Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Sinh viên lo đường học tập bị 'chặn' nếu siết giờ làm thêm

Trước đề xuất giới hạn giờ làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học, nhiều sinh viên tỏ ra băn khoăn, lo lắng cuộc sống bị ảnh hưởng.

sinh vien lam them anh 1

Việc làm thêm của sinh viên dự kiến giới hạn không quá 20 giờ/tuần. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Một tuần nay, Kim Anh (sinh viên năm 2 tại Đại học Công thương TP.HCM) sốt ruột trước đề xuất giới hạn thời gian làm thêm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

"Siết giờ làm thêm đồng nghĩa giảm thu nhập, lúc đó, mình không biết phải xoay xở thế nào để tiếp tục con đường đại học", Kim Anh chia sẻ.

Ngày 15/3, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến dự thảo Luật việc làm sửa đổi. Trong đó có quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.

Nếu áp dụng quy định làm việc 5 ngày mỗi tuần, trung bình học sinh, sinh viên được làm 4 giờ mỗi ngày.

Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh viên

Trao đổi với Tri thức - Znews, Kim Anh và nhiều sinh viên khác bất ngờ khi biết tin. Hiện tại, nữ sinh đang làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng, mức lương 25.000 đồng/giờ. Trung bình mỗi tuần, Kim Anh làm 21-25 giờ. Những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, thời gian làm việc sẽ dài hơn, có thể gấp đôi.

Mỗi tháng, nữ sinh nhận lương khoảng 3 triệu đồng, trong khi đó, riêng tiền trọ đã hết 1,5 triệu đồng. Mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt, đi lại của cô gói gọn trong 1,5 triệu đồng còn lại.

sinh vien lam them anh 2

Trung bình mỗi tuần, Kim Anh làm thêm 21-25 giờ. Ảnh: NVCC.

"Hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương công nhân của mẹ chỉ đủ lo học phí. Mọi chi phí sinh hoạt còn lại đều phụ thuộc vào việc đi làm thêm của mình. Nếu hạn chế giờ làm, mình không biết sẽ xoay xở ra sao bởi làm thêm công việc thứ 2 cũng chỉ được làm 20 giờ/tuần. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, cơ hội học tập của mình cũng sẽ bị hạn chế", Kim Anh chia sẻ.

Tương tự, gia đình chỉ trợ cấp học phí, để có chi phí sinh hoạt tại Hà Nội, Nguyễn Hạnh (sinh viên năm 2, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam) cũng làm thêm khoảng 6 giờ/ngày, cuối tuần có thể sẽ tăng ca. Trung bình mỗi tuần, Hạnh làm khoảng 40-42 giờ, mức lương khoảng 4 triệu đồng, đủ để sinh hoạt chứ không có dư.

"Nếu siết giờ làm thêm, thu nhập của mình sẽ giảm một nửa, gánh nặng gia đình sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, dự thảo này cũng không phù hợp với quy định của nhiều đơn vị. Ví dụ, nhà hàng nơi mình đang làm việc quy định ca làm 6 giờ, nếu xin giảm, chủ quán cũng không đồng ý", Hạnh lo lắng.

Tương tự, Thu Trang (sinh viên năm nhất, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng đề xuất giới hạn giờ làm thêm ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội học tập của học sinh, sinh viên.

Hiện tại, thu nhập từ làm thêm giúp Trang có tiền sinh hoạt và đầu tư học thêm các khóa học bên ngoài như IELTS để tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

"Nếu giới hạn giờ làm thêm, thu nhập của mình chắc chắn giảm, không đủ sinh hoạt và phát triển bản thân. Mình không phải đóng tiền trọ, có bố mẹ hỗ trợ học phí nhưng vẫn thấy khó khăn, những bạn không có hỗ trợ chắc chắn khó khăn hơn nhiều", Trang nói.

Dù còn nhiều băn khoăn, Thu Trang cũng cho rằng đề xuất giới hạn giờ làm thêm vẫn có những tác động tích cực, nổi bật nhất vẫn là sinh viên có thời gian nghỉ ngơi và học tập nhiều hơn.

Đồng quan điểm, Quốc Dũng (sinh viên Học viện Ngoại giao) đánh giá việc làm thêm sẽ giúp sinh viên có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời có những góc nhìn mới hơn về các kỹ năng nghề nghiệp trong thực tế.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sinh viên mải mê làm thêm mà quên việc học, hoặc bị bóc lột sức lao động, làm việc không có hợp đồng, mập mờ tiền lương.

Do vậy, Dũng cho rằng giới hạn giờ làm thêm sẽ giúp sinh viên có thêm thời gian cho việc học và các hoạt động khác ngoài đi làm.

"Các bạn sinh viên cũng sẽ giảm tỷ lệ đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động, được bảo vệ quyền lợi chính đáng", Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, nam sinh cũng cho rằng nếu giới hạn giờ làm thêm, sinh viên cũng chưa chắc sử dụng thời gian rảnh cho việc học, phát triển bản thân. Nếu như vậy, các bạn có thể sa vào các hoạt động giải trí không lành mạnh.

Bên cạnh đó, nếu thu nhập bị giảm do giới hạn giờ làm thêm, sinh viên cũng dễ có hành vi làm "chui" để đảm bảo cuộc sống, đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật và phải đối diện nguy cơ bóc lột sức lao động.

sinh vien lam them anh 3

Quốc Dũng nhận định giới hạn giờ làm thêm có một số tác động tích cực đến học sinh, sinh viên. Ảnh: NVCC.

Cần tính toán kỹ hơn nếu áp dụng

Trước ý kiến sinh viên khó khăn không nhất thiết đi làm thêm, có thể cố gắng lấy học bổng hoặc vay sinh viên, Kim Anh cho rằng mỗi sinh viên sẽ có một hoàn cảnh khác nhau, không phải ai cũng tiếp cận được các khoản vay sinh viên. Tương tự, việc lấy học bổng cũng không dễ bởi phải lọt top điểm số cao.

Khi được hỏi việc làm thêm nhiều liệu có ảnh hưởng đến việc học hay không, cả Nguyễn Hạnh và Kim Anh đều cho biết công việc làm thêm không ảnh hưởng đến thời gian học tập ở trường cũng như việc tiếp thu kiến thức.

Hiện tại, hầu hết trường đại học đều cho phép sinh viên tự đăng ký tín chỉ và sắp xếp lịch học. Vì vậy, các em hoàn toàn có thể chủ động về mặt thời gian.

Theo Kim Anh, đề xuất giới hạn giờ làm thêm chỉ phù hợp với những sinh viên làm thêm mang tính trải nghiệm, không đặt nặng vấn đề kinh tế. Ngược lại, với những sinh viên cần làm thêm để có chi phí học, sinh hoạt, đề xuất này là không phù hợp.

Kim Anh đề xuất giới hạn giờ làm thêm nên áp dụng với học sinh THPT để đảm bảo việc học tập và sức khỏe. Còn về phía sinh viên, Nhà trước nên khuyến khích học sinh, sinh viên chỉ làm việc 20 giờ/tuần thay vì đặt ra giới hạn.

Bên cạnh đó, Kim Anh cho rằng để tránh sinh viên dành nhiều thời gian cho làm thêm, Nhà nước có thể tăng mức lương tối thiểu hoặc kiểm soát tốt hơn việc chi trả lương, hợp đồng lao động của sinh viên làm thêm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bạn.

Quốc Dũng cũng cho rằng việc áp dụng đề xuất giới hạn giờ làm thêm của sinh viên sẽ khó khả thi bởi không thể giám sát sinh viên đi làm thêm hay các cơ sở sử dụng lao động.

Dũng cho rằng các trường nên tuyên truyền đến học sinh, sinh viên, đảm bảo nhiệm vụ chính là học tập và trau dồi kiến thức thay vì say sưa trong việc đi làm thêm.

Bên cạnh đó, Dũng cũng đề xuất thay vì giới hạn số giờ theo tuần, quy định nên được thay đổi theo hướng giới hạn số giờ theo ngày. Như vậy sẽ đảm bảo vấn đề sức khỏe cho sinh viên.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Các nước quy định giờ làm thêm của sinh viên thế nào

Tại nhiều quốc gia, quy định giới hạn 20 giờ làm thêm mỗi tuần chủ yếu áp dụng đối với du học sinh.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm