Một số sinh viên đối diện với căng thẳng trong quá trình thực tập. Ảnh: Pexels. |
Giữa tháng 1/2024, Trần Mai (sinh viên năm cuối khoa Ngôn ngữ Anh tại một trường đại học ở Hà Nội) được trường phân công thực tập tại một trung tâm IELTS, vị trí thực tập sinh Content Marketing.
Tính đến hiện tại, Mai đã trải qua gần 1/3 thời gian thực tập, nhưng nữ sinh viên chưa hết "ngợp".
"Đầu việc dành cho thực tập sinh khá nhiều. Song song với thực tập, mình vẫn đi học và đi làm thêm. Deadline dồn dập khiến mình gần như không có thời gian nghỉ", Trần Mai nói về một tháng vừa rồi của mình.
Người mệt thể lực, người căng thẳng tinh thần
Chia sẻ với Tri thức - Znews, Mai cho biết theo kế hoạch của trường, cô sẽ đi thực tập 12 tuần, tương đương 60 buổi làm việc tại văn phòng, mỗi buổi 4 giờ.
Ngay khi nhận được thông tin, Mai đã bắt tay vào tìm kiếm địa điểm thực tập. Tuy nhiên, thời gian gấp gáp, lại vướng một số yêu cầu đặc biệt từ trường, Mai chấp nhận đăng ký thực tập tại đơn vị do trường giới thiệu.
"Ban đầu, khi được thông báo thực tập tại vị trí Content Marketing, mình háo hức lắm vì khá đúng với định hướng ban đầu, lại có chút kinh nghiệm nên cũng không lo. Nhưng cuối cùng, thực tế lại khác", Mai nói.
8h hàng ngày, nữ sinh bắt đầu một ngày làm việc ở công ty. Mai được giao làm mảng SEO (tối ưu hoá cho công cụ tìm kiếm - PV), chỉnh sửa ảnh, dịch và làm phụ đề video tiếng Anh cùng một số nhiệm vụ khác.
Do là người mới, làm công việc khác so với đơn vị thực tập cũ, Mai thường xuyên trong tình trạng phải làm đi làm lại để đạt yêu cầu. Một ngày 4 giờ làm việc ở công ty là không đủ, Mai buộc phải mang việc về nhà, tranh thủ làm trong lúc nghỉ giữa giờ trên lớp hoặc sau giờ làm thêm buổi tối để kịp deadline.
Nữ sinh cho hay dù đang trong thời gian thực tập, cô vẫn phải tham gia kỳ học chính trên trường. Từ ngày đi thực tập, Mai thường rơi vào cảnh hết giờ làm việc là "sấp ngửa" chạy về công ty để kịp giờ học chiều. Bữa trưa của nữ sinh thường bắt đầu vào giờ ra chơi, khi hết tiết học thứ nhất.
Bữa tối của Mai cũng thất thường, hôm có hôm không bởi công ty không hỗ trợ hay phụ cấp cho thực tập sinh, Mai phải duy trì công việc gia sư và trợ giảng ngoài thời gian đi học và thực tập để bù đắp chi phí sinh hoạt hàng tháng.
"Vậy là sáng mình đi làm, chiều đi học, tối đi làm thêm, đêm làm bài tập hoặc dịch video. Nhiều khi, mình chỉ ước một ngày có 48 giờ để hoàn thành công việc và có thêm thời gian nghỉ ngơi", Mai thừa nhận đã có lúc, cô lơ là việc học.
Không những mệt về thể xác, Mai cũng cảm thấy căng thẳng về tinh thần bởi sau vài tuần trải nghiệm, nữ sinh cảm thấy không phù hợp với mảng được giao, thường xuyên trong tình trạng thiếu ý tưởng. Những lần công việc không đạt yêu cầu, phải hỏi đi hỏi lại, Mai cũng ngại, không dám hỏi thêm trưởng nhóm mà tự mày mò làm khiến hiệu suất công việc chậm hơn.
"Các anh chị khá nhiệt tình, nhưng khối lượng công việc của anh chị nhiều gấp mấy lần mình, thay vì hỏi liên tục, mình cố gắng tự tìm hiểu, chỗ nào vướng quá, mình mới nhờ anh chị", Mai chia sẻ.
Mai tranh thủ dịch và tạo phụ đề cho video trong giờ nghỉ trên lớp. Ảnh: NVCC. |
Minh Khang (sinh viên năm cuối, Đại học Xây dựng Hà Nội) cũng vừa trải qua kỳ thực tập 6 tuần tại một công ty xây dựng. Không quá căng thẳng về tinh thần, cũng không phải mang việc về nhà như Mai, Khang cho biết công việc thực tập của cậu chủ yếu mệt về thể lực.
Hai tuần đầu làm việc ở văn phòng, Khang cảm thấy khối lượng công việc vừa phải, chủ yếu là nắm lý thuyết, bản vẽ. Tuần thứ 3, Khang bắt đầu xuống công trường, thực tập vị trí kỹ thuật, giám sát công trình. Khác hoàn toàn với 2 tuần trước đó, Khang bắt đầu làm việc theo giờ giấc của công nhân.
"Nhưng khi thợ xây nghỉ, mình chưa chắc đã được nghỉ bởi còn giám sát các đội khác như thợ điện. Nhiều hôm, mình phải ở lại làm muộn hơn. Bên cạnh đó, công trình làm liên tục, nói không với thứ bảy, chủ nhật. Dù là thực tập sinh, mình cũng phải theo guồng quay này. Chỉ hôm nào có việc bận, mình mới xin nghỉ", Khang chia sẻ.
Nam sinh cũng thừa nhận công việc ở công trường bụi bặm, vất vả nhiều, an toàn lao động khó đảm bảo 100%. Thời gian thực tập của Khang trùng với thời điểm nhiệt độ thời tiết ở Hà Nội xuống dưới 10 độ C. Những ngày này, Khang vẫn đến công trường như bình thường, làm việc ngoài trời bất chấp gió lạnh.
"Đến công trường, mình vận động, làm việc một lát là cơ thể ấm. Nhưng mình tự thấy công việc của mình vẫn chưa là gì so với các anh, các chú công nhân. Họ vất vả hơn nhiều", Khang nói.
Thực tập với thái độ của nhân viên chính thức
Nói với Tri thức - Znews, Minh Khang cho hay cậu có được công việc thực tập này cũng nhờ quen biết từ trước. Ngày đầu đến công ty, người quen hỏi cậu đơn giản chỉ muốn lấy phiếu xác nhận hay muốn được làm việc.
"Đối với mình, phiếu xác nhận chỉ là một phần. Quan trọng, mình muốn được va vấp thực tế, được làm việc như một nhân viên bình thường, để xem bản thân có thực sự phù hợp với ngành nghề này không. Ngoài từ chối 'ưu ái', mình cũng mạnh dạn xin phép quản lý cho xuống công trường thay vì ở văn phòng cả 6 tuần", Khang nói.
Khang duy trì tác phong chuyên nghiệp, chỉn chu với công việc được giao. Ảnh: NVCC. |
Công việc ở công trường vất vả, nhưng Khang cho biết trong suốt 6 tuần, chưa một lần cậu đi muộn. Nam sinh nói dù ở vị trí nhỏ nhất trong doanh nghiệp, cậu cũng duy trì tác phong chuyên nghiệp, chỉn chu với công việc được giao.
Khang được kỹ sư trưởng đánh giá cao về sự chủ động trong công việc. Trong quá trình giám sát thi công, Khang luôn chủ động tìm hiểu, đề xuất thêm phương án. Nếu không rõ công đoạn nào, Khang thường chủ động hỏi ngay để tránh lỗi sai trong việc thi công. Nam sinh cũng không ngại vất vả, chịu khó lăn xả cùng mọi người, coi mình là một phần của đơn vị chứ không phải người ngoài.
"Cũng nhờ đi thực tập, mình mới nhận ra thực tế công việc khác xa với lý thuyết, sách vở. Từ đó, mình biết chỗ nào thiếu để bổ sung, để học thêm", nam sinh cho biết sau 6 tuần, cậu vẫn xin ở lại, tiếp tục làm thực tập sinh vì "còn nhiều thứ chưa học hết". Bên cạnh đó, nếu thể hiện tốt, sau khi ra trường, Khang có cơ hội làm việc chính thức tại doanh nghiệp này.
Tương tự, dù không còn hào hứng với công việc thực tập như lúc đầu, Trần Mai cho hay cô vẫn luôn cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất có thể, tránh làm ảnh hưởng đến công việc chung của nhóm.
"Mình không mang tâm lý đi thực tập cho biết, cho có. Dù không thích mảng SEO trong Marketing, nhưng khi làm việc ở đây, trong gần 1 tháng, mình đã được học rất nhiều thứ mà trước đó mình chưa từng biết. Vậy nên, mình vẫn nghiêm túc và có trách nhiệm với công việc được giao", Mai nói nhờ đi thực tập, cô cũng hiểu rõ hơn về các mảng công việc trong lĩnh vực Marketing để định hướng tốt hơn sau khi ra trường.
Bước sang tháng thực tập thứ 2, nữ sinh nói sẽ vạch ra kế hoạch mới để sắp xếp thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, những đầu việc được giao cũng đang dần vào guồng, Mai tin bản thân sẽ làm nhanh và hoàn thành deadline sớm hơn, hạn chế phải mang việc về nhà.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.