ. Nhận ra vô vàn khó khăn mà người ngoại tỉnh phải đối mặt khi sinh sống tại đây, anh quyết định rời bỏ Thượng Hải, trở về quê hương sinh sống ngay khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ.
Thượng Hải cũng là nơi hội tụ của những sinh viên trong và ngoài nước với tài năng, trình độ học vấn cao. Do đó, cuộc cạnh tranh tìm kiếm công việc khiến nhiều người trẻ tuổi cảm thấy “ngạt thở”.
Việc nắm trong tay tấm bằng cử nhân, thạc sĩ của các trường đại học danh tiếng hàng đầu Trung Quốc cũng không thể giúp họ có lợi thế trong mắt nhà tuyển dụng.
Nhiều người trẻ tuổi đến từ các nơi khác còn cảm thấy lạc lõng khi sống tại Thượng Hải. Cho dù làm việc chăm chỉ đến đâu, họ vẫn thấy bản thân không thể hòa nhập vào cuộc sống nơi đây.
Điều này xuất phát từ chính sách định cư nghiêm ngặt, điều kiện để mua nhà quá khắt khe của Thượng Hải đối với người dân ngoại tỉnh. Ngoài ra, quan niệm phân biệt trong hôn nhân của người bản địa cũng là trở ngại lớn đối với những người muốn lập gia đình ở đây.